settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúa Giê-xu là người bạn của những tội nhân có nghĩa là gì?

Trả lời


Sự thật rằng Chúa Giê-xu là người bạn của những tội nhân có nghĩa Ngài là bạn của chúng ta và đang mong chờ chúng ta nhận biết sự hiện diện và sẵn có của Ngài. Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta gần như vượt quá mức chúng ta tưởng tượng. Khi chúng ta suy xét về sự nhập thể của Chúa Giê-xu – Ngài lìa bỏ Thiên Đàng sinh ra trong hình một hài nhi bé nhỏ, để lớn lên và trải nghiệm cuộc sống giữa vòng chúng ta – chúng ta bắt đầu cảm nhận sự sâu đậm trong tình yêu đó. Thật đáng kinh ngạc khi chúng ta nhắc đến sự hy sinh, sự chết của Ngài trên thập tự giá.

Để trở nên một "người bạn của những tội nhân", Chúa Giê-xu bằng lòng sống trong một thế giới sa ngã và suy đồi, vì chúng ta "tất cả đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23). Mặc cho tình trạng tội lỗi của chúng ta, Chúa Giê-xu vẫn mong muốn thiết lập một mối quan hệ với chúng ta.

Cụm từ "bạn của những tội nhân" được nhắc đến trong những đọan Kinh Thánh song song trong các sách Phúc Âm, "Chúa Giê-xu đến và nói, "Vậy, ta sẽ sánh người đời nầy với gì, họ giống như ai? Họ giống như con trẻ ngồi ngoài chợ, nói cùng nhau rằng: Ta đã thổi sáo, mà bạn không nhảy múa; ta đã than vãn, mà bạn không khóc. Vả, Giăng Báp-tít đã đến, không ăn bánh, không uống rượu; thì các ngươi nói rằng: Người mắc quỉ dữ. Con người đến, ăn và uống, thì các ngươi nói rằng: Ấy đó là người ham ăn mê uống, bạn với người thâu thuế và kẻ có tội"". (Lu-ca 7:31-34; Ma-thi-ơ 11:16-19)

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-xu chỉ ra mức độ không trưởng thành thuộc linh giữa những người tự coi mình là "công bình" và "thuộc linh" nhất. Họ dựa vào lập trường của mình trong việc tuân theo những nghi lễ tôn giáo, luật pháp, và hình thức bên ngoài thay vì sự thực sự thấu hiểu tấm lòng của Thiên Chúa và mối quan hệ với Ngài. Họ chỉ trích Chúa Giê-xu về việc dành thì giờ với những người bị ruồng bỏ và những người "không thể chấp nhận được" trong xã hội, gọi Ngài là "bạn của những tội nhân".

Câu chuyện về con chiên đi lạc cho thấy tầm quan trọng của những người hư mất và dễ bị tổn thương, là những người đang lang thang xa khỏi nơi an toàn. Đối với Đức Chúa Trời, những người hư mất quan trọng đến nỗi Ngài sẽ tìm kiếm họ cho tới khi tìm được và đưa họ tới nơi an bình. "Hết thảy các người thâu thuế và người có tội đến gần Đức Chúa Giê-xu đặng nghe Ngài giảng. Các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo lằm bằm mà nói rằng: Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ! Ngài bèn phán cho họ lời thí dụ nầy: Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao?" (Lu-ca 15:1-4)

Chúa Giê-xu đã nói rõ rằng Ngài "đến để tìm và cứu kẻ bị mất" (Lu-ca 19:10). Ngài sẵn sàng tiếp xúc với những người, mà theo tiêu chuẩn tự cho xưng công chính của người Pha-ri-si, là không tốt (Lu-ca 18:11-14). Tuy nhiên, những người này sẵn sàng mở lòng lắng nghe Đấng Christ, và họ quan trọng đối với Chúa!

Ma-thi-ơ 9:10-13 nhắc tới một thời điểm khác khi Chúa Giê-xu bị chế giễu bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo vì mối quan hệ của Ngài. Ngài nhắc họ rằng, "Ta đến không phải để kêu người công bình, song kêu kẻ có tội" (câu 13)

Trong Lu-ca 4:18, Chúa Giê-xu trích dẫn Ê-sai 61:1-2: "Thần của Chúa ngự trên ta; Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo./ Ngài đã sai ta đến công bố sự tự do cho kẻ bị cầm tù/ và cho kẻ mù được sáng/ kẻ áp bức được tự do/ để rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va". Để rao giảng tin mừng cho người nghèo, người bị cầm tù, người mù, người bị áp bức, Chúa Giê-xu đã tiếp xúc với họ.

Chúa Giê-xu không bỏ qua tội lỗi hay tham gia vào những hành vi phạm tội của những người không tin kính. Trở nên "bạn của những tội nhân", Chúa Giê-xu bày tỏ rằng "sự nhân từ của Đức Chúa Trời đem người đến sự ăn năn" (Lu-ca 5:24). Bởi điều này, chúng ta có cơ hội để kinh nghiệm một tấm lòng và đời sống được biến đổi.

Chúa Giê-xu, người bạn của chúng ta, đã dành thời gian với những tội nhân, không phải để tham gia vào đường lối phạm tội của họ, nhưng để trình bày cho họ tin lành về sự tha thứ. Nhiều tội nhân đã được biến đổi bởi Lời sự sống của Ngài. Xa-chê là một ví dụ điển hình. (Lu-ca 19:1-10).

Khi những kẻ thù của Chúa Giê-xu gọi Ngài là "bạn của những tội nhân" họ ngụ ý đó là lời sỉ nhục Ngài. Để quy vinh hiển về cho Chúa và vì lợi ích đời đời của chúng ta, Chúa Giê-xu sẵn sàng chịu đựng những sự khinh bỉ như vậy để trở nên "một người bạn gắn bó hơn anh em ruột" (Châm ngôn 18:24).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúa Giê-xu là người bạn của những tội nhân có nghĩa là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries