Câu hỏi
Tại sao Chúa không chữa lành người bị cụt?
Trả lời
Một số người sử dụng câu hỏi này trong sự nỗ lực "bác bỏ" sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Trên thực tế, có một trang mạng nổi tiếng chống lại Cơ Đốc nhân dốc sức tranh luận "Tại sao Đức Chúa Trời không chữa lành cho người bị cụt?". Đường dẫn của trang mạng là: http://www.whywontgodhealamputees.com. Nếu Chúa có đủ quyền năng và nếu Chúa Giê-xu đã hứa là làm bất cứ điều gì chúng ta cầu xin (hoặc vì lý do nào đó đưa ra) thì tại sao Chúa không chữa lành người bị cụt khi chúng ta cầu xin cho họ? Ví dụ, tại sao Chúa chữa lành cho những nạn nhân ung thư và bệnh tiểu đường, nhưng Ngài chưa bao giờ làm cho một người bị cụt được phục hồi? Sự thật là một người vẫn là một người bị cụt là "bằng chứng" để một số người cho rằng Đức Chúa Trời không tồn tại, rằng lời cầu nguyện vô ích, rằng cái gọi là sự chữa lành là trùng hợp ngẫn nhiên, và tôn giáo là chuyện hoang đường.
Sự tranh luận trên thường được trình bày một cách sâu sắc và có lý, với sự rải rác Kinh thánh đầy đủ để làm cho nó có vẻ chính đáng hơn. Tuy nhiên, nó là một sự tranh luận dựa trên một quan điểm sai về Đức Chúa Trời và sự trình bày sai về Kinh thánh. Cách lý luận được sử dụng trong sự tranh luận "tại sao Đức Chúa Trời không chữa lành người bị cụt" đưa ra ít nhất bảy giả định sai:
Giả định 1: Đức Chúa Trời chưa bao giờ chữa lành người bị cụt. Ai nói rằng trong lịch sử thế giới, Đức Chúa Trời chưa bao giờ làm cho một người bị cụt phục hồi? Khi nói, "Tôi không có bằng chứng thực nghiệm cho thấy những người bị cụt có thể được phục hồi, vì vậy không có người bị cụt nào từng được chữa lành trong lịch sử thế giới" giống như là đang nói, "Tôi không có bằng chứng thực nghiệm cho thấy con thỏ sống trong khu vườn nhà tôi, vì vậy, không có con thỏ nào đã từng sống trên đất này trong lịch sử thế giới". Đó là một kết luận hoàn toàn không thể nào được rút ra. Ngoài ra, chúng ta có ghi chép lịch sử về việc Chúa Giê-xu chữa lành người phung, một số người mà chúng ta có thể cho rằng đã mất những ngón tay, ngón chân hay nét mặt. Trong từng trường hợp, người phung được phục hồi hoàn toàn (Mác 1:40-42; Lu-ca 17:12-14). Cũng vậy, có trường hợp người teo tay (Ma-thi-ơ 12:9-13), và sự phục hồi lỗ tai bị cắt đứt cho người đầy tớ của Man-chu (Lu-ca 22:50-51), chưa kể đến sự kiện Chúa Giê-xu khiến cho kẻ chết sống lại (Ma-thi-ơ 11:5; Lu-ca 7:12-16; Giăng 11:38-44), là điều không thể chối cãi được thậm chí còn khó hơn việc chữa lành cho người bị cụt.
Giả định 2: Sự tốt lành và tình yêu của Đức Chúa Trời đòi hỏi Ngài chữa lành cho mọi người. Bệnh tật, đau đớn và tổn thương là hậu quả của cuộc sống chúng ta trong một thế giới bị rủa sả vì tội lỗi của chúng ta (Sáng thế ký 3:16-19; Rô-ma 5:12; 8:20-22). Sự tốt lành và tình yêu của Đức Chúa Trời đã cảm động Ngài dâng mình làm Đấng cứu chuộc để giải thoát chúng ta khỏi sự rủa sả (I Giăng 4:9-10), nhưng sự cứu chuộc cuối cùng của chúng ta sẽ không được thực hiện cho đến khi Đức Chúa Trời kết thúc tội lỗi cuối cùng của thế giới. Cho đến thời điểm đó, chúng ta vẫn phải chịu sự chết thuộc thể.
Nếu tình yêu của Đức Chúa Trời đòi hỏi Ngài chữa lành mọi bệnh tật và sự ốm yếu, thì sẽ không có ai chết bởi vì "tình yêu" sẽ duy trì mọi người trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo. Kinh thánh định nghĩa tình yêu là "hy sinh tìm kiếm điều tốt nhất cho người mình yêu". Điều tốt nhất cho chúng ta không phải lúc nào cũng là sự toàn vẹn về thể chất. Sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện để "cái giằm xóc trong thịt" của ông mất đi, nhưng Chúa đã nói, "Không", bởi vì Ngài muốn Phao-lô hiểu rằng ông không cần phải có một thể chất hoàn hảo thì mới kinh nghiệm được ân điển cứu giúp của Đức Chúa Trời. Qua kinh nghiệm này, Phao-lô đã trưởng thành trong sự khiêm nhường và trong sự hiểu biết về sự nhân từ và quyền năng của Chúa (II Cô-rinh-tô 12:7-10).
Lời chứng của Joni Eareckson Tada đem đến một ví dụ hiện đại về điều Đức Chúa Trời có thể làm qua sự bi kịch về thể chất. Khi còn là một thiếu niên, Joni bị một tai nạn trong lúc lặn khiến cho cô ấy bị liệt cả tay chân. Trong quyển sách của mình có tên là Joni, cô ấy kể lại mình đã viếng thăm nhiều người chữa lành bởi đức tin và liều mạng cầu nguyện cho sự chữa lành không bao giờ đến. Cuối cùng, cô ấy đã chấp nhận hoàn cảnh như là ý muốn của Đức Chúa Trời, và cô ấy viết, "Tôi càng nghĩ về nó thì tôi càng tin chắc rằng Chúa không muốn mọi người đều ổn. Ngài sử dụng những nan đề của chúng ta cho sự vinh hiển của Ngài và điều tốt lành cho chúng ta" (trang 190).
Giả định 3: Ngày nay Đức Chúa Trời vẫn thi hành phép lạ giống như Ngài đã làm trong quá khứ. Trong hàng ngàn năm lịch sử trải dài trong Kinh thánh, chúng ta chỉ thấy có bốn thời kỳ ngắn mà phép lạ được thi hành rộng rãi (thời kỳ Xuất Ê-díp-tô ký, thời kỳ của các tiên tri Ê-li và Ê-li-sê, thời kỳ chức vụ của Chúa Giê-xu, và thời kỳ của các sứ đồ). Mặc dù phép lạ xảy ra xuyên suốt trong Kinh thánh, nhưng chỉ trong suốt bốn giai đoạn đó thì phép lạ mới "phổ biến".
Thời kỳ các sứ đồ kết thúc ở sách Khải huyền và sự chết của Giăng. Điều đó có nghĩa là đến bây giờ, một lần nữa, phép lạ rất hiếm khi xảy ra. Bất cứ mục vụ nào khẳng định rằng được hướng dẫn bởi dòng dõi mới của sứ đồ hay khẳng định có khả năng chữa lành là đang lừa gạt con người. "Những người chữa lành bởi đức tin" dựa vào cảm xúc và sử dụng sức mạnh của lời đề nghị để tạo ra "sự chữa lành" không thể xác minh được. Điều này không phải nói rằng Đức Chúa Trời không chữa lành cho con người ngày nay. Chúng ta tin rằng Ngài có chữa lành nhưng không phải theo số đông hay theo cách mà một số người khẳng định.
Chúng ta quay trở lại câu chuyện của Joni Eareckson Tada, người đã có lần tìm kiếm sự giúp đỡ của những người chữa lành bởi đức tin. Trong vấn đề về những phép lạ ngày nay, cô nói: "Sự chữa lành cho con người đối với Chúa trong thời đại và văn hóa của chúng ta được dựa trên Lời Ngài hơn là "dấu hiện và phép lạ" (trong tác phẩm được trích dẫn, trang 190). Ân điển của Ngài là đủ và Lời ngài là chắc chắn.
Giả định 4: Đức Chúa Trời bị giới hạn để nói "vâng" với bất kỳ lời cầu nguyện nào được dâng lên bằng đức tin. Chúa Giê-xu nói, "Ta đi về cùng Cha. Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho" (Giăng 14:12-14). Một số người cố gắng giải thích phân đoạn này là Chúa Giê-xu đồng ý với bất kỳ điều gì chúng ta cầu xin. Nhưng đây là sự giải thích sai ý định của Chúa Giê-xu. Trước tiên, chú ý rằng Chúa Giê-xu đang nói với các sứ đồ của Ngài, và lời hứa là dành cho họ. Sau khi Chúa Giê-xu thăng thiên, các sứ đồ nhận lấy quyền năng để thi hành phép lạ khi họ đi rao giảng phúc âm (Công vụ 5:12). Thứ hai, Chúa Giê-xu sử dụng hai lần cụm từ "trong danh Ta". Điều này chỉ ra nền tảng cho lời cầu nguyện của các sứ đồ, nhưng nó cũng ngụ ý rằng bất cứ điều gì họ cầu nguyện nên phù hợp với ý muốn của Chúa Giê-xu ("nếu chúng ta cầu xin điều gì theo ý muốn Ngài…", 1 Giăng 5:14). Ví dụ, một lời cầu nguyện ích kỷ, hay một lời cầu nguyện bị xúi giục bởi lòng tham thì không thể nói là được cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu.
Chúng ta cầu nguyện bằng đức tin, nhưng đức tin có nghĩa là chúng ta tin cậy Chúa. Chúng ta tin cậy Ngài làm điều tốt nhất và biết điều gì là tốt nhất. Khi chúng ta xem xét tất cả những sự giảng dạy về cầu nguyện trong Kinh thánh (không chỉ là lời hứa dành cho các sứ đồ), chúng ta học được rằng Chúa có thể thực hiện quyền năng của Ngài để đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta, hay Ngài có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng một loạt hành động khác nhau. Trong sự khôn ngoan của Ngài, Ngài luôn luôn làm điều gì tốt nhất (Rô-ma 8:28).
Giả định 5: Sự chữa lành trong tương lai của Chúa (lúc sống lại) không thể đền bù cho sự đau khổ trên đất. Sự thật là, "Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta" (Rô-ma 8:18). Khi một người tin Chúa bị mất một chi, người đó có lời hứa của Chúa về sự toàn vẹn trong tương lai, và đức tin là "sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy" (Hê-bơ-rơ 11:1). Chúa Giê-xu nói, "Vì thà ngươi bị cụt chân hay là cụt tay mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ cả hai tay hay là hai chân mà bị quăng vào lửa đời đời" (Ma-thi-ơ 18:8). Lời Ngài khẳng định rằng điều kiện thể chất của chúng ta trong thế giới này tương đối không quan trọng khi so sánh với trạng thái đời đời của chúng ta. Bị thương tật (và sau đó được trở nên toàn vẹn) mà vào nơi hằng sống thì tốt hơn rất nhiều so với việc đi vào địa ngục với sự nguyên vẹn (nhưng phải chịu đau đớn đời đời).
Giả định 6: Kế hoạch của Đức Chúa Trời tùy thuộc vào sự chấp thuận của con người. Một trong những lý lẽ của sự tranh cãi "tại sao Chúa không chữa lành cho người bị cụt" là Chúa không "công bằng" với người bị cụt. Nhưng, Kinh thánh ghi rõ ràng rằng Chúa hoàn toàn công bình (Thi thiên 11:7; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-6) và trong quyền tể trị tối cao của Ngài có thể không đáp lời cho ai (Rô-ma 9:20-21). Một tín đồ có niềm tin nơi sự tốt lành của Chúa, ngay cả khi hoàn cảnh khiến nó trở nên khó khăn, và lý do dường như không thuyết phục.
Giả định 7: Đức Chúa Trời không tồn tại. Đây là giả định ưu tiên mà toàn bộ những người tranh cãi "tại sao Chúa không chữa lành người bị cụt" đều dựa vào. Những người đấu tranh cho sự tranh luận "tại sao Chúa không chữa lành người bị cụt" đều bắt đầu với giả định rằng Đức Chúa Trời không tồn tại và sau đó tiếp tục củng cố quan điểm của họ một cách tốt nhất có thể. Đối với họ, "tôn giáo là thần thoại" là một kết luận được dự tính trước, được trình bày như là một sự suy luận hợp lý nhưng trên thực tế lại là nền tảng cho sự tranh cãi.
Trong một ý nghĩa nào đó, câu hỏi tại sao Chúa không chữa lành người bị cụt là một câu hỏi bịp bợm, giống như là hỏi "Chúa có thể khiến cho một hòn đá to hơn để Ngài nhấc lên không?" và được nêu ra không phải để tìm kiếm lẽ thật mà làm nghi ngờ niềm tin. Trong một ý nghĩa khác, nó có thể là một câu hỏi hợp lý với sự trả lời theo Kinh thánh. Nói tóm lại, câu trả lời đó sẽ là một điều gì đó như là: "Chúa có thể chữa lành người bị cụt và sẽ chữa lành cho mọi người tin Đấng Christ là Đấng cứu thế. Sự chữa lành sẽ đến, chứ không phải là kết quả của yêu cầu của chúng ta bây giờ, nhưng trong thời điểm của chính Chúa, có thể là trong đời này, nhưng là chắc chắn trên thiên đàng. Cho đến thời điểm đó, chúng ta bước đi bằng đức tin, tin cậy Chúa là Đấng cứu chuộc chúng ta trong Đấng Christ và là Đấng hứa về sự sống lại của thân thể."
Lời chứng cá nhân:
Con trai đầu của chúng tôi khi sinh ra đã bị thiếu xương ở phần chân dưới đầu gối và ở hai bàn chân, và nó chỉ có hai ngón chân. Hai ngày sau khi nó được sinh ra thì cả hai chân đều bị cắt bỏ. Bây giờ chúng tôi đang xem xét nhận nuôi một đứa trẻ từ Trung Quốc mà cũng gặp vấn đề tương tự như con trai đầu lòng của chúng tôi. Tôi cảm nhận rằng Chúa chọn tôi để làm một người mẹ rất đặc biệt dành cho những đứa trẻ đặc biệt như vậy, và tôi không có ý kiến gì cho đến khi xem thấy chủ đề về việc tại sao Chúa không chữa lành người bị cụt mà con người đã sử dụng chủ đề đó như là một lý do để nghi ngờ về sự tồn tại của Chúa. Là một người mẹ của một đứa trẻ không chân và là một người mẹ tiềm năng của đứa trẻ khác mà cũng sẽ thiếu một số chi dưới của nó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc Chúa không tồn tại. Thay vào đó, tôi biết rằng Ngài đang kêu gọi tôi để làm một người mẹ đặc biệt như là một cách để dạy người khác về những phước lành của Chúa. Ngài cũng kêu gọi tôi giúp cho những đứa trẻ này có cơ hội được thêm vào trong gia đình Cơ Đốc mà sẽ dạy chúng yêu Chúa bằng cách đặc biệt của chúng và dạy chúng hiểu rằng chúng ta có thể vượt qua tất cả mọi điều nhờ vào Đấng Christ. Một số người có thể thấy nó là một tảng đá vấp chân, nhưng chúng tôi thấy nó là kinh nghiệm học tập và thách thức. Chúng tôi cũng cảm tạ Ngài vì ban cho một số người có kiến thức để tiến hành những ca phẫu thuật cần thiết và tạo ra các bộ phận giả cần thiết cho phép con trai tôi, và hy vọng là những đứa con trai kế tiếp của chúng tôi có thể được đi, chạy, nhảy và sống làm vinh hiển danh Chúa trong mọi điều. "Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định" (Rô-ma 8:28).
English
Tại sao Chúa không chữa lành người bị cụt?