settings icon
share icon
Câu hỏi

Ai là người Ê-đôm?

Trả lời


Người Ê-đôm là con cháu của Ê-sau, con trai đầu lòng của Y-sác và là em song sinh của Gia-cốp. Khi còn trong bụng mẹ, Ê-sau và Gia-cốp đã vật lộn với nhau, và Đức Chúa Trời nói với người mẹ, là Rê-bê-ca, rằng họ sẽ trở thành hai dân tộc, đứa lớn phải phục dịch đứa nhỏ (Sáng thế ký 25:23). Khi trưởng thành, Ê-sau đã khinh thường và bán quyền trưởng nam của mình cho Gia-cốp vì một chén canh phạn đậu (Sáng thế ký 25:30-34), rồi về sau ông đã ghét người em trai của mình. Ê-sau trở thành tổ phụ của người Ê-đôm và Gia-cốp trở thành tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên, và hai dân tộc tiếp tục tranh chiến với nhau trong phần lớn lịch sử của họ. Trong Kinh Thánh, các từ “Sê-i-rơ” (Giô-suê 24:4), “Bốt-ra” (Ê-sai 63:1) và “Sê-la” (2 Các Vua 14:7) là để chỉ ra các vùng đất và kinh đô của Ê-đôm. Sê-la ngày nay được biết đến nhiều hơn với cái tên Petra.

Cái tên “Ê-đôm” bắt nguồn từ tiếng Xê-mít (Semitic) có nghĩa là “màu đỏ” và vùng đất phía Nam Biển Chết được đặt tên đó vì loại đá sa thạch màu đỏ nổi bật trong địa hình đó. Ê-sau, chỉ vì món súp mà ông đã đánh đổi quyền trưởng nam của mình, được gọi là Ê-đôm, và sau đó ông đã dời gia đình mình đến vùng đồi có cùng tên. Sáng thế ký 36 thuật lại lịch sử sơ khai của người Ê-đôm, cho rằng họ có các vua trị vì rất lâu trước khi Y-sơ-ra-ên có vua (Sáng thế ký 36:31). Tín ngưỡng của người Ê-đôm cũng giống như các xã hội ngoại giáo khác là thờ các thần sinh sản. Hậu duệ của Ê-sau cuối cùng đã cai trị các vùng đất phía Nam và kiếm sống bằng nông nghiệp và thương mại. Một trong những tuyến đường thương mại cổ xưa, là Con Đường Cái Của Vua (Dân số ký 20:17) đi qua vùng đất của dân Ê-đôm, và khi dân Y-sơ-ra-ên xin phép sử dụng tuyến đường này trong cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, họ đã bị từ chối bằng vũ lực.

Vì là họ hàng gần nên dân Y-sơ-ra-ên không được ghét dân Ê-đôm (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:7). Tuy nhiên, người Ê-đôm thường xuyên tấn công dân Y-sơ-ra-ên, và hậu quả là nhiều cuộc chiến đã diễn ra. Vua Sau-lơ đã chiến đấu chống lại người Ê-đôm, và Vua Đa-vít đã khuất phục họ, thiết lập các đồn trú quân ở Ê-đôm. Với quyền kiểm soát trên lãnh thổ Ê-đôm, dân Y-sơ-ra-ên có quyền tiếp cận cảng Ê-xi-ôn Ghê-be trên Biển Đỏ, từ đó Vua Sa-lô-môn đã gửi nhiều thám tử đi thăm dò. Sau triều đại của Sa-lô-môn, người Ê-đôm nổi dậy và được tự do một thời gian cho đến khi họ bị người A-si-ri dưới sự chỉ huy của vua Tiếc-lác Phin-nê-se khuất phục.

Trong các cuộc chiến thời Mác-ca-bê, người Ê-đôm bị người Do Thái khuất phục và buộc phải cải đạo sang Do Thái giáo. Trải qua tất cả, người Ê-đôm vẫn giữ phần lớn mối hận thù lâu đời của họ đối với người Do Thái. Khi tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ chung, người Ê-đôm được gọi là người I-đu-mê. Với sự trỗi dậy của Đế chế La Mã, một người I-đu-mê có cha đã cải đạo sang Do Thái giáo được phong làm vua xứ Giu-đê. Người I-đu-mê đó được biết đến trong lịch sử là Vua Hê-rốt Đại đế, tên bạo chúa đã ra lệnh tàn sát ở Bết-lê-hem nhằm giết hài nhi Christ (Ma-thi-ơ 2:16-18).

Sau khi vua Hê-rốt chết, người I-đu-mê dần dần biến mất khỏi lịch sử. Đức Chúa Trời đã báo trước sự hủy diệt của người Ê-đôm rằng: “Vì mầy đã lấy làm vui về sản-nghiệp nhà Y-sơ-ra-ên bị hoang-vu, nên ta đãi mầy cũng vậy. Hỡi núi Sê-i-rơ, mầy với cả Ê-đôm, tức cả xứ ấy, sẽ bị hoang-vu, và chúng nó sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va.” (Ê-xê-chi-ên 35:15). Bất chấp những nỗ lực không ngừng của người Ê-đôm để cai trị người Do Thái, lời tiên tri của Đức Chúa Trời cho Rê-bê-ca đã được ứng nghiệm: đứa lớn phục dịch đứa nhỏ, và dân Y-sơ-ra-ên tỏ ra mạnh mẽ hơn dân Ê-đôm.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Ai là người Ê-đôm?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries