settings icon
share icon

Sách Hê-bơ-rơ

Tác giả: Mặc dù một vài người gộp sách Hê-bơ-rơ vào trong những sách của sứ đồ Phao-lô, đặc tính nhận dạng chắc chắn về tác giả của sách vẫn còn là một điều bí ẩn. Điều còn thiếu là lời chào theo lệ thường của Phao-lô phổ biến trong những tác phẩm khác của ông. Ngoài ra, những gợi ý cho rằng tác giả của bức thư này dựa vào những kiến thức và thông tin được cung cấp bởi những chứng nhân thực sự tận mắt chứng kiến Chúa Giê-xu Christ (2:3) làm cho giả thuyết Phao-lô là tác giả trở nên không chắc chắn. Một số người cho rằng Lu-ca là tác giả của sách; những người khác đưa ra giả thuyết sách Hê-bơ-rơ có thể đã được viết bởi A-bô-lô, Ba-na-ba, Si-la, Phi-líp hoặc A-qui-la và Bê-rít-sin. Bất kể bàn tay con người nào đã cầm bút viết, Thánh Linh của Chúa là tác giả thiên thượng của tất cả Kinh Thánh (II Ti-mô-thê 3:16); do đó, sách Hê-bơ-rơ nói với cùng một thẩm quyền kinh điển như 65 sách khác của Kinh Thánh.

Thời điểm viết sách: Clement một giáo phụ thời kỳ đầu trích dẫn từ sách Hê-bơ-rơ vào năm 95 sau Công Nguyên. Tuy nhiên, bằng chứng nội tại ví dụ như thực tế rằng Ti-mô-thê vẫn còn sống vào thời điểm bức thư tín được viết và sự vắng mặt của bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự kết thúc của hệ thống tế lễ thời Cựu Ước đã xảy ra với sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sau Công Nguyên, cho thấy rằng sách được viết vào khoản năm 65 sau Công Nguyên.

Mục đích viết sách: Tiến sĩ Walter Martin, nhà sách lập muộn của Viện nghiên cứu Cơ Đốc Giáo và là tác giả của quyển sách bán chạy nhất Vương quốc của những giáo phái , đã châm biếm trong cách khôi hài quen thuộc của ông rằng sách Hê-bơ-rơ được viết bởi một người Hê-bơ-rơ cho những người Hê-bơ-rơ khác để bảo những người Hê-bơ-rơ hãy ngừng hành động như những người Hê-bơ-rơ. Sự thật là nhiều người trong số những tín hữu Do Thái đầu tiên đã đang trượt trở lại vào trong các nghi thức và nghi lễ của Do Thái giáo để trốn thoát khỏi sự bắt bớ đang gia tăng. Cho nên, bức thư tín này là một sự khích lệ tinh thần cho những tín hữu bị bắt bớ đó để tiếp tục trong ân điển của Đức Chúa Giê-xu Christ

Những câu gốc chính:
Hê-bơ-rơ 1:1-2 “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian”

Hê-bơ-rơ 2:3: “Mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? …”

Hê-bơ-rơ 4:14-16 “Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin. Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng”

Hê-bơ-rơ 11:1: “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy”

Hê-bơ-rơ 12:1-2 Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta. Nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.

Tóm tắt ngắn gọn: Sách Hê-bơ-rơ hướng đến ba nhóm người riêng biệt: tín hữu trong Đấng Christ, những người không tin nhưng có kiến thức và sự chấp nhận về mặt lý trí đối với những sự thật về Đấng Christ, và những người không tin được thu hút đến với Đấng Christ nhưng cuối cùng lại từ chối Ngài. Điều quan trọng là phải hiểu được nhóm người nào đang được nói đến trong phân đoạn nào. Thất bại trong việc này có thể khiến chúng ta rút ra những kết luận không tương xứng với phần còn lại của Kinh Thánh.

Tác giả của sách Hê-bơ-rơ liên tục có những đề cập đến sự ưu việt của Đấng Christ trong chính con người của Ngài và trong việc thi hành chức vụ của Ngài. Trong các sách Cựu Ước, chúng ta hiểu rằng các nghi thức và nghi lễ của Do Thái giáo mang tính biểu tượng chỉ về sự hiện đến của Đấng Mê-si. Nói cách khác, các nghi thức của Do Thái giáo không gì khác hơn là hình bóng của những điều sẽ đến. Sách Hê-bơ-rơ nói với chúng ta rằng Chúa Giê-xu Christ vượt trội hơn bất kì điều gì mà tôn giáo đơn thuần có thể mang lại. Tất cả những phù hoa và nghi lễ tôn giáo lu mờ đi khi so sánh với con người, công tác, và chức vụ của Chúa Giê-xu Christ. Sự ưu việt của Chúa Giê-xu chúng ta vẫn chính là chủ đề của bức thư tín được viết một cách hùng hồn này.

Những liên kết: Có lẽ không đâu trong Tân Ước mà Cựu Ước đi vào trọng tâm hơn là trong sách Hê-bơ-rơ, trong đó nền tảng của sách là chức vụ thầy tế lễ của dòng Lê-vi. Tác giả của sách Hê-bơ-rơ liên tục so sánh những bất cập của hệ thống tế lễ Cựu ước với sự hoàn hảo và hoàn tất trong Đấng Christ. Trong khi Giao Ước cũ đòi hỏi việc tế lễ liên tục và sự chuộc tội mỗi năm một lần cho tội lỗi được dâng lên bởi một thầy tế lễ của con người, Giao Ước mới mang đến sự hy sinh một lần đủ cả qua Đấng Christ (Hê-bơ-rơ 10:10) và sự trực tiếp đến gần ngôi của Đức Chúa Trời cho tất cả những ai ở trong Ngài.

Ứng dụng thực tế: Phong phú về mặt giáo lý Cơ Đốc giáo căn bản, bức thư tín gửi cho người Hê-bơ-rơ cũng đem đến cho chúng ta những ví dụ rất khích lệ về các “anh hùng đức tin” của Chúa, những người đã bền chí bất chấp những khó khăn lớn lao và hoàn cảnh bất lợi (Hê-bơ-rơ 11). Những thành viên trong Đại Sảnh Đức Tin của Chúa này đem đến một bằng chứng mạnh mẽ về sự bảo đảm vô điều kiện và sự đáng tin cậy tuyệt đối của Chúa. Cũng như vậy, chúng ta có thể duy trì sự tin tưởng tuyệt đối trong những lời hứa dồi dào của Chúa, bất kể hoàn cảnh của chúng ta ra sao, bằng cách suy gẫm trên sự thành tín như tảng đá vững chắc của công việc Chúa làm trong cuộc sống của những thánh đồ Cựu Ước.

Tác giả sách Hê-bơ-rơ đem đến sự động viên phong phú cho tín hữu, nhưng có năm cảnh báo nghiêm nghị chúng ta phải chú ý. Có sự nguy hiểm của việc thờ ơ (Hê-bơ-rơ 2:1-4), sự nguy hiểm của việc không tin (Hê-bơ-rơ 3:7-4:13), cự nguy hiểm của tình trạng không trưởng thành thuộc linh (Hê-bơ-rơ 5:11-6:20), sự nguy hiểm của việc thất bại trong sự nhẫn nhục (Hê-bơ-rơ 10:26-39), và sự nguy hiểm vốn có trong việc từ chối Chúa (Hê-bơ-rơ 12:25-29). Và như thế, chúng ta tìm thấy trong kiệt tác đỉnh cao này một tài sản lớn của giáo lý, một suối nguồn tươi mát của sự khích lệ, và một nguồn của những cảnh báo vững chắc và thực tế chống lại tính lười biếng trong cuộc hành trình của Cơ Đốc nhân. Nhưng vẫn còn có nhiều điều khác nữa, bởi vì trong Hê-bơ-rơ chúng ta tìm thấy một bức chân dung được diễn tả một cách tuyệt diệu của Chúa Giê-xu Christ chúng ta- Tác Giả và là Người Hoàn Tất chương trình cứu rỗi của chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:2).
English



Trở lại trang chủ tiếng Khảo sát Tân Ước



Sách Hê-bơ-rơ
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries