settings icon
share icon
Câu hỏi

Những thầy thông giáo thường tranh luận với Chúa Giê-su là ai?

Trả lời


Các thầy thông giáo ở Y-sơ-ra-ên thời xưa là những người đã được học với nhiệm vụ nghiên cứu Luật Pháp, sao chép bản thảo và viết bình luận về Luật Pháp đó. Họ cũng được thuê vào những dịp cần có tài liệu viết hoặc khi cần giải thích một điểm pháp lý. E-xơ-ra, “một văn sĩ thạo luật pháp của Môi-se,” là một người ghi chép kinh luật (E-xơ-ra 7:6).

Những người ghi chép kinh luật rất coi trọng công việc bảo quản Kinh Thánh của họ; họ sẽ sao chép và sao chép lại Kinh Thánh một cách tỉ mỉ, thậm chí đếm các chữ cái và khoảng cách để đảm bảo mỗi bản sao đều chính xác. Chúng ta có thể cảm ơn những người sao chép bản thảo Do Thái đã bảo tồn phần Cựu Ước trong Kinh Thánh cho chúng ta.

Người Do Thái ngày càng được biết đến là “dân tộc của Kinh sách” vì họ trung thành nghiên cứu Kinh Thánh, đặc biệt là Luật Pháp và cách tuân theo Luật Pháp đó. Trong thời Tân Ước, các thầy thông giáo thường được liên kết với phái Pha-ri-si, mặc dù không phải tất cả những người Pha-ri-si đều là thầy thông giáo (xin xem Ma-thi-ơ 5:20; 12:38). Các thầy thông giáo là giáo sư của dân chúng (Mác 1:22) và là người giải thích Luật Pháp. Họ được cộng đồng tôn trọng rộng rãi vì kiến thức, sự tận tâm và bề ngoài giữ Luật.

Tuy nhiên, các thầy thông giáo đã đi xa hơn việc giải thích Kinh Thánh, và thêm nhiều truyền khẩu do con người tạo ra vào những gì Đức Chúa Trời đã phán dạy. Họ trở nên chuyên nghiệp trong việc đánh vần chữ cái của Luật Pháp trong khi phớt lờ ý nghĩa tinh thần đằng sau nó. Mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức các quy định và lời truyền khẩu mà các thầy thông giáo thêm vào Luật được coi là quan trọng hơn chính Luật. Điều này dẫn đến nhiều cuộc đối đầu giữa Chúa Giê-su với người Pha-ri-si và các thầy thông giáo. Mở đầu Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su đã làm cho cử tọa của Ngài sửng sốt khi tuyên bố rằng sự công bình của các thầy thông giáo không đủ để đưa một người vào nước thiên đàng (Ma-thi-ơ 5:20). Phần lớn bài giảng của Chúa Giê-su đề cập đến những gì dân chúng đã được dạy (bởi các thầy thông giáo) và những gì Đức Chúa Trời thực sự muốn (Ma-thi-ơ 5:21–48). Vào cuối chức vụ của Chúa Giê-su, Ngài đã hoàn toàn lên án các thầy thông giáo về sự giả hình của họ (Ma-thi-ơ 23). Họ biết Luật, và họ dạy cho người khác, nhưng họ không tuân theo.

Mục đích ban đầu của các thầy thông giáo là nghiêm túc—biết và gìn giữ Luật Pháp cũng như khuyến khích người khác tuân giữ. Nhưng mọi thứ trở nên sai lầm khủng khiếp khi những lời truyền khẩu do con người tạo ra làm lu mờ Lời Đức Chúa Trời và sự giả vờ thánh khiết thay thế một đời sống tin kính thật sự. Các thầy thông giáo, những người đã nêu mục tiêu là bảo tồn Lời Chúa, thực ra đã vô hiệu hóa Lời Chúa bằng những truyền khẩu mà họ lưu truyền (Mác 7:13).

Làm thế nào mà mọi thứ đã đi xa như vậy? Có lẽ vì người Do Thái, sau khi sống sót qua nhiều thế kỷ bị bắt bớ và làm nô lệ, đã tự hào về việc tuân giữ Luật Pháp và cách Luật Pháp đánh dấu họ là dân được Đức Chúa Trời tuyển chọn. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giê-su chắc chắn có thái độ tự cao (Giăng 7:49), điều mà Chúa Giê-su phản đối (Ma-thi-ơ 9:12). Vấn đề lớn hơn là các thầy thông giáo thực chất là những kẻ đạo đức giả. Họ quan tâm đến việc tỏ ra tử tế với loài người hơn là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Cuối cùng, chính những thầy thông giáo này đã góp phần vào việc bắt giữ và đóng đinh Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 26:57; Mác 15:1; Lu-ca 22:1–2). Bài học mà mọi Cơ Đốc nhân có thể học được từ sự giả hình của các thầy thông giáo là Đức Chúa Trời không muốn những hành động công bình bề ngoài. Ngài muốn có một sự thay đổi bên trong tấm lòng đó là sự luôn mềm mại trong tình yêu thương và sự vâng phục Đấng Christ.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Những thầy thông giáo thường tranh luận với Chúa Giê-su là ai?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries