settings icon
share icon
Câu hỏi

Đức Chúa Trời vĩnh hằng có nghĩa là gì?

Trả lời


Từ vĩnh hằng có nghĩa là "đời đời, không có khởi đầu và không có kết thúc." Thi Thiên 90:2 cho chúng ta biết về sự vĩnh hằng của Đức Chúa Trời: "Trước khi núi non chưa sanh ra, đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời". Do con người bị giới hạn mọi thứ theo thời gian, rất là khó để chúng ta nhận thức một điều gì đó mà điều đó không có khởi đầu, nhưng luôn hiện diện, và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Tuy nhiên, Kinh Thánh không cố gắng chứng minh sự tồn tại của Đức Chúa Trời hay thuộc tính đời đời của Ngài, nhưng chỉ đơn giản là bắt đầu với tuyên bố: "Ban đầu Đức Chúa Trời ..." (Sáng Thế Ký 1:1), chỉ ra rằng tại thời điểm bắt đầu của thời gian được thiết lập, Đức Chúa Trời đã tồn tại. Từ thời gian trải dài ở quá khứ không có giới hạn cho đến thời gian trải dài chuyển tiếp không có giới hạn, từ thời gian bất diệt cho đến thời kỳ đời đời, Đức Chúa Trời đã và đang vĩnh hằng.

Khi Môi-se được ủy thác bởi Đức Chúa Trời để đi đến dân Y-sơ-ra-ên với một sứ điệp từ Ngài, Môi-se đã tự hỏi ông sẽ nói với họ điều gì nếu họ hỏi ông tên của Đức Chúa Trời là chi. Sự trả lời của Đức Chúa Trời thật rõ ràng: Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se: "Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: ĐẤNG TỰ HỮU đã sai ta đến cùng các ngươi" (Xuất Ê-díp-tô-ký 3:14). Điều này nói lên sự sống đời đời thật sự của Đức Chúa Trời, sự tự hữu hằng hữu của Ngài, và rằng Ngài là Thượng Đế của nhân loại. Nó cũng mô tả sự bất diệt và không thay đổi của Ngài, cũng như sự bất biến và sự thành tín trong việc hoàn thành lời hứa của Ngài, bởi vì nó bao gồm tất cả thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai. Với ý nghĩa là, ta không chỉ là tự hữu hằng hữu hiện nay, nhưng ta đã tự hữu hằng hữu, và ta sẽ tự hữu hằng hữu, và sẽ là ta tự hữu hằng hữu. Những lời tuyên bố của chính Đức Chúa Trời về sự vĩnh hằng của Ngài được phán với chúng ta qua những trang sách Thánh Kinh.

Chúa Giê-su Christ là Đức Chúa Trời nhập thể, cũng đã xác nhận thần tính của Ngài và sự vĩnh hằng của Ngài với những người sống cùng thời với Ngài bằng cách tuyên bố với họ, "Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta" (Giăng 8:58). Rõ ràng Chúa Giêsu đã được xưng là Đức Chúa Trời trong thân xác vì người Do Thái khi nghe tuyên bố này đã cố gắng ném đá Ngài cho chết. Đối với người Do Thái, việc tuyên bố chính mình là Đức Chúa Trời hằng hữu là phạm thượng đáng chết (Lê Vi Ký 24:16). Chúa Giêsu đã quả quyết rằng mình là vĩnh hằng, như Cha của Ngài là vĩnh hằng. Điều này đã được tuyên bố một lần nữa bởi Giăng đối với bản tánh của Đấng Christ: "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời" (Giăng 1:1). Từ trước khi thời gian được thiết lập, Chúa Giê-su và Cha của Ngài đã có cùng bản chất và chia sẻ bình đẳng trong thuộc tính đời đời.

Rô-ma 1:20 cho chúng ta biết rằng bản tánh vĩnh hằng của Đức Chúa Trời và quyền năng đời đời của Ngài được mạc khải cho chúng ta qua sự sáng tạo của Ngài. Tất cả nhân loại thấy và thấu hiểu khía cạnh này trong bản tánh Đức Chúa Trời qua việc chứng kiến những công việc khác nhau của sự sáng tạo trật tự. Mặt trời và các thiên thể nối tiếp trong quỹ đạo của chúng qua hàng thế kỷ. Các mùa đến và đi theo thứ tự của chúng; những cây cho ra những lá vào mùa xuân và rơi rụng trong mùa thu. Năm này qua năm khác mọi vật cứ tiếp diễn, và không một ai có thể ngăn chặn nó hay làm thay đổi kế hoạch của Đức Chúa Trời được. Tất cả điều này minh chứng cho năng quyền đời đời và kế hoạch cho nhân loại của Đức Chúa Trời. Một ngày nào đó, Ngài sẽ tạo dựng một trời mới và đất mới và họ, giống như Ngài, sẽ tiếp tục bước vào cõi đời đời. Chúng ta là những người thuộc về Đấng Christ bởi đức tin cũng sẽ được bước vào cõi đời đời, cùng hưởng sự vĩnh hằng với Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng chúng ta trong ảnh tượng Ngài. English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Đức Chúa Trời vĩnh hằng có nghĩa là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries