Câu hỏi
Có phải Chúa Giê-su được tạo dựng không?
Trả lời
Kinh Thánh dạy rằng Chúa Giê-su không được tạo dựng mà Ngài là Đấng Tạo Hóa. “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài (Chúa Giê-su Christ), bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai-trị, hoặc chấp-chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả” (Cô-lô-se 1:16). Giáo lý về sự vĩnh cửu của Đấng Christ là một trong những dấu hiệu nổi bật của Cơ Đốc giáo qua Kinh Thánh.
Trong khi Chúa Giê-su được người Hồi giáo, người Mặc Môn, Nhân Chứng Giê-hô-va và những người theo nhiều tín ngưỡng thần học khác nhau đánh giá cao, thì những nhóm đó lại dạy rằng Chúa Giê-su là một đấng thọ tạo. Chính sự khẳng định của Cơ Đốc giáo chính thống về thần tánh trọn vẹn của Đấng Christ và bản chất tự nhiên của Ngài đã làm cho Cơ Đốc giáo trở nên độc nhất so với tất cả các tôn giáo và triết học khác. Nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới có thể đồng ý về một số vấn đề quan trọng như sự tồn tại của nền đạo đức khách quan, siêu việt và giá trị của một đời sống gia đình bền vững, nhưng câu trả lời cho câu hỏi “Chúa Giê-su Christ là ai?” nhanh chóng tách biệt những người Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh với những người không theo.
Các tín điều ban đầu của giáo hội dạy rõ ràng rằng Chúa Giê-su không được tạo ra nhưng là một Ngôi vị thiêng liêng vĩnh cửu, Con Đức Chúa Trời. Người Hồi giáo dạy rằng Chúa Giê-su là một nhà tiên tri được sinh ra bởi một trinh nữ nhưng đã hiện hữu như bao người khác. Những người Mặc Môn, những người theo chủ nghĩa Arian thời hiện đại, tin rằng Chúa Giê-su có sự khởi đầu, giống như Đức Chúa Cha có sự khởi đầu. Nhân Chứng Giê-hô-va nói rằng Chúa Giê-su là tạo vật đầu tiên của Đức Giê-hô-va và ban đầu được gọi là thiên sứ trưởng Michael. Vậy Chúa Giê-su ngã về phía nào Đấng Sáng Tạo/tạo vật? Chúa Giê-su có phải là một tạo vật, và do đó là một phần của trật tự được tạo dựng, hay Ngài, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, là Đấng Tạo Hóa của mọi tạo vật? Chúa Giê-su có phải là dị tính (“có bản chất khác”) với Chúa Cha, như Arius, kẻ dị giáo ở thế kỷ thứ 4 đã tuyên bố; hay Đấng Christ và Chúa Cha là đồng nhất (“có cùng bản chất”), như Athanasius đã khẳng định và Công đồng Nicea đã ra sắc lệnh?
Khi cố gắng trả lời câu hỏi “Có phải Chúa Giê-su đã được tạo dựng?” không có người nào tốt hơn để tìm đến hơn chính Chúa Giê-su. Trong suốt chức vụ công khai của mình, chính Chúa Giê-su liên tục đảm nhận những đặc quyền thiêng liêng. Ngài liên tục thực thi những quyền mà nó không bao giờ thích hợp với loài thọ tạo. Ngài phán rằng Ngài là “Chúa của ngày Sa-bát” (Mác 2:28), và vì Đức Chúa Trời thiết lập ngày Sa-bát nên việc Chúa Giê-su tuyên bố là “Chúa” của ngày Sa-bát là một sự khẳng định về thần tánh. Chúa Giê-su nói về sự hiểu biết sâu sắc và độc đáo của Ngài về Đức Chúa Cha (Ma-thi-ơ 11:27) và về vinh hiển mà Ngài đã chia sẻ với Đức Chúa Cha “trước khi có thế gian" (Giăng 17:5). Chúa Giê-su chấp nhận sự thờ phượng của người khác (Ma-thi-ơ 14:32–33) và mô tả thời kỳ tương lai khi Ngài sẽ ngồi phán xét trên mọi dân tộc (Ma-thi-ơ 25:31–44). Lu-ca cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su đã đi xa đến mức đích thân tha thứ tội lỗi cho một người phụ nữ—điều mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm—và cho rằng sự tha thứ mà cô nhận được là nhờ đức tin của cô nơi Ngài (Lu-ca 7:48–50)!
Các môn đồ của Chúa Giê-su cũng rõ ràng về niềm tin của họ vào thần tánh và bản chất tự nhiên của Chúa Giê-su. Giăng nói với chúng ta rằng “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời [Chúa Giê-su] là Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1). Sau khi gặp Chúa Giê-su phục sinh, sứ đồ Thô-ma đã kêu lên với Ngài: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” (Giăng 20:28). Sứ đồ Phao-lô gọi Đấng Christ là “Đấng trên hết mọi sự” (Rô-ma 9:5) và tuyên bố rằng “Vì sự đầy-dẫy của bổn-tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình” (Cô-lô-se 2:9). Trong những ngày đầu của Giáo hội, Chúa Giê-su vừa là đối tượng của lời cầu nguyện (Công Vụ 7:59) vừa là Đấng nhân danh Ngài công bố sự tha tội (Công Vụ 2:38; 10:43). Sau khi thẩm vấn những người tin Chúa đứng dưới sự đe dọa phải chết nhà quản lý La Mã Pliny the Younger đã viết trong bức thư gửi Hoàng đế Trajan (khoảng năm 110 sau Công nguyên) rằng “[những người theo đạo Cơ Đốc] có thói quen nhóm họp vào một ngày cố định trước khi trời sáng khi họ hát thay cho những lời Kinh Thánh bằng một bài thánh ca tôn vinh Chúa Christ, như tôn vinh một vị thần” (Thư 10.96).
Chúa Giê-su, Đức Chúa Con, không được tạo dựng. Ngài luôn hằng hữu; Ngài không có sự khởi đầu hay kết thúc. Chúa Con đã mặc lấy xác phàm vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử loài người (Giăng 1:14). Những người tin Chúa gọi sự kiện này là Sự Nhập Thể (“hành động trở nên xác thịt”). Hành động này không thể thiếu cho sự cứu rỗi của chúng ta (Ga-la-ti 4:4–5; 2 Cô-rinh-tô 5:21; Hê-bơ-rơ 9:22). Từ sự nhập thể trở đi, Con tự hữu và hằng hữu vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người thực sự. Nhưng không có lúc nào Con không tồn tại. Ngài chưa bao giờ được tạo dựng. Chúa Giê-su đã luôn và sẽ mãi mãi là “Đức Chúa Trời vĩ đại và Cứu Chúa của chúng ta” (Tít 2:13).
English
Có phải Chúa Giê-su được tạo dựng không?