settings icon
share icon
Câu hỏi

Quan điểm của Cơ Đốc nhân về sự lãng mạn nên như thế nào?

Trả lời


Theo mục đích của bài viết này, từ lãng mạn sẽ được định nghĩa là phấn khích hoặc hấp dẫn về mặt cảm xúc mà một người hoặc một tình huống cụ thể gây ra cho người khác. Kiểu lãng mạn này là chủ đề thường thấy trong văn hóa của chúng ta. Âm nhạc, phim ảnh, kịch hoặc sách báo mô tả khát khao của con người chúng ta với tình yêu lãng mạn và những biểu hiện dường như vô tận của nó. Trong thế giới quan của Cơ Đốc nhân, sự lãng mạn là tốt, xấu hay một nơi nào đó ở giữa?

Kinh Thánh được gọi là bức thư tình của Đức Chúa Trời viết cho con người. Mặc dù Kinh Thánh chứa đựng những hình ảnh và lời cảnh báo khắc nghiệt về sự đoán xét của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh cũng chứa đầy những cách diễn đạt sáng tạo về tình yêu giữa con người và Đấng Tạo Hóa (Thi Thiên 42:1-2; Giê-rê-mi 31:3). Tuy tình yêu và sự lãng mạn gắn kết với nhau nhưng chúng không đồng nhất. Không cần tình yêu thật, chúng ta vẫn có thể có sự lãng mạn và chúng ta cũng có thể yêu mà không cần phải cảm thấy lãng mạn. Trong khi những phân đoạn Kinh Thánh như trong Sô-phô-ni 3:17 mô tả tình yêu cảm động của Đức Chúa Trời dành cho dân sự Ngài, những đoạn khác như 1 Cô-rinh-tô 13:4-8 trình bày chi tiết những giá trị của tình yêu không liên quan gì đến những cảm xúc lãng mạn. Đức Chúa Giê-su phán trong Giăng 15:13 rằng: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.” Việc chịu chết cách đau đớn trên cây thập tự cho những tội nhân vô ơn thì không có gì lãng mạn cả, nhưng đó chính là biểu hiện tuyệt vời nhất cho tình yêu (1 Giăng 4:9-10).

Sách Sa-lô-môn ghi lại những minh chứng về tình yêu lãng mạn giữa cô dâu và chàng rể. Bởi vì Đức Chúa Trời đã đưa sách này vào trong Kinh Thánh, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đấng Tạo Hóa cho phép chúng ta lãng mạn. Sự lãng mạn trong bối cảnh của một mối quan hệ trong sáng và cam kết có thể nâng cao mối quan hệ đó và làm tăng sự vui thích của tình yêu vợ chồng như ý định của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, sự lãng mạn vì lợi ích của nó có thể phá hoại. Hầu hết các mối tình lãng mạn đều bắt đầu với cảm giác thú vị của “phải lòng”, mà nó có thể là sự say men. Hành động “phải lòng” tạo ra một lượng chất hóa học trong não tương tự như trải nghiệm khi sử dụng ma túy. Não bộ chúng ta lúc này ngập tràn adrenaline, dopamine và serotonin (các chất hóa học khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu), khiến chúng ta muốn quay lại nguồn của cảm xúc đó. Tuy nhiên, do phản ứng não bộ của chúng ta, sự lãng mạn có thể trở thành một cơn nghiện. Việc xem tiểu thuyết, phim lãng mạn và chương trình truyền hình về giới tính sẽ dẫn đến những kỳ vọng không thực tế trong các mối quan hệ ngoài đời thực của chúng ta.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng bộ não con người chỉ có thể duy trì cảm giác “đang yêu” mãnh liệt tối đa là hai năm. Lý tưởng nhất là một cặp vợ chồng nên cố gắng đâm rễ tình yêu và cam kết với nhau trong suốt thời gian đó để khi cảm xúc “đang yêu” mãnh liệt giảm đi, một tình yêu sâu sắc hơn sẽ diễn ra. Tuy nhiên, đối với những người “nghiện” sự lãng mạn, sự sụt giảm này báo hiệu rằng đã đến lúc họ phải tìm một người khác có thể tạo ra sự hưng phấn tương tự. Trên thực tế, một số người được chẩn đoán mắc chứng “nghiện các mối quan hệ” có thể bị nghiện cảm giác “phải lòng”. Vì vậy, họ cố gắng tạo lại cảm giác đó nhiều lần.

Với cách mô tả đó, chúng ta có thể dễ dàng hiểu lý do tại sao tình yêu và sự lãng mạn không nhất thiết phải giống nhau. Kinh Thánh đưa ra một số ví dụ về các cặp đôi đã trải qua tình yêu lãng mạn và kết quả của những cuộc tình lãng mạn đó. Sáng thế ký chương 29 kể về câu chuyện Gia cốp phải lòng Ra-chên. Ông sẵn sàng làm việc cho cha cô trong bảy năm để lấy cô làm vợ. Trong câu 20 nói rằng "Nhưng bởi yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa." Mặc dù sau đó câu chuyện tình yêu này lại tiếp tục với sự lừa dối, đau lòng và nỗi thất vọng cho mọi người, nhưng mối tình lãng mạn của ông với Ra-chên không bị lên án trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, khác với Sam-sôn, vì yêu nên ông gặp rắc rối khi đã để cảm xúc chi phối mình. Các Quan Xét chương 14 kể chi tiết về sự khởi đầu sa sút của Sam-sôn khi ông để chuyện tình cảm ra lệnh cho quyết định của mình thay vì tuân theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.

Sự lãng mạn có thể là tiêu cực hoặc tích cực tùy thuộc vào việc chúng ta có để những cảm xúc đó chi phối cuộc sống của chúng ta hay không. Khi chúng ta theo đuổi cảm xúc của mình, chúng ta có thể gặp những rắc rối về đạo đức và hôn nhân. Giê-rê-mi 17:9 nói, "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?" Câu nói phổ biến "đi theo tiếng gọi của trái tim" là một lời khuyên khủng khiếp. Khi chạy theo đam mê của trái tim mình, chúng ta dễ bị lừa dối, phạm tội và hối hận. Thay vì theo đuổi sự lãng mạn, chúng ta nên theo đuổi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh trong các mối quan hệ của chúng ta. Nó luôn luôn là khôn ngoan khi theo đuổi tình yêu thương (1 Cô-rinh-tô 14:1). Và khi chúng ta thể hiện tình yêu thương, sẽ có người đặc biệt thu hút sự chú ý của chúng ta. Khi đó, sự lãng mạn tin kính có thể là một món quà từ Cha trên trời ban cho chúng ta (Gia-cơ 1:17).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Quan điểm của Cơ Đốc nhân về sự lãng mạn nên như thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries