Câu hỏi
Có phải Chúa Giê-xu chỉ là truyền thuyết? Có phải Chúa Giê-xu chỉ là hình ảnh của các tôn giáo khác?
Trả lời
Có nhiều người cho rằng những ghi chép về Chúa Giê-xu trong Tân Ước chỉ là truyền thuyết (thần thoại) mượn từ các truyện dân gian ngoại đạo, như truyện thần Osiris, Dionysus, Adonis, Attis và Mithras. Họ cho rằng những câu chuyện này cũng giống như chuyện về Chúa Giê-xu Christ người Na-xa-rét trong Tân Ước. Như Dan Brown tuyên bố trong Mật Mã Da Vinci, “Không có điều gì trong Cơ Đốc giáo là nguyên gốc.”
Để khám phá xem các trước giả Phúc Âm có mượn cốt truyện của thần thoại không, ta cần (1) tìm hiểu lịch sử đằng sau lời tuyên bố đó, (2) phân tích chân dung các tà thần và so sánh với Đấng Christ, (3) phơi bày các lỗ hổng trong lập luận, và (4) xem tại sao Phúc Âm trong Tân Ước là các sách có thể tin tưởng được trong việc miêu tả hình ảnh Chúa Giê-xu Christ trong lịch sử.
Tuyên bố cho rằng Chúa Giê-xu chỉ là truyền thuyết phóng đại có nguồn gốc từ các bài viết của các nhà thần học tự do người Đức vào thế kỷ 19. Về cơ bản, họ cho rằng Chúa Giê-xu không có gì hơn các vị thần sinh sản lúc sống lúc chết ở nhiều nơi khác nhau – thần Tammuz ở Lưỡng Hà, thần Adonis ở Syria, thần Attis ở Tiểu Á, và thần Horus ở Ai Cập. Điều đáng chú ý là các sách có lưu giả thuyết này không hề được giới học thuật thời đó coi trọng. Các học giả đương đại đã điều tra và khẳng định rằng tuyên bố Chúa Giê-xu là thần Tammuz tái sinh là không hề có căn cứ. Chỉ mới gần đây các tuyên bố này rộ lên, chủ yếu do mạng Internet và sự tuyên truyền rộng rãi thông tin từ các nguồn không đáng tin cậy.
Điều này dẫn đến một lĩnh vực khác cần tìm hiểu – các thần trong thần thoại có thật sự phản ánh con người Chúa Giê-xu? Ví dự, phim Zeigeist đưa ra các tuyên bố sau về thần Horus của Ai Cập
• Ngài sinh ngày 25 tháng 12 bởi một người nữ đồng trinh: Isis
• Một ngôi sao phương Đông tuyên bố ngài đã đến
• Ba vị vua đến tôn thờ “đấng cứu thế” mới
• Ngài trở thành thầy thông thái thần đồng ở tuổi 12
• Ở tuổi 30 ngày được “báp-têm” và bắt đầu “chức vụ”
• Horus có 12 “môn đồ”
• Horus bị phản bội
• Ngài bị hành hình
• Ngài được chôn trong ba ngày
• Ngày phục sinh sau ba ngày
Tuy nhiên, khi xem xét kĩ các tài liệu liên quan đến thần Horus, chúng tôi tìm ra rằng:
• Horus là con của Isis; lịch sử không hề ghi lại rằng Isis tên là “Mary.” Hơn nữa, “Mary” là tên tiếng Anh, tên thật là Miryam hoặc Miriam. Trong Kinh Thánh bản gốc cũng không dùng tên “Mary.”
• Isis không phải là nữ đồng trinh, bà là vợ góa của Osiris và Horus là con của hai người.
• Horus sinh vào tháng Khoiak (tháng Mười/Mười Một), không phải ngày 25 tháng Mười Hai. Hơn nữa, không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói về ngày sinh của Đấng Christ.
• Không có chỗ nào ghi chép rằng ba vị vua đến thăm khi Horus sinh. Kinh Thánh không hề nhắc đến số lượng thầy thông thái đến thăm Đấng Christ.
• Horus không phải là “đấng cứu thế”; Horus không hề chết cho bất cứ ai.
• Không có chỗ nào ghi Horus trở thành thầy ở tuổi 12.
• Horus không được “báp-têm.” Ghi chép duy nhất về Horus liên quan đến nước là câu chuyện ông bị xé thành các mảnh, và Isis đã xin thần cá sấu vớt ông ra khỏi nước.
• Horus không có “chức vụ.”
• Horus không có 12 môn đồ. Theo các tài liệu, Horus có bốn á thần đi theo, cũng có chỗ chỉ ra rằng 16 môn đồ và một số lượng không rõ bao nhiêu thợ rèn đã ra trận cùng Horus.
• Không có chỗ nào nói Horus bị bạn phản bội
• Horus không chết vì bị hành hình. Có nhiều câu chuyện về cái chết của Horus, nhưng không có câu chuyện nào liên quan đến hành hình
• Không có chỗ nào ghi chép Horus được chôn trong ba ngày.
• Horus không phục sinh. Không có chỗ nào ghi Horus ra khỏi mộ với thân thể cũ. Có chỗ ghi rằng Horus/Osiris được Isis làm sống lại rồi trở thành bá chủ cõi âm.
Khi so sánh ta thấy Chúa Giê-xu và Horus hầu như không có chút tương đồng nào.
Những người cho rằng Chúa Giê-xu là truyền thuyết cũng so sánh Ngài với Mithras. Tất cả những chi tiết trên về Horus cũng được dùng cho Mithras (vd: con của nữ đồng trinh, bị hành hình, sống lại sau ba ngày, v.v.) Nhưng thần thoại Mithras thì nói gì?
• Ông được sinh ra từ một tảng đá nguyên khối, không phải từ phụ nữ.
• Ông chiến đấu với mặt trời rồi với một con bò đực nguyên sinh, được coi là hành động đầu tiên của sự sáng tạo. Mithras giết con bò, và nó trở thành mặt đất cho nhân loại.
• Ngày sinh của Mithras được kỷ niệm vào ngày 25 tháng Mười Hai, ngày đông chí.
• Không có chỗ nào ghi ông là một thầy giáo vĩ đại.
• Không có chỗ nào ghi Mithras có 12 môn đồ. Quan điểm cho rằng Mithras có 12 môn đồ có thể dến từ một bức tranh tường cho vẽ Mithras được bao quanh bởi mười hai cung hoàng đạo
• Mithras không hề có sự phục sinh thân thể. Thực ra, sau khi Mithras hoàn thành sứ mệnh trên đất, ông được đưa đến thiên đàng trên một cỗ xe lửa, còn sống và khỏe mạnh. Tác giả người Cơ Đốc xưa là Tertullian đã viết về những người tin thần Mithras đã diễn lại cảnh phục sinh, nhưng điều này xảy ra rất lâu sau thời Tân Ước, vậy nên nếu có sự sao chép thì là chủ nghĩa Mithras bắt chước Cơ Đốc giáo mới đúng.
Có nhiều ví dụ khác về Krishna, Attis, Dionysus, và các thần thoại khác, nhưng kết quả thì vẫn vậy. Cho đến cùng, chân dung lịch sử của Chúa Giê-xu được khắc học trong Kinh Thánh là độc nhất. Những sự tương đồng trong câu chuyện của Chúa Giê-xu với các thần thoại ngoại đạo hoàn toàn là phóng đại. Hơn nữa, dù chuyện về Horus, Mithras và các thần khác có trước Cơ Đốc giáo, nhưng có rất ít bằng chứng lịch sử trước thời Cơ Đốc giáo cho thấy nhiều người tin vào các tôn giáo đó. Phần lớn các tài liệu về các tôn giáo đó có niên đại từ thế kỷ thứ ba và bốn sau Công nguyên. Nếu cho rằng niềm tin của họ trước thời kỳ Cơ Đốc về các tôn giáo này (không có bằng chứng nào) giống với niềm tin Cơ Đốc giáo của họ là rất nông cạn. Khả năng các tôn giáo đó bắt chước sự dạy dỗ của Cơ Đốc nhân về Chúa Giê-xu là hợp lý hơn.
Điều này dẫn đến một lĩnh vực khác cần xem xét: lỗi ngụy biện của những người cho rằng Cơ Đốc giáo mượn từ các tôn giáo ngoại đạo đó. Chúng ta sẽ xem xét hai lỗi ngụy biện: ngụy biện nguyên nhân sai và ngụy biện thuật ngữ.
Nếu có một sự kiện xảy ra trước một sự kiện khác, người ta thường kết luận sự kiện thứ nhất tạo ra sự kiện thứ hai. Đây là lỗi ngụy biện nguyên nhân sai. Con gà trống có thể gáy trước khi mặt trời mọc mỗi sáng, nhưng vậy không có nghĩa là gà trống “khiến” cho mặt trời mọc. Kể cả nếu những ghi chép về các thần trong truyền thuyết có nhiều điểm giống Đấng Christ (thực ra là không), không có nghĩa là những ghi chép đó khiến cho các tác giả Phúc Âm bịa ra câu chuyện về Chúa Giê-xu. Nói như vậy thì không khác gì bảo loạt phim Star Trek là khởi nguồn của chương trình Tàu Con Thoi NASA.
Lỗi ngụy biện thuật ngữ xảy ra khi các từ được định nghĩa sai để chứng minh một luận điểm. Ví dụ, phim Zeitgeist nói rằng thần Horus “bắt đầu chức vụ của ngài,” nhưng từ “chức vụ” đã bị chuyển nghĩa. Horus không có “chức vụ” cụ thể - không có gì giống với chức vụ của Đấng Christ. Những người tuyên bố có sự kết nối giữa Mithras và Chúa Giê-xu có nhắc đến “báp-têm”, một nghi lễ công nhận các thành viên mới được tham gia lễ thần Mithras, nhưng thực sự đây là gì? Các thầy tu Mithras cho các thành viên mới vào một hố, đặt một con bò đực trên miệng hố, và mổ bụng con bò, đổ máu vào người trong hố. Lễ nghi như vậy không có sự tương đồng nào với lễ báp-tem Cơ Đốc – một người được nhấn xuống nước (tượng trưng cho sự chết của Đấng Christ) rồi nhô lên (tượng trưng cho sự phục sinh của Đấng Christ). Nhưng những người ủng hộ quan điểm Giê-xu truyền thuyết đã lừa dối bằng thuật ngữ “báp-têm” để kết nối hai nghi lễ với nhau.
Điều này dẫn chúng ta đến chủ đề sự chân thực của Tân Ước. Không có tài liệu cổ nào nhiều bằng chứng lịch sử nào hơn Tân Ước. Tân Ước có nhiều tác giả hơn (chín), tác giả giỏi hơn, và sớm hơn bất cứ tài liệu nào khác cùng thời kỳ. Hơn nữa, lịch sử chứng minh rằng các tác giả này cho đến chết vẫn khẳng định Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết. Có thể họ chết vì một lời dối trá mà họ nghĩ là thật, nhưng không ai chết vì một lời dối trá mà họ biết là dối trá. Hãy nghĩ xem, nếu bạn bị đe dọa hành hình, theo quan niệm truyền thống thì Phi-e-rơ đã bị như vậy, bạn có cơ hội cứu mạng sống mình, chỉ cần bác bỏ lời dối trá mình biết là dối trá, bạn sẽ làm gì?
Hơn nữa, lịch sử đã cho thấy phải cần ít nhất hai thế hệ thì truyền thuyết mới bắt đầu xuất hiện trong sử sách. Lí do là vì, miễn là có nhân chứng tận mắt trước một sự kiện, các lỗi lầm sẽ bị bác bỏ và những gì thêm thắt sẽ bị phơi bày. Toàn bộ Phúc Âm trong Tân Ước được viết ra trong thời kỳ các nhân chứng tận mắt còn sống, một vài thư tín của Phao-lô còn được viết từ năm 50 SCN. Phao-lô đã trực tiếp biện luận trước các nhân chứng thời đó để xác thực lời chứng của mình (1 Cô-rinh-tô 15:6).
Tân Ước chứng minh rằng, trong thể kỷ đầu tiên, Chúa Giê-xu không bị nhận nhầm thành bất cứ thần nào khác. Khi Phao-lô đến A-then, những nhà tư tưởng xuất chúng tại đó nói, “Ông ta có vẻ như là người công bố học thuyết lạ,’ – vì Phao-lô đang giảng về Chúa Giê-xu và sự phục sinh. Họ bắt ông và mang đến A-rê-ô-pa, nói rằng, “Ông có thể cho chúng tôi biết rõ về giáo thuyết mới mà ông trình bày đó không? Vì những điều ông giảng chúng tôi nghe lạ tai. Do đó, chúng tôi muốn biết những điều ấy có nghĩa gì.” (Công vụ 17:18–20). Rõ ràng nếu như Phao-lô chỉ đang mượn chuyện các thần khác, và người A-then sẽ không gọi giáo lí này là “mới” và “lạ”. Nếu như các thần trong thế kỷ thứ nhất đều có câu chuyện chết đi sống lại, thì tại sao khi Phao-lô giảng về Chúa Giê-xu phục sinh, những người theo trường phái Khoái Lạc và Khắc Kỷ không nói, “À, giống như chuyện về thần Horus và Mithras ư?”
Tóm lại, tuyên bố cho rằng Chúa Giê-xu là bản sao của các thần thoại có nguồn gốc từ các tác phẩm không được giới học thuật công nhận, chứa đựng nhiều ngụy biện và không thể so sánh với Phúc Âm Tân Ước. Phúc Âm đã đứng vững suốt gần 2000 năm qua dù bị tra xét kĩ càng. Sự tương đồng giữa Chúa Giê-xu và các thần khác không còn nữa khi xem xét kĩ lưỡng truyền thuyết. Học thuyết Chúa Giê-xu là truyền thuyết dựa trên sự giải thích không đầy đủ, chuyển nghĩa thuật ngữ và giả định vô lí.
Chúa Giê-xu là độc nhất trong lịch sử, với lời của Ngài vượt lên trên mọi thần giả khi Ngài hỏi một câu xác định số phận vĩnh cửu của một người: “Các ngươi nói Ta là ai?” (Ma-thi-ơ 16:15).
English
Có phải Chúa Giê-xu chỉ là truyền thuyết? Có phải Chúa Giê-xu chỉ là hình ảnh của các tôn giáo khác?