settings icon
share icon
Câu hỏi

Thuyết Ngộ Giáo Cơ Đốc là gì?

Trả lời


Thực ra không có khái niệm Thuyết Ngộ Giáo Cơ Đốc (Christian Gnoticism), vì Cơ Đốc Giáo chân chính và Thuyết Ngộ Giáo là hai hệ thống giáo lí trái ngược nhau hoàn toàn. Quan điểm của Thuyết Ngộ Giáo mâu thuẫn với đời sống của Cơ Đốc nhân. Do đó, dù có nhiều thành phần Ngộ Giáo tự nhận mình là Cơ Đốc nhân, thực chất họ hoàn toàn không phải.

Thuyết Ngộ Giáo có lẽ là một trong những dị giáo đe dọa hội thánh đầu tiên nhiều nhất trong khoảng ba thế kỉ. Ảnh hưởng bởi học thuyết của Pluto và một số triết gia khác, Thuyết Ngộ Giáo dựa vào hai tiền đề sai trái. Thứ nhất, thuyết này theo chủ nghĩa nhị nguyên, phân chia vũ trụ thành hai phần tâm linh và vật chất. Thuyết Ngộ Giáo khẳng định rằng vật chất vốn dĩ là là ác và tâm linh là tốt. Với tiền đề như vậy, Thuyết Ngộ Giáo tin rằng bất cứ điều gì cơ thể con người làm, kể cả tội lỗi ghê tởm nhất, đều không có ý nghĩa gì cả vì cuộc sống thực sự tồn tại trong thế giới tâm linh.

Thứ hai, Thuyết Ngộ Giáo tự nhận sở hữu một dạng tri thức tiên tiến, “bậc cao” mà chỉ một số người biết. Từ “ngộ giáo” (“Gnosticism”) xuất phát từ tiếng Hi Lạp “gnosis” có nghĩa là “biết.” Thuyết Ngộ Giáo tự nhận có kiến thức cao, không xuất phát từ Kinh Thánh nhưng từ một thế lực thần bí tồn tại ở trình độ cao cấp hơn. Người theo Thuyết Ngộ Giáo tự coi mình thuộc đẳng cấp cao hơn người thường vì có hiểu biết về Chúa cao hơn và sâu hơn.

Để phản bác lại quan điểm cho rằng Cơ Đốc Giáo và Thuyết Ngộ Giáo hòa hợp nhau, chỉ cần so sánh giáo lí cơ bản của hai tín ngưỡng. Về sự cứu rỗi, Thuyết Ngộ Giáo dạy rằng chúng ta được cứu qua kiến thức thần thánh giải cứu con người khỏi bóng tối. Mặc dù họ tự nhận đi theo Chúa Giê-xu Christ và lời dạy ban đầu của Ngài, Thuyết Ngộ Giáo mâu thuẫn với Chúa Giê-xu trong mọi mặt. Chúa Giê-xu không hề nhắc đến sự cứu rỗi bởi kiến thức, nhưng bởi đức tin vào Ngài là Đấng Cứu Thế nhân loại khỏi tội lỗi. “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào.” (Ê-phê-sô 2:8-9). Hơn nữa, sự cứu rỗi Chúa ban cho là miễn phí và dành cho tất cả mọi người (Giăng 3:16), không chỉ dành cho một vài người được khải tượng đặc biệt.

Cơ Đốc Giáo khẳng định rằng chỉ có một nguồn Lẽ Thật duy nhất và đó là Kinh Thánh, Lời của Đấng Hằng Sống, được cảm thúc và không hề sai lệch. Kinh Thánh cung cấp nguyên tắc không thể chối cãi về đức tin và sống đạo (Giăng 17:17; 2 Ti-mô-thê 3:15-17; Hê-bơ-rơ 4:12). Đây là sự mặc khải của Chúa cho nhân loại và tư tưởng, suy nghĩ, văn học và tầm nhìn của con người không thể nào thay thế được. Trái lại, Thuyết Ngộ Giáo lại sử dụng rất nhiều tài liệu dị giáo thời xưa được biết đến với tên Phúc Âm Ngộ Giáo, một bộ sách giả mạo được coi là “những sách lạc mất của Kinh Thánh.” Cảm tạ Chúa vì những trưởng lão hội thánh đầu tiên đã nhất trí rằng các cuộn sách này là giả và đưa ra giáo lí sai lệch về Chúa Giê-xu Christ, sự cứu rỗi, Đức Chúa Trời và tất cả các lẽ thật căn bản khác của Cơ Đốc nhân. Có rất nhiều mâu thuẫn giữa “phúc âm” của Thuyết Ngộ Giáo và của Kinh Thánh. Kể cả khi những kẻ tự nhận mình theo Thuyết Ngộ Giáo Cơ Đốc trích dẫn Kinh Thánh, họ cũng xuyên tạc để hòa hợp với triết lí của mình, một hành động mà Kinh Thánh nghiêm cấm và cảnh báo. (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:2; 12:32; Châm Ngôn 30:6; Khải Huyền 22:18-19).

Quan điểm về Thân thể của Chúa Giê-xu Christ cũng là một trong những điểm khác biệt giữa Cơ Đốc Giáo và Thuyết Ngộ Giáo. Thuyết Ngộ Giáo tin rằng cơ thể của Chúa Giê-xu không có thật, mà chỉ “trông có vẻ” thật. Họ cho rằng Đức Thánh Linh ngự trên Ngài lúc làm báp-têm nhưng rời đi ngay trước khi Ngài bị đóng đinh. Quan điểm như vậy xóa bỏ nhân tính của Chúa Giê-xu và sự cứu rỗi của Ngài, vì Chúa Giê-xu vừa là một Đức Chúa Trời thật, vừa là một con người thật (với cơ thể thật). Chính Ngài đã chịu đau đớn và chết trên thập tự giá để trở thành một của lễ chuộc tội (Hê-bơ-rơ 2:14-17). Kinh Thánh khẳng định nhân tính và thần tính của Chúa Giê-xu là có thật.

Thuyết Ngộ Giáo dựa trên một cách tiếp cận lẽ thật rất huyền bí, chủ quan, hướng nội, trực giác, cảm xúc đã có từ xưa. Ngay trong khu vườn Ê-đen, Satan đã thách thức Chúa và lời của Ngài sau đó thuyết phục A-đam và Ê-va từ bỏ lời Chúa và tin vào sự dối trá của hắn. Ngày nay hắn vẫn làm vậy,”kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, đang rình rập chung quanh anh em, tìm người để cắn nuốt.” (1 Phi-e-rơ 5:8). Hắn vẫn thách thức Lời Chúa và Kinh Thánh và giăng lưới bắt những ai đơn sơ và không có nền tảng Kinh Thánh tốt, hoặc những người đang tìm kiếm sự mặc khải cá nhân để thấy rằng mình đặc biệt, độc đáo và hơn người khác. Hãy nghe theo lời răn dạy của Sứ đồ Phao-lô “Hãy xem xét mọi việc. Điều gì tốt đẹp thì giữ lấy;” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21). Chúng ta thử bằng cách so sánh mọi điều với lời Chúa, Lẽ Thật duy nhất. English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Thuyết Ngộ Giáo Cơ Đốc là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries