Câu hỏi
Ý nghĩa và tầm quan trọng của Bữa Tiệc Ly là gì?
Trả lời
Bữa Tiệc Ly chính là bữa ăn cuối cùng mà Chúa Giê-su đã dùng với các môn đồ trước khi Ngài bị phản bội và bị bắt. Bữa Tiệc Ly được ghi lại trong các sách Phúc âm Cộng quan (Ma-thi-ơ 26:17–30; Mác 14:12–26; Lu-ca 22:7–30). Đó không chỉ là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-su; mà cũng là Lễ Vượt qua. Một trong những khoảnh khắc quan trọng trong Bữa Tiệc Ly là lời Chúa Giê-su dặn phải nhớ điều Ngài sắp làm cho nhân loại: đổ huyết Ngài trên thập tự giá để trả nợ cho tội lỗi của chúng ta (Lu-ca 22:19).
Ngoài việc báo trước sự Thương Khó và sự Chết của Ngài cho sự cứu rỗi của chúng ta (Lu-ca 22:15–16), cũng qua Bữa Tiệc Ly Chúa Giê-su làm cho Lễ Vượt Qua có một ý nghĩa mới, Giao Ước Mới được thiết lập, một Thánh lễ cho Hội thánh, và Ngài cũng báo trước sự chối bỏ của Phi-e-rơ (Lu-ca 22:34) và sự phản bội của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (Ma-thi-ơ 26:21-24).
Bữa Tiệc Ly đã đưa việc thực hiện Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước đến sự ứng nghiệm trọn vẹn. Lễ Vượt Qua là một sự kiện đặc biệt thiêng liêng đối với người Do Thái vì nó kỷ niệm thời điểm Đức Chúa Trời giải cứu họ khỏi tai họa chết chóc và đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 11:1-13:16). Trong Bữa Tiệc Ly với các môn đồ, Chúa Giê-su đã lấy hai biểu tượng liên hệ với Lễ Vượt Qua và bộc lộ đầy đủ ý nghĩa mới như một cách để tưởng nhớ sự hy sinh của Ngài, cứu chúng ta khỏi cái chết thuộc linh và giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ thuộc linh: “Ngài bèn cầm chén, tạ ơn, rồi phán rằng: Hãy lấy cái nầy phân-phát cho nhau. Vì, Ta nói cùng các ngươi, từ nay Ta sẽ không uống trái nho nữa, cho tới khi nước Đức Chúa Trời đến rồi. Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân-phát cho môn-đồ, mà phán rằng: Nầy là thân-thể Ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến Ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn-đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao-ước mới trong huyết Ta vì các ngươi mà đổ ra’” (Lu-ca 22:17-20).
Những lời phán của Chúa Giê-su trong Bữa Tiệc Ly về bánh không men và chén lặp lại những gì Ngài đã nói sau khi cho 5,000 người ăn: “Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát… Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô-cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế-gian tức là thịt ta…Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau-rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt ta thật là đồ-ăn, huyết ta thật là đồ-uống” (Giăng 6:35, 51, 54–55). Sự cứu rỗi đến qua Đấng Christ và sự hy sinh của thân thể Ngài trên thập tự giá.
Cũng trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã dạy các nguyên tắc của một đầy tớ phục vụ và sự tha thứ khi Ngài rửa chân cho các môn đồ: “Ai lớn hơn trong các ngươi phải như kẻ rất nhỏ, và ai cai-trị phải như kẻ hầu việc. Vì một người ngồi ăn với một người hầu việc, ai là lớn hơn? Có phải là kẻ ngồi ăn không? Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy” (Lu-ca 22:26–27; Giăng 13:1-20).
Bữa Tiệc Ly ngày nay được tưởng nhớ qua Tiệc Thánh (1 Cô-rinh-tô 11:23–33). Kinh Thánh dạy rằng sự chết của Chúa Giê-su đã tượng trưng cho việc dâng của lễ Vượt Qua (Giăng 1:29). Sách Giăng lưu ý rằng cái chết của Chúa Giê-su giống với sự hy sinh của Lễ Vượt Qua ở chỗ xương của Ngài không bị gãy (Giăng 19:36; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:46). Phao-lô cũng có nói: Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt-qua của chúng ta, đã bị giết rồi” (1 Cô-rinh-tô 5:7). Chúa Giê-su là sự làm trọn Luật pháp, kể cả các ngày lễ của Chúa (Ma-thi-ơ 5:17).
Thông thường, bữa ăn Lễ Vượt Qua là một lễ kỷ niệm gia đình. Tuy nhiên, trong Bữa Tiệc Ly, các sứ đồ ở một mình với Chúa Giê-su (Lu-ca 22:14), điều này cho thấy bữa ăn đặc biệt này có ý nghĩa cụ thể đối với Hội Thánh, mà các sứ đồ đã trở thành nền tảng (Ê-phê-sô 2:20). Mặc dù Bữa Tiệc Ly có ý nghĩa đối với người Do Thái, nhưng nó cũng được thiết kế cho Hội thánh. Ngày nay, Bàn Tiệc của Chúa là một trong hai Thánh lễ được Hội Thánh tuân giữ.
Bữa Tiệc Ly bắt nguồn từ Giao Ước Cũ ngay cả khi nó báo trước về Giao Ước Mới. Giê-rê-mi 31:31 đã hứa về một Giao ước Mới giữa Đức Chúa Trời và Y-sơ-ra-ên, trong đó Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta” (Giê-rê-mi 31:33). Chúa Giê-su đã trực tiếp nhắc đến Giao Ước Mới này trong Bữa Tiệc Ly: “Chén nầy là giao-ước mới trong huyết Ta” (Lu-ca 22:20). Một thời kỳ mới đã mở ra. Trong ân điển của Đức Chúa Trời, Giao ước Mới áp dụng rộng lớn hơn là chỉ cho dân Y-sơ-ra-ên; tất cả những ai có đức tin nơi Đấng Christ đều được cứu (Ê-phê-sô 2:12–14).
Bữa Tiệc Ly là một sự kiện quan trọng và công bố một bước ngoặt trong kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho thế gian. Khi so sánh sự đóng đinh của Chúa Giê-su với Lễ Vượt Qua, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy bản chất cứu chuộc trong sự chết của Đấng Christ. Như sự biểu trưng của sinh tế của Lễ Vượt Qua ban đầu trong Cựu Ước, sự chết của Đấng Christ chuộc tội cho dân của Ngài; Huyết Ngài cứu chúng ta khỏi sự chết và giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ. Ngày nay, Bữa Tiệc Thánh của Chúa là khi các tín đồ suy ngẫm về sự hy sinh toàn hảo của Đấng Christ và nhận biết rằng, bởi đức tin mà chúng ta tiếp nhận Ngài, chúng ta sẽ ở với Ngài mãi mãi (Lu-ca 22:18; Khải huyền 3:20).
English
Ý nghĩa và tầm quan trọng của Bữa Tiệc Ly là gì?