Câu hỏi
Chúa Giê-xu là Đấng Biện hộ của chúng ta có nghĩa là gì?
Trả lời
Người biện hộ là người đến giúp đỡ chúng ta hoặc bào chữa cho chúng ta trước vị thẩm phán. Những người biện hộ đưa ra sự hỗ trợ, sức mạnh, lời khuyên và làm trung gian hoà giải cho chúng ta khi cần thiết. Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-xu là Đấng Biện hộ cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài: “Hỡi các con bé nhỏ của ta, ta viết cho các con những điều nầy để các con không phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội thì chúng ta có Đấng Biện hộ với Đức Chúa Cha là Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng Công Chính” (1 Giăng 2:1). Trong những câu khác, Chúa Giê-xu gọi Đức Thánh Linh là Đấng Biện hộ của chúng ta (Giăng 14:16, 26; 15:26; 16:7). Từ Hy Lạp được sử dụng trong những câu này là parakleton, có nghĩa là “người giúp đỡ, khuyên bảo hoặc cố vấn”.
Trong hệ thống tòa án con người, người biện hộ lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Những người biện hộ pháp lý hoặc luật sư đã nghiên cứu sự phức tạp của luật pháp và có thể đưa ra hướng giải quyết các trường hợp phức tạp đó một cách chính xác và rõ ràng. Đó là bức tranh mà Giăng vẽ ra khi ông gọi Chúa Giê-xu là “Đấng Biện hộ với Đức Chúa Cha” của chúng ta. Luật pháp công bình của Đức Chúa Trời tuyên bố chúng ta có tội về mọi mặt. Chúng ta đã vi phạm các tiêu chuẩn của Chúa, từ chối quyền cai trị của Chúa trên đời sống của chúng ta và thậm chí tiếp tục phạm tội ngay cả sau khi đã hiểu biết về lẽ thật (Hê-bơ-rơ 10:26; Rô-ma 1:21–23; 1 Ti-mô-thê 2:4). Hình phạt công bằng duy nhất cho sự gian ác đó là ở địa ngục vĩnh viễn (Khải Huyền 14:10; 21:8; 1 Cô-rinh-tô 6:9).
Nhưng Chúa Giê-xu là Đấng Biện hộ cho tấm lòng ăn năn của chúng ta và luật pháp. Nếu huyết Ngài đã được đổ trên đời sống chúng ta qua đức tin và sự xưng nhận Ngài là Chúa (Rô-ma 10:9–10; 2 Cô-rinh-tô 5:21), thì Ngài sẽ Biện hộ cho chúng ta với Quan Án Công Bình. Chúng ta có thể tưởng tượng cuộc trò chuyện sẽ diễn ra như thế này: “Thưa Cha, con biết người này đã phạm tội và vi phạm mệnh lệnh của chúng ta. Người này là người có tội. Tuy nhiên, Cha đã nói rằng sự hy sinh của con đã đủ để trả món nợ mà người nầy mắc phải. Sự công bình của con đã được áp dụng cho người nầy khi người nầy đặt đức tin vào con để được cứu rỗi và tha thứ. Con đã trả giá nên người nầy có thể được tuyên bố là ‘vô tội’. Người nầy không còn món nợ nào phải trả nữa” (Rô-ma 8:1; Cô-lô-se 2:14).
Chúa Giê-xu là Đấng Biện hộ của chúng ta ngay khi Đức Chúa Trời chấp nhận chúng ta vào gia đình Ngài làm con cái Ngài (Giăng 1:12). Và Ngài vẫn là Đấng Biện hộ của chúng ta mãi mãi. 1Giăng 1:9 nói rằng khi chúng ta xưng nhận tội lỗi mình, Ngài là thành tín và công bình sẽ tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch tội. Là những người theo Ngài, chúng ta vẫn sẽ phạm tội. Tuy nhiên, khi làm vậy, chúng ta được lệnh phải thú nhận tội lỗi đó với Chúa. Xưng tội là đồng ý với Chúa rằng tội lỗi xấu xa như thế nào. Chúng ta phạm tội trước mặt Ngài mà không cần lý lẽ và không có lời biện minh nào cho riêng mình. Đấng Biện hộ của chúng ta đứng trước Đấng Đoán xét, và họ cùng nhau đồng ý rằng, vì chúng ta “ở trong Đấng Christ” nên không cần phải có hình phạt nào nữa. Chúa Giê-xu đã trả đủ giá chuộc để cứu chúng ta.
Một khía cạnh khác khiến Chúa Giê-xu trở thành Đấng Biện hộ đầy lòng thương xót là vì thực tế Ngài cũng đã trải qua cuộc sống ở thế gian này. Ngài đã bị cám dỗ, bị từ chối, bị phớt lờ, bị hiểu lầm và bị lạm dụng. Về mặt lý thuyết, Ngài không đại diện cho chúng ta; Ngài đại diện cho chúng ta về mặt kinh nghiệm. Ngài đã sống cuộc đời mà chúng ta đang sống, nhưng Ngài đã làm như vậy mà không khuất phục trước những điều ác đang xảy đến với chúng ta. Ngài đã thành công từ chối trước sự cám dỗ và có thể làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta vì Ngài đã hoàn thành trọn vẹn luật pháp của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 4:15; 9:28; Giăng 8:29). Đấng Biện hộ của chúng ta có thể bào chữa cho trường hợp của chúng ta từ kinh nghiệm cá nhân, đại loại như thế này: “Thưa Cha, người phụ nữ này đã vi phạm điều răn công chính của chúng ta, nhưng cô ấy yêu mến Cha và muốn phục vụ Cha. Con biết cảm giác bị cám dỗ là như thế nào và tấm lòng con cảm thông cho cô ấy. Cô đã thú nhận tội lỗi này và mong muốn từ bỏ nó. Vì sự hy sinh của con, Cha có thể tha thứ tội lỗi này và thanh tẩy tấm lòng cô ấy một lần nữa. Dạy cô ấy cách để Đức Thánh Linh an ủi và thêm năng lực để kháng cự sự cám dỗ vào lần sau”.
Một người Biện hộ của thế gian chỉ có thể bào chữa cho chúng ta khi có bằng chứng hoặc lời khai của nhân chứng. Đấng Biện hộ trên trời biết tấm lòng của chúng ta và bào chữa cho chúng ta dựa trên tấm lòng ấy (Lu-ca 5:22; Mác 2:8). Ngài cũng biết sự phức tạp của luật pháp của Đức Chúa Trời. Ngài đã thỏa mãn những điều kiện của luật pháp nên sự Biện hộ của Ngài là vững vàng và công chính. Đức Chúa Trời chấp nhận sự Biện hộ của Con Ngài thay mặt chúng ta như một phần trong thỏa thuận thiêng liêng của Cha và Con, được thiết lập trước khi thế gian được hình thành (1 Phi-e-rơ 1:20; Giăng 17:24; Khải Huyền 13:8). Địa vị của chúng ta là “sự công bình của Đấng Christ” được bảo đảm vì Đấng đã mua địa vị của chúng ta bằng chính huyết của Ngài cũng là Đấng Biện hộ của chúng ta (Rô-ma 4:25; 8:3; 1 Cô-rinh-tô 1:30).
English
Chúa Giê-xu là Đấng Biện hộ của chúng ta có nghĩa là gì?