settings icon
share icon
Câu hỏi

Phước lành theo Kinh Thánh là gì?

Trả lời


Trong Kinh Thánh, có một số từ thường được dịch là “phước” hoặc “phước lành”. Tiếng Hê-bơ-rơ thường được dịch “phước lành” là barak, có nghĩa là khen ngợi, chúc mừng hoặc chào thăm, và thậm chí còn được dùng để chỉ lời nguyền rủa. Từ phước được xuất hiện đầu tiên trong Sáng thế ký 1:22, khi Đức Chúa Trời ban phước cho các loài sinh vật biển và chim trời, Chúa phán chúng hãy sinh sôi nảy nở nhiều trên mặt đất. Tương tự như vậy, trong câu 28, Đức Chúa Trời cũng ban phước cho A-đam và Ê-va và họ phải cai trị trên muôn loài. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham đi đến miền Đất Hứa (Sáng thế ký 12:1-3), Ngài hứa sẽ ban phước cho ông, làm rạng danh ông và qua ông, mọi dân trên đất đều được phước. Các phước lành ở đây rõ ràng liên quan đến hạnh phúc và sự thịnh vượng cho cả Áp-ra-ham và những người khác. Trong Sáng thế ký 22:16-18, Đức Chúa Trời ban phước cho Áp-ra-ham một lần nữa, và nói thêm rằng ông được phước là do ông đã vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời không phải là người duy nhất ban phước lành. Khi Rê-bê-ca rời gia đình để trở thành vợ của Y-sác (Sáng thế ký 24:60), gia đình đã chúc phước cho cô: “Chúc cho em được trở nên mẹ của ức-triệu người, và cho dòng-dõi em được chiếm lấy cửa thành của quân nghịch.” Khi Y-sác sắp qua đời, ông cũng đã chúc phước cho con trai mình là Gia-cốp: “Cầu-xin Đức Chúa Trời cho con sương-móc trên trời xuống, Được màu-mỡ của đất, Và dư-dật lúa-mì cùng rượu. Muôn dân phải phục con, Các nước phải quì-lạy trước mặt con! Hãy được quyền chủ các anh em, Các con trai của mẹ con phải quì-lạy trước mặt con! Ai rủa-sả con sẽ bị rủa-sả lại, Ai cầu phước cho con, sẽ được ban phước lại!” (Sáng Thế Ký 27:28-29).

Một từ phước khác trong tiếng Hê-bơ-rơ là esher, cũng được dịch là hạnh phúc. Gióp 5:17 tuyên bố “Người mà Đức Chúa Trời quở-trách lấy làm phước thay! Vậy, chớ khinh sự sửa-phạt của Đấng Toàn-năng.” Phước lành này liên quan đến sự hiểu biết rằng Đức Chúa Trời đang làm việc để hướng dẫn chúng ta đi đúng đường. Sự sửa phạt của Đức Chúa Trời thực ra là tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, giống như cha mẹ trừng phạt đứa con ham chơi. Thi Thiên 1:1-3 đề cập đến vấn đề sâu xa hơn khi nói rằng, “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.” Sách Thi Thiên đề cập rất nhiều đến các phước lành dành cho những ai yêu mến và kính sợ Đức Chúa Trời.

Trong Tân Ước, có hai từ Hy Lạp chính được dịch là “phước lành”. Thứ nhất, “Makarios” mang ý nghĩa hạnh phúc mà chúng ta vừa xem qua. Các Phước Lành trong Ma-thi-ơ 5 và Lu-ca 6 mô tả trạng thái hạnh phúc của những người tìm thấy mục đích và sự trọn vẹn của họ trong Đức Chúa Trời. Như trong Thi Thiên, cuộc sống tốt nhất dành cho những ai yêu mến, kính sợ Đức Chúa Trời và làm theo theo Lời Chúa. Rô-ma 4:6-8 liên kết niềm hạnh phúc này với những người được tha thứ tội lỗi, vì họ biết mối quan hệ với Đức Chúa Trời đã được phục hồi. Thứ hai, từ “Eulogeo” tập trung nhiều hơn vào những lời tốt đẹp hoặc tiếng tốt mà người khác dành cho ai đó và cũng mô tả lời chúc phước trên thức ăn của mình (Ma-thi-ơ 26:26). Ê-phê-sô 1:3 chúc tụng Đức Chúa Trời vì mọi phước lành mà Ngài ban cho chúng ta trong Đấng Christ, và I Phi-e-rơ 3:9 hướng dẫn chúng ta cách chúc phước cho những người ngược đãi chúng ta, vì chúng ta được kêu gọi để nhận ơn phước từ Đức Chúa Trời.

Liên kết những ý nghĩa này lại với nhau, chúng ta thấy rằng một lời chúc phước là nói lời tốt lành và cầu chúc hạnh phúc cho người khác, cũng như điều kiện để nhận được những điều đó. Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo là để các tạo vật của Ngài, bao gồm cả con người, trải nghiệm sự thịnh vượng, hòa bình và đầy đủ, nhưng ý định đó đã bị hủy hoại khi tội lỗi vào thế gian. Khi đó phước lành là mong muốn Đức Chúa Trời khôi phục lại ân điển của Ngài cho con người hoặc một sự ban phước về lòng tốt vốn có của Chúa. Phước lành cuối cùng mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại là sự sống mới và sự tha thứ đến từ đức tin nơi Con Ngài, Chúa Giê-xu. Các phước lành vật chất mà chúng ta vui hưởng hàng ngày chỉ là tạm thời, nhưng các phước hạnh thuộc linh có sẵn cho chúng ta trong Đấng Christ là vĩnh cửu, cũng như những điều vật chất và phi vật chất. Như tác giả Thi Thiên đã nói: “Phước cho người nào có Đức Chúa Trời của Gia-cốp giúp đỡ mình, để lòng trông cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình!” (Thi thiên 146:5).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Phước lành theo Kinh Thánh là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries