settings icon
share icon
Câu hỏi

Các tiêu chuẩn Kinh Thánh cho chức vụ sứ đồ là gì?

Trả lời


Một sứ đồ (“người được cử đi thực hiện một sứ mạng”) là người được Đức Chúa Trời đã sai phái đi làm một công tác hay gửi một sứ điệp nào đó. Một sứ đồ mang lấy trách nhiệm từ Đấng Sai Phái và cũng có thẩm quyền đến từ Đấng Sai Phái. Chức vụ sứ đồ chính là nhiệm vụ mà một sứ đồ phải nắm giữ.

Chính Đức Chúa Giê-su Christ cũng mang lấy “chức vụ sứ đồ.” Ngài dùng chữ “sứ giả” như một trong các danh xưng mô tả Ngài (Hê-bơ-rơ 3:1). Ngài được Cha Thiên Thượng sai phái đến trong thế gian với sứ điệp đầy năng quyền của Đức Chúa Trời, và Ngài đã trung tín rao truyền sứ điệp ấy (Giăng 17:1-5).

Trong lúc Chúa Giê-su còn tại thế, Ngài đích thân chọn lựa mười hai người từ trong những môn đồ của Ngài và ban cho họ chức sứ đồ - một trọng trách đặc biệt để nhận lãnh và rao truyền sứ điệp của Ngài sau khi Ngài về trời (Giăng 17:6-20; Ma-thi-ơ 10:1–4; Mác 3:14–19). Những người được chọn và được sai đi này chính là các sứ đồ của Ngài. Trong thời gian Chúa Giê-su huấn luyện họ, Ngài không giải thích những tiêu chí Ngài đã dùng để lựa chọn họ.

Một trong mười hai người đó là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, người đã bán đứng Chúa Giê-su cho kẻ chống nghịch Ngài. Trong cơn đau đớn vì lương tâm cáo trách, Giu-đa đã treo cổ tự tử (Ma-thi-ơ 27:5). Vì lẽ đó, sau khi Chúa Giê-su thăng thiên về trời, Ngài chỉ để lại 11 sứ đồ trên đất.

Một vài ngày sau đó, các sứ đồ còn lại đang ở tại Giê-ru-sa-lem cùng cầu nguyện với mẹ Chúa Giê-su, các anh em Ngài, và một vài tín hữu khác. Nhóm này tổng cộng khoảng 120 người (Công Vụ 1:12-26). Si-môn Phi-e-rơ đứng lên giữa mọi người và nhắc họ rằng Thi Thiên 69:25 đã tiên báo trước sự bội đạo của Giu-đa và Thi Thiên 109:8 tiên báo rằng vị trí của kẻ hư mất phải được thay thế. Chức sứ đồ ấy phải được trao cho một người khác.

Phi-e-rơ đề xuất lựa chọn một sứ đồ mới và đặt ra các tiêu chuẩn. Không phải ai cũng có thể được xem xét cho chức vụ sứ đồ. Các ứng viên cần phải ở với Chúa Giê-su trong suốt ba năm Ngài thi hành chức vụ ở giữa họ. Nghĩa là, người này phải tận mắt chứng kiến sự báp-têm của Chúa Giê-su khi Đức Chúa Cha xác nhận thẩm quyền trong bản thể và công việc của Ngài. Người này phải từng nghe những lời giảng dạy biến đổi cuộc đời của Chúa Giê-su và đã từng có mặt khi Ngài chữa bệnh và làm các phép lạ khác. Người này cần phải chứng kiến Chúa Giê-su hy sinh thân Ngài trên thập tự giá và đã từng thấy Ngài đi lại, trò chuyện và ăn uống giữa vòng các sứ đồ sau khi Ngài phục sinh. Đây là những sự thật chính yếu trong cuộc đời chức vụ của Chúa Giê-su, là trọng tâm của sứ điệp mà họ sẽ rao giảng, và sự chứng kiến cá nhân là điều kiện tiên quyết để xác minh lẽ thật của tin lành.

Nhóm người cầu nguyện tại Giê-ru-sa-lem đã đề cử hai người đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành một sứ đồ: Giô-sép Ba-sa-ba và Ma-thia. Kế đó các sứ đồ cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn họ để xác định xem ai trong hai người sẽ lấp vào chỗ trống. Sử dụng một phương thức xác định ý muốn của Đức Chúa Trời phổ biến vào thời kỳ đó, họ đã bắt thăm, qua đó để cho Đức Chúa Trời tự quyền bày tỏ sự lựa chọn của Ngài. Lá thăm trúng vào Ma-thia, và ông trở nên sứ đồ thứ mười hai.

Nhiều lần liên tiếp, các sứ đồ làm chứng về sự quan sát cá nhân của họ về Chúa Giê-su, khẳng định rằng, “Chúng tôi là những nhân chứng về mọi điều Ngài đã làm ở Giu-đê và Giê-ru-sa-lem. Người ta đã treo Ngài trên cây gỗ mà giết đi. Nhưng ngày thứ ba, Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại và hiện ra” (Công Vụ 10:39-40)

Nhiều tháng sau, Sau-lơ, một người thuộc nhóm Pha-ri-si, đang nỗ lực để dập tắt một “tà giáo” mới với tên gọi Cơ Đốc Giáo bằng cách giết và bỏ tù nhiều người tin theo Chúa Giê-su. Trong khi Sau-lơ đang trên đường thi hành nhiệm vụ chết chóc của mình tại thành Đa-mách, chính Chúa Giê-su hằng sống đã hiện ra với ông. Cuộc gặp gỡ không thể chối cãi này với Chúa Phục Sinh đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời của Sau-lơ. Trong một khải tượng của Chúa cho một tín hữu khác tại thành Đa-mách, Chúa Giê-su phán rằng Ngài đã chọn Sau-lơ “làm một công cụ cho Ta để đem danh Ta đến cho các dân ngoại, các vua, và con dân Y-sơ-ra-ên;” (Công Vụ 9:15; so sánh Công Vụ 22:14-15). Sau khi cải đạo, Phao-lô dành một thời gian ở tại Ả-rập, nơi ông được dạy dỗ bởi Đấng Christ (Ga-la-ti 1:12-17). Các sứ đồ khác cũng nhận ra rằng chính Chúa Giê-su đã chỉ định người trước đây chống đối Ngài để trở thành một trong số họ. Trong thời gian Sau-lơ đi đến lãnh thổ của dân ngoại, ông đã đổi sang tên Hy Lạp là “Phao-lô”, và Chúa Giê-su, Đấng ban cho Phao-lô chức vụ sứ đồ, đã dùng ông đem nhiều sứ điệp đến cho Hội Thánh của Ngài và những người chưa tin. Chính sứ đồ Phao-lô này đã viết hơn một nửa số sách trong Kinh Thánh Tân Ước.

Trong hai thư tín của mình, Phao-lô đã xác định chức vụ sứ đồ của mình cũng giống với các sứ đồ đầu tiên mà Chúa Giê-su đã chỉ định để phục vụ Hội Thánh của Ngài (I Cô-rinh-tô 12:27–30; Ê-phê-sô 4:11). Rõ ràng, công tác của một sứ đồ là đặt nền tảng cho Hội Thánh và chỉ đứng sau chính Đức Chúa Giê-su mà thôi (Ê-phê-sô 2:19-20), vì thế nên nó đòi hỏi sự chứng kiến tận mắt đằng sau những lời giảng dạy của họ. Sau khi các sứ đồ đã thiết lập nền tảng, Hội Thánh có thể được xây dựng.

Phao-lô chưa bao giờ tuyên bố mình được kể vào nhóm 11 sứ đồ đầu tiên, nhưng ông có nhận thức chức vụ sứ đồ của mình; các tín hữu đã công nhận rằng Chúa Giê-su đã chỉ định ông làm một sứ đồ đặc biệt cho Ngài đối với dân ngoại (Ga-la-ti 1:1; I Cô-rinh-tô 9:1; Công Vụ 26:16–18). Cũng có những người khác trong Hội Thánh đầu tiên được nhắc đến như là “sứ đồ” (Công Vụ 14:4, 14; Rô-ma 16:7; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:6), nhưng chỉ mang ý nghĩa là họ được chỉ định, trao thẩm quyền, và sai phái bởi các hội thánh để thực hiện một công tác đặc biệt nào đó. Những cá nhân này mang danh hiệu “sứ đồ” theo một ý nghĩa hạn chế và không sở hữu tất cả những điều kiện cần thiết của một sứ đồ như mười hai sứ đồ đầu tiên và Phao-lô.

Không có bằng chứng Kinh Thánh nào hiện hữu để chỉ ra rằng mười ba vị sứ đồ này đã được thay thế sau khi họ qua đời. Hãy xem Công Vụ 12:1-2 để làm ví dụ. Chúa Giê-su chỉ định các sứ đồ để làm công tác thiết lập nền tảng cho Hội Thánh, và nền móng chỉ cần được thiết lập một lần mà thôi. Sau khi các sứ đồ qua đời, các chức vụ khác ngoài chức vụ sứ đồ, không đòi hỏi phải có mối liên hệ nhân chứng với Chúa Giê-su, sẽ tiếp tục công việc.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Các tiêu chuẩn Kinh Thánh cho chức vụ sứ đồ là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries