settings icon
share icon
Câu hỏi

Các phép lạ của Chúa Giê-su là gì? Chúa Giê-su đã thực hiện các phép lạ nào?

Trả lời


Phép lạ của Chúa là một sự kiện phi thường hoặc phi tự nhiên nhằm mặc khải hoặc xác nhận một thông điệp cụ thể thông qua một công việc quyền năng. Chúa Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ. Tất cả những phép lạ Ngài làm nhằm để tôn vinh Đức Chúa Trời, giúp đỡ người khác và chứng minh rằng Ngài thực sự là Đấng mà Ngài đã nói—Con Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, khi Ngài làm yên cơn bão trong Ma-thi-ơ 8, các môn đồ đã rất ngạc nhiên và hỏi: “Người này là ai mà ngay cả gió và biển đều vâng lệnh người?” (câu 27).

Các sách Phúc Âm ghi lại nhiều phép lạ mà Chúa Giê-su thực hiện. Tất nhiên, cũng có nhiều việc làm của Chúa Giê-su đã không thể ghi lại trong các sách ngắn ngủi này. Giăng thoải mái thừa nhận rằng: “Đức Chúa Giê-su còn làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đồ mà không ghi chép trong sách này. . . Đức Chúa Giê-su còn làm nhiều điều khác nữa. Nếu cứ ghi chép hết từng việc, thì thiết nghĩ rằng cả thế gian cũng không thể chứa hết những sách được viết ra.” (Giăng 20:30 và 21:25).

Các sách Phúc âm khác nhau thường ghi lại những phép lạ giống nhau, với những chi tiết hơi khác nhau. Đôi khi, không thể biết liệu một phép lạ cụ thể được ghi lại trong các sách Phúc âm chỉ đơn giản là một phép lạ được ghi lại từ những góc nhìn khác nhau, hay là hai phép lạ riêng biệt được ghi lại. Không ai trong số các tác giả Phúc âm đặc biệt quan tâm đến niên đại một cách chặt chẽ và đôi khi họ không cung cấp cho chúng ta tất cả các chi tiết mà chúng ta có thể muốn biết.

Các phép lạ Chúa Giê-su thực hiện đã được liệt kê dưới đây và được nhóm thành các danh mục với các tài liệu tham khảo kèm theo nhưng không phân loại phép lạ nào được ghi lại nhiều lần và phép lạ nào có thể là duy nhất trong mỗi sách Phúc âm:

Các phép lạ Chữa lành

• Người phung được sạch: Ma-thi-ơ 8:1–4; Mác 1:41–45; Lu-ca 5:12–14; 17:11–19

• Người mù được sáng mắt: Ma-thi-ơ 9:27–31; Mác 8:22–26; 10:46–52 Lu-ca 18:35–43; Giăng 9:1–38

• Những người được chữa lành từ xa: Ma-thi-ơ 8:5–13; Lu Ca 7:2–10; Giăng 4:46–54

• Mẹ vợ của Phi-e-rơ được chữa lành: Mác 1:29–31

• Chữa lành người bại liệt: Ma-thi-ơ 9:1–8; Mác 2:1–12; Lu Ca 5:17–26

• Người nào chạm vào áo Chúa Giê-su đều được chữa lành: Ma-thi-ơ 9:20–23; 14:35–36; Mác 5:25–34; 6:53–56; Lu-ca 8:43–48

• Nhiều sự chữa lành khác nhau trong ngày Sa-bát: Mác 3:1–6; Lu Ca 6:6–10; 13:10–17; 14:1–6; Giăng 5:1–18

• Chữa lành người câm điếc: Mác 7:31–37

• Chữa lành cái tai bị cắt: Lu-ca 22:47–53

• Đuổi quỉ (và các bệnh tật thể chất cụ thể gây ra bởi các quỉ được chữa lành): Ma-thi-ơ 9:32–33; 17:14–18; Mác 9:14–29; Lu Ca 9:37–42

• Trừ quỉ (không đề cập đến bệnh tật cụ thể): Ma-thi-ơ 8:28–34; 15:21–28; Mác 1:23–27; 5:1–20; 7:24–30; Lu-ca 4:31–37; 8:26–39

• Nhiều người được chữa lành: Ma-thi-ơ 9:35; 15:29–31; Mác 1:32–34; 3:9–12; Lu-ca 6:17–19

• Người chết sống lại: Ma-thi-ơ 9:18–26; Mác 5:21–43; 8:40–56; Giăng 11:1–45

Những phép lạ khác

• Nhiều người được ăn (Chúa hóa bánh ra nhiều): Ma-thi-ơ 14:13–21; 15:32–39; Mác 6:33–44; 8:1–10; Lu Ca 9:12–17; Giăng 6:1–14

• Đi trên mặt nước: Ma-thi-ơ 14:22–33 (Phi-e-rơ cũng vậy); Mác 6:45–52; Giăng 6:15–21

• Làm yên cơn bão: Ma-thi-ơ 8:22–25; Mác 4:35–41; Lu Ca 8:22–25

• Thả lưới bắt được nhiều cá: Lu-ca 5:1–11; Giăng 21:1–14

• Phi-e-rơ bắt cá có tiền trong miệng (để nộp thuế cho đền thờ): Ma-thi-ơ 17:24–27

• Biến nước thành rượu: Giăng 2:1–11

• Cây vả bị nguyền rủa khô héo: Ma-thi-ơ 21:18–22; Mác 11:12–25

Từ danh sách trên, chúng ta thấy rằng phần lớn các phép lạ được ghi lại trong Phúc Âm đều là phép lạ chữa lành bệnh. Trong khi những người nhận được sự chữa lành đã khỏi bệnh về thể xác, mục đích được ghi lại của các phép lạ hiếm khi chỉ đơn giản là làm giảm bớt nỗi đau thể xác. Phép lạ chữa lành luôn chỉ ra một sự thật lớn hơn, đó là Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời và có thẩm quyền. Khi Ngài đuổi quỷ, quyền năng của Ngài trên chúng được nhấn mạnh. Khi Ngài chữa lành vào ngày Sa-bát, thẩm quyền của Ngài là Chúa ngày Sa-bát được nhấn mạnh. Tương tự như vậy, nhiều phép lạ nhấn mạnh đến thẩm quyền của Chúa Giê-su trên thiên nhiên.

Không có cách nào tốt hơn để nghiên cứu các phép lạ của Chúa Giê-su hơn là việc đọc qua các sách Phúc âm và lập danh sách từng phép lạ cũng như lời giải thích đã được ghi chép. (Ví dụ, trong Giăng 2, chúng ta đọc về việc Chúa Giê-su biến nước thành rượu. Phép lạ đó đã làm giảm bớt sự bối rối có thể xảy ra cho chủ nhà và nó đã xoa dịu mẹ Ngài, người đã yêu cầu Ngài can thiệp, nhưng kết quả chính được ghi lại trong câu 11: “Đây là dấu lạ thứ nhất Đức Chúa Giê-su đã làm tại thành Ca-na, trong miền Ga-li-lê, và bày tỏ vinh quang Ngài nên các môn đồ tin Ngài.”) Đôi khi mục đích của phép lạ được bày tỏ một cách trực tiếp, và đôi khi nó được ghi lại bằng phản ứng của những người chứng kiến. Chúa Giê-su không bao giờ làm phép lạ chỉ để phô trương. Mọi phép lạ đều chỉ ra một sự thật lớn hơn. Giăng đặc biệt nhấn mạnh điểm này khi gọi các phép lạ của Chúa Giê-su là “dấu lạ”.

Việc cho 5.000 người ăn chỉ là một ví dụ. Giăng chương 6 bắt đầu bằng cách nói rằng đoàn dân đi theo Chúa Giê-su vì họ nhìn thấy các dấu lạ. Có người sẽ nghĩ rằng đây là một điều tốt. Chúa Giê-su tiếp tục cho đám đông, hơn 5.000 đàn ông, cộng với phụ nữ và trẻ em ăn, chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá. Sau đó, Ngài âm thầm rời đi trong đêm.

Sáng hôm sau, người ta đi tìm Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không bị ấn tượng và răn đe khi họ tìm kiếm Ngài với những động cơ ích kỷ: “Thật, Ta bảo các ngươi, các ngươi tìm Ta không phải vì đã thấy các dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Giăng 6:26). Có một số điều trớ trêu ở đây. Họ tìm kiếm Chúa Giê-su vì họ có được một bữa ăn miễn phí nhờ vào phép lạ. Sự thật hiển nhiên họ nghĩ rằng đây là sự dàn xếp ổn thoả. Nếu Chúa Giê-su tiếp tục cho họ ăn thì tất cả sẽ tốt đẹp. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói rằng họ không thực sự nhìn thấy “dấu lạ”. Họ đã nhìn thấy phép lạ, nhưng họ không thể nhìn xa hơn những chiếc bánh và con cá. “Dấu lạ” Chúa Giê-su làm biểu thị một điều gì đó lớn lao hơn. Mặc dù đám đông đã nhìn thấy và dự phần vào phép lạ, nhưng họ đã bỏ lỡ dấu hiệu dẫn họ đến với Chúa Giê-su, là Bánh Sự Sống. Trong suốt chức vụ của Chúa Giê-su, nhiều người coi các phép lạ của Ngài chỉ nhằm mục đích cá nhân chứ không hướng đến một điều gì đó lớn lao hơn.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Các phép lạ của Chúa Giê-su là gì? Chúa Giê-su đã thực hiện các phép lạ nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries