settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúa Giê-su có trong Cựu Ước không?

Trả lời


Chúa Giê-su xuất hiện thường xuyên trong Cựu Ước không phải bằng tên đó, và cũng không giống hình dạng như chúng ta thấy Ngài trong Tân Ước, nhưng Ngài vẫn ở đó. Chủ đề của toàn bộ Kinh Thánh là Đấng Christ.

Chính Chúa Giê-su đã chứng minh một sự thật rằng ngài hiện diện trong Cựu Ước. Trong Giăng 5:46, Ngài giải thích cho một số nhà lãnh đạo tôn giáo những người đã thách thức Ngài rằng Cựu Ước đang nói về Ngài: “nếu các ngươi tin Môi-se thì cũng tin ta, vì Môi-se viết về Ta”. Theo Chúa Giê-su, công việc của Đức Chúa Trời với con người kể từ khi bắt đầu tất cả đều hướng về Ngài. Một lần khác khi Chúa Giê-su cho thấy Ngài có mặt trong Cựu Ước là vào ngày Ngài sống lại. Chúa Giê-su đang đi cùng với hai môn đồ của Ngài, và Ngài đã “bắt đầu từ Môi-se đến tất cả các nhà tiên tri mà giải thích cho họ những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh” (Lu-ca 24:27). Trước đó, trước khi Ngài bị đóng đinh, Chúa Giê-su đã chỉ ra trong Ê-sai 53:12 và nói: “Có lời chép rằng: và Người đã bị liệt vào hàng tội nhân” và “vì Ta bảo các con, lời Kinh Thánh này phải được ứng nghiệm trong Ta. Thật vậy, lời chép về Ta đang được ứng nghiệm” (Lu-ca 22:37).

Theo một số tính toán, có hơn 300 lời tiên tri trong Cựu Ước hướng sự chu ý đến Chúa Giê-su Christ và đã được ứng nghiệm trong cuộc đời của Ngài trên đất. Những điều này bao gồm những lời tiên tri về sự ra đời độc nhất của Ngài (Ê-sai 7:14), Sứ vụ trên trần thế của Ngài (Ê-sai 61:1), và thậm chí cả cách Ngài sẽ chết (Thi Thiên 22). Chúa Giê-su đã gây sốc cho giới tôn giáo khi Ngài đứng lên trong nhà hội ở Na-xa-rét và đọc từ Ê-sai 61, kết thúc bằng lời bình luận này: “Hôm nay lời Kinh Thánh mà các ngươi vừa nghe đã được ứng nghiệm” (Lu-ca 4:18–21).

Một cách khác mà Chúa Giê-su xuất hiện trong Cựu Ước là dưới hình thức Christophanies— sự xuất hiện trước khi nhập thể của Con Đức Chúa Trời (sự xuất hiện của Đấng Christ sau khi Ngài phục sinh, đặc biệt như được ghi lại trong Tân Ước). Cựu Ước sử dụng thuật ngữ “thiên sứ của Đức Giê-hô-va” thay thế cho Đức Chúa Trời để chỉ những chuyến viếng thăm này. Một Christophany được tìm thấy trong Sáng thế ký 18:1–33 khi Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ra-ham trong hình dạng con người. Những cuộc gặp gỡ hữu hình với thần linh như vậy nằm rải rác trong Cựu Ước (Sáng thế ký 16:7–14; 22:11–18; Các quan xét 5:23; 2 Các vua 19:35; Đa-ni-ên 3:25).

Nhưng còn có những cách sâu sắc hơn để tìm thấy Chúa Giê-su trong Cựu Ước. Những điều này được thấy dưới hình thức mà chúng ta gọi là “các hình mẫu”. Hình mẫu là một người hoặc vật trong Cựu Ước tượng trưng cho một người hoặc vật trong Tân Ước. Ví dụ, Môi-se có thể được xem như là một hình ảnh của Đấng Christ. Giống như Chúa Giê-su, sự ra đời của Môi-se rất quan trọng, ông đã đương đầu với các quyền lực xấu xa thời đó và ông đã dẫn dắt dân sự đến tự do thông qua một cuộc giải cứu kỳ diệu. Cuộc đời của Giô-sép là một ví dụ khác về cuộc đời của Đấng Christ.

Nhiều sự kiện lịch sử trong Cựu Ước được coi là biểu tượng cho những gì Đức Chúa Trời sẽ làm trong tương lai, thông qua Đấng Christ. Ví dụ như, Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham dâng con trai ông là Y-sác như vật hy sinh để làm của lễ thiêu. Áp-ra-ham đã thốt ra những lời tiên tri này để đáp lại câu hỏi của Y-sác về con chiên: “Con ơi, chính Đức Chúa Trời sẽ cung cấp chiên con cho tế lễ thiêu” (Sáng-thế Ký 22:8). Đức Chúa Trời đã cung cấp một con chiên đực để thay cho Y-sác, tượng trưng cho điều Ngài sẽ làm hàng ngàn năm sau trên chính ngọn núi đó khi Con Ngài được dâng làm của lễ hy sinh thay cho chúng ta (Ma-thi-ơ 27:33). Do đó, những sự kiện xung quanh sự hy sinh của Y-sác được coi như là hình ảnh của sự hy sinh của Đấng Christ.

Chúa Giê-su đã đề cập đến một sự kiện khác trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên như một lời báo trước về việc Ngài bị đóng đinh. Tại trong đồng vắng, những người theo Môi-se đã phạm tội và Đức Chúa Trời sai rắn lửa đến cắn họ. Dân chúng sắp chết và họ kêu cầu Môi-se giúp đỡ. Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng: “Hãy làm một con rắn lửa rồi treo nó lên một cây sào. Ai bị rắn cắn mà nhìn nó thì sẽ được sống” (Dân số ký 21:4–19). Chúa Giê-su ám chỉ đến sự kiện này trong Giăng 3:14–15: “Như Môi-se treo con rắn lên trong hoang mạc thể nào thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy, để ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời”.

Thiết kế của Đức Chúa Trời cho đền tạm là một cách khác về Chúa Giê-su trong Cựu Ước. Bàn thờ trong sân tượng trưng cho sự cần thiết hy sinh của Chúa Giê-su để chuộc tội cho chúng ta. Cái chậu đựng nước cho thấy Chúa Giê-su đang cung cấp nước của sự sống (Giăng 4:14). Bên trong Nơi Thánh, chân đèn tượng trưng cho Chúa Giê-su là ánh sáng của thế gian (Giăng 9:5). Bàn bánh trần thiết tượng trưng Chúa Giê-su là bánh sự sống (Giăng 6:35). Bàn thờ xông hương, Chúa Giê-su được xem như là Đấng cầu thay của chúng ta trên trời và liên tục cầu nguyện cho chúng ta (Rô-ma 8:34; Hê-bơ-rơ 7:25). Theo Hê-bơ-rơ 10:20, bức màn che trước hòm giao ước là hình ảnh thân xác Chúa Giê-su.

Con của Đức Chúa trời không chỉ có trong Tân Ước; Chúa Giê-su cũng có mặt trong Cựu Ước. Chúa Giê-su là Đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa. Từ sự sinh ra của nữ đồng trinh ở Bết-lê-hem (Ê-sai 7:14; Lu-ca 1:35; Mi-chê 5:2), qua cuộc du hành đến Ai Cập (Ô-sê 11:1; Ma-thi-ơ 2:14–15), đến sứ vụ chữa lành và hy vọng của Ngài ( Sáng Thế Ký 3:15; 1 Giăng 3:8), cho đến suốt chặng đường phục sinh của Ngài (Thi Thiên 16:9–11; Công Vụ 2:31), Chúa Giê-su Christ là chủ đề của cả Cựu Ước và Tân Ước. Có thể nói rằng Chúa Giê-su là lý do cho Kinh Thánh. Ngài là Lời Sống. Toàn bộ Kinh Thánh là ngọn hải đăng chỉ cho chúng ta về lời mời gọi hòa giải của Đức Chúa Trời, hy vọng về sự tha thứ và sự sống đời đời qua Chúa Giê-su Christ, Chúa của chúng ta.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúa Giê-su có trong Cựu Ước không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries