Câu hỏi
Buổi cầu nguyện chung?
Trả lời
Ngay từ thời kỳ đầu của Hội thánh, các Cơ đốc nhân đã tụ họp lại để cầu nguyện (Công vụ 4:24; 12:5; 21:5). Các buổi nhóm cầu nguyện có giá trị đối với toàn thể hội thánh và những cá nhân tham gia.
Việc cầu nguyện chỉ dành cho những ai tin rằng Đức Chúa Trời có thân vị và cho những ai muốn có mối liên hệ cá nhân với Ngài. Cơ đốc nhân nhận biết lời cầu nguyện hiệu nghiệm bởi vì họ đã gặp một Đức Chúa Trời là Đấng tuyên bố rằng , "Hãy kêu cầu ta và ta sẽ lắng nghe." Sứ đồ Giăng xác nhận điều này: “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Và nếu chúng ta biết Ngài nghe bất cứ điều gì chúng ta cầu xin thì chúng ta biết là mình đã nhận được điều cầu xin rồi”(1 Giăng 5:14-15).
Qua những lời cầu nguyện của chúng ta, đặc biệt là cầu nguyện với nhau, chúng ta đang bày tỏ và xác nhận đức tin mà chúng ta có trong Chúa Giê-su. Andrew Murray, một mục sư Cơ đốc vĩ đại và là tác giả với nhiều tác phẩm, đã nói, "Sự cầu nguyện phụ thuộc chủ yếu, gần như hoàn toàn, vào người mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang cầu nguyện với." Chính nhờ sự kỷ luật của việc cầu nguyện với nhau mà chúng ta phát triển một sự thân mật ngày càng cao với Đức Chúa Trời, và tạo ra một mối liên kết thuộc linh với nhau. Đây là một trong những khía cạnh có giá trị nhất của việc cầu nguyện với nhau.
Một lợi ích quý giá khác của các buổi nhóm cầu nguyện là sự xưng nhận những tội lỗi của chúng ta với nhau. Các buổi nhóm cầu nguyện cho chúng ta cơ hội tuân theo mạng lệnh “Hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được chữa lành” (Gia-cơ 5:16). Ở đây, Gia-cơ không nhất thiết nói về sự chữa lành thể chất, mà là sự phục hồi tâm linh (Hê-bơ-rơ 12:12-13). Ông cũng đề cập đến sự tha thứ của Đức Chúa Trời, điều này giúp cho người tin Chúa được phục hồi tâm linh hoàn toàn trở lại. Gia-cơ biết rằng ai trở nên tách biệt khỏi bầy chiên thì dễ bị tổn thương nhất trước những nguy hiểm của tội lỗi. Đức Chúa Trời muốn dân sự của Ngài khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau trong mối tương giao yêu thương, thành thật và xưng tội cùng nhau khi chúng ta cầu nguyện cho nhau và với nhau. Mối tương giao thân thiết như vậy giúp cung ứng sức mạnh thuộc linh để kinh nghiệm sự đắc thắng tội lỗi.
Một giá trị tuyệt vời khác của các buổi nhóm cầu nguyện là các tín đồ khích lệ nhau để thêm sự bền bĩ. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những trở ngại, nhưng bằng cách chia sẻ và cầu nguyện cùng nhau với tư cách là những Cơ đốc nhân, chúng ta thường giúp người khác tránh khỏi sự nản lòng trong đời sống tâm linh của họ. Giá trị của lời cầu nguyện tập thể nằm ở sức mạnh của nó để hiệp nhất những tấm lòng. Cầu thay cho anh chị em của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời có tác dụng liên kết tâm linh mọi người với nhau. Khi chúng ta “mang lấy gánh nặng cho nhau”, chúng ta “làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (Ga-la-ti 6:2). Ở đâu có sự cầu nguyện, ở đó có sự hiệp nhất, đó là điều mà Chúa Giê-su đã nhiệt thành cầu nguyện cho những người theo Ngài có được (Giăng 17:23).
Hơn bất cứ điều gì khác, các buổi nhóm cầu nguyện mang lại sự biến đổi. Cầu nguyện với nhau, các tín đồ có thể chứng kiến được Đức Chúa Trời ban những phép lạ và làm biến đổi những tấm lòng.
Buổi nhóm cầu nguyện là thời gian có giá trị thực sự khi các tín đồ tìm kiếm sự thân mật sâu nhiệm và sự hiệp thông thầm lặng với Đức Chúa Trời tại ngôi của Ngài. Đó là thời gian hiệp nhất với những anh em đồng đạo trong sự hiện diện của Chúa. Đó là thời gian để quan tâm đến những người xung quanh khi chúng ta chia sẻ gánh nặng của họ. Đó là thời điểm mà Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương không bao giờ cạn của Ngài và lòng mong muốn được hiệp thông với những người yêu mến Ngài.
English
Buổi cầu nguyện chung?