settings icon
share icon
Câu hỏi

Làm sao Chúa Giê-su và Kinh thánh đều có thể là Lời Đức Chúa Trời?

Trả lời


Cụm từ “Lời Chúa” xuất hiện thường xuyên trong Kinh thánh và có thể có ý nghĩa hơi khác tùy thuộc vào ngữ cảnh và từ tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp được sử dụng. Giăng 1:1–2 nói: “Ban đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.” Ở đây Ngôi Lời là danh hiệu của Chúa Giê-su. Thuật ngữ được dịch là “Ngôi Lời” là logos, về cơ bản có nghĩa là “sự thể hiện một ý nghĩ”. Logos có thể được coi là toàn bộ thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho con người (Công vụ 11:1; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Chúa Giê-su thể hiện toàn bộ thông điệp đó, và đó là lý do tại sao Ngài được gọi là “Logos” hay “Lời” của Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:19; 2:9).

Từ Lời cũng được sử dụng nhiều lần khi đề cập đến thông điệp bằng văn bản của Đức Chúa Trời (Giăng 17:17; 1 Ti-mô-thê 4:5; Khải Huyền 1:2; Cô-lô-se 1:25). Hê-bơ-rơ 4:12 nói: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” Chúa Giê-su cho thấy mối liên hệ giữa Lời chép của Đức Chúa Trời và chính Ngài, trong đó Ngài chính là chủ thể của Lời chép thành văn bản: “Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy” (Giăng 5:39).

Một từ Hy Lạp khác được dùng cho “lời” là rhema. Rhema đề cập đến những lời nói/chép thực sự của Chúa (Hê-bơ-rơ 6:5). Khi Chúa Giê-su bị Sa-tan cám dỗ, Ngài đã trả lời: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). Trong Ê-phê-sô 6:17, chúng ta được dạy phải “lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” Chúa Giê-su đã chứng minh rằng chúng ta cần những lời chép thực sự của Đức Chúa Trời để vượt qua các cuộc tấn công của Sa-tan.

Cụm từ “lời Chúa” có nhiều ý nghĩa hơn những chữ được in trên một trang giấy. Đức Chúa Trời đã nói chuyện với thế giới con người ngay từ đầu. Ngài phán qua sự sáng tạo của Ngài (Thi Thiên 19:1), qua các tiên tri thời xưa (Ô-sê 12:10; Hê-bơ-rơ 1:1), qua Đức Thánh Linh (Giăng 16:13; Công vụ 16:6), qua Kinh Thánh (Hê-bơ-rơ 4:12), và qua Con Ngài, Chúa Giê-su Christ (Giăng 14:9). Chúng ta có thể biết Chúa nhiều hơn bằng cách lắng nghe Ngài trong mọi cách Ngài phán.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Làm sao Chúa Giê-su và Kinh thánh đều có thể là Lời Đức Chúa Trời?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries