Câu hỏi
Ý nghĩa của bao gai và tro là gì?
Trả lời
Bao gai và tro được sử dụng trong thời Cựu Ước như một biểu tượng của sự suy sụp, tang chế, và/hoặc sự ăn năn. Một người khi muốn thể hiện lòng ăn năn thật, họ sẽ mặc bao gai, ngồi trong đống tro, và rải tro lên đầu. Bao gai là một loại vải thô thường được làm bằng lông dê đen nên khá khó chịu khi mặc. Tro biểu thị cho sự hoang tàn và đổ nát.
Khi một người nào đó qua đời, hành động mặc bao gai để thể hiện sự đau buồn trước sự ra đi của người đã mất. Chúng ta có thể thấy điều này thông qua sự thương tiếc của Đa-vít trước cái chết của Áp-ne, chỉ huy quân đội của Sau-lơ (2 Sa-mu-ên 3:31). Gia-cốp cũng thể hiện sự đau buồn của mình bằng cách mặc bao gai khi ông nghĩ con trai của ông là Giô-sép đã bị giết (Sáng thế ký 37:34). Những ví dụ để tang cho người chết này đề cập đến bao gai nhưng không đề cập đến tro.
Tro đi cùng với bao gai trong thời kỳ quốc nạn hoặc khi ăn năn khỏi tội lỗi. Ví dụ, Ê-xơ-tê 4:1 mô tả Mạc-đô-chê xé quần áo của ông, mặc bao gai phủ tro, rồi đi vào thành “lớn tiếng kêu khóc một cách cay đắng”. Đây là phản ứng của Mạc-đô-chê khi vua A-suê-ru tuyên bố trao quyền cho Ha-man độc ác tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên (Ê-xơ-tê 3:8-15). Mạc-đô-chê không phải là người duy nhất đau buồn. “Phàm trong mỗi tỉnh, nơi nào mạng-lịnh vua và chiếu-chỉ người đã đến, thì trong dân Giu-đa bèn có sự thảm-sầu, kiêng-cữ ăn, khóc-lóc, và kêu-van; lại có nhiều người lấy bao và tro làm giường mình” (Ê-xơ-tê 4:3). Người Do Thái đã phản ứng với những tin tức tàn khóc với dân tộc họ bằng bao gai và tro, thể hiện sự đau buồn và nỗi đau đớn tột độ của họ.
Bao gai và tro cũng được sử dụng như một dấu hiệu công khai của sự ăn năn và hạ mình trước Đức Chúa Trời. Khi Giô-na tuyên bố với người dân thành Ni-ni-ve rằng Đức Chúa Trời đang chuẩn bị hủy diệt họ vì sự gian ác của họ, mọi người từ nhà vua đến người dân thấp nhất đều đáp lại bằng sự ăn năn, kiêng ăn, mặc bao gai và phủ tro (Giô-na 3:5-7). Thậm chí họ còn quấn bao gai cho súc vật của họ (câu 8). Lý do của họ là, “Biết đâu Đức Chúa Trời sẽ đổi ý và nguôi cơn thịnh nộ của Ngài để cho chúng ta thoát chết chăng?” (câu 9). Điều này rất thú vị, vì Kinh Thánh không đề cập rằng thông điệp của Giô-na có nói bất kì điều gì về sự thương xót của Đức Chúa Trời; nhưng lòng thương xót là những gì họ đã nhận được. Rõ ràng việc dân Ni-ni-ve mặc bao gai và phủ tro không phải là một màn trình diễn vô nghĩa. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy sự thay đổi thực sự—một sự thay đổi hạ mình đến từ tấm lòng được thể hiện bởi bao gai và tro—và điều đó khiến Ngài “động lòng thương xót” và không thực hiện kế hoạch của Ngài để hủy diệt họ (Giô-na 3:10).
Những người khác mà Kinh Thánh đề cập đến việc mặc bao gai bao gồm Vua Ê-xê-chia (Ê-sai 37:1), Ê-li-a-kim (2 Các Vua 19:2), Vua A-háp (1 Các Vua 21:27), các trưởng lão của Giê-ru-sa-lem (Ca Thương 2:10), Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 9:3), và cả hai chứng nhân trong Khải Huyền 11:3.
Rất đơn giản, bao gai và tro được sử dụng như một dấu hiệu bên ngoài về tình trạng bên trong của một người. Một biểu tượng như vậy làm cho sự thay đổi của tấm lòng có thể nhìn thấy được và thể hiện sự chân thành của sự đau buồn và/hoặc sự ăn năn của một người. Không phải chính hành động mặc bao gai và phủ tro đã khiến Đức Chúa Trời can thiệp, nhưng chính hành động đó thể hiện sự hạ mình (1 Sa-mu-ên 16:7). Sự tha thứ của Đức Chúa Trời đối với sự ăn năn thật lòng đã được Đa-vít ca ngợi trong những lời của ông: “Ngài đã đổi sự buồn rầu tôi ra sự khoái lạc” (Thi-thiên 30:11).
English
Ý nghĩa của bao gai và tro là gì?