settings icon
share icon
Câu hỏi

Cuộc lưu đày tại Ba-by-lôn là gì?

Trả lời


Bị bắt làm phu tù hay lưu đày sang Ba-by-lôn ý chỉ về một giai đoạn lịch sử của nước Y-sơ-ra-ên khi người Giu-đa bị vua Nê-bu-cát-nết-sa II bắt làm phu tù dẫn về Ba-by-lôn. Đây là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong Kinh Thánh bởi vì cả cuộc lưu đày lẫn trở về và phục hồi của vương quốc Giu-đa chính là sự ứng nghiệm những lời tiên tri của Cựu Ước.

Đức Chúa Trời dùng Ba-by-lôn như một công cụ để đoán phạt dân Y-sơ-ra-ên vì tội lỗi của họ, là thờ hình tượng và chống nghịch lại chính Ngài. Thực chất trong thời kỳ này (607 - 586 TC), người Giu-đa bị bắt giải về Ba-by-lôn theo nhiều đợt. Với mỗi người kế vị Giu-đa nổi lên chống lại quyền cai trị của người Ba-by-lôn, vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ dẫn một đạo binh để tiến đánh nước này cho đến khi đã chiếm được thành Giê-ru-sa-lem sau khoảng thời gian một năm, giết hại rất nhiều người và hủy phá đền thờ, bắt phu tù hàng ngàn người Giu-đa và để lại Giê-ru-sa-lem một đống đổ nát.

Như Kinh Thánh đã tiên báo, dân Giu-đa sẽ không được phép trở về Giê-ru-sa-lem cho tới khi kết thúc 70 năm lưu đày. Lời tiên tri ấy được ứng nghiệm vào năm 537 TC, khi người Giu-đa được vua Si-ru của Ba Tư cho trở về Y-sơ-ra-ên và bắt đầu xây dựng lại thành phố và đền thờ. Cuộc hồi hương này dưới sự dẫn dắt của E-xơ-ra đã dấy lên một cuộc phấn hưng giữa vòng người Giu-đa và cuộc tái thiết đền thờ.

Dưới sự cai trị của vua Nê-bu-cát-nết-sa II, đế quốc Ba-by-lôn bành trướng khắp khu vực Trung Đông và khoảng năm 607 TC, vua Giê-hô-gia-kim của Giu-đa đã buộc phải quy hàng, biến mình thành chư hầu cho Nê-bu-cát-nết-sa (II Các Vua 24:1). Chính trong thời điểm đó Nê-bu-cát-nết-sa đã bắt lấy nhiều người trai trẻ tốt tươi và thông sáng của mỗi thành trong nước Giu-đa, trong đó có Đa-ni-ên, Ha-na-nia (Sa-đơ-rắc), Mi-sa-ên (Mê-sác) và A-xa-ria (A-bết-nê-gô). Sau 3 năm phục dưới quyền Nê-bu-cát-nết-sa, vua Giê-hô-gia-kim của Giu-đa dấy lên nghịch cùng Ba-by-lôn và một lần nữa hướng về Ai Cập để cầu viện. Sau khi gửi quân đội đến trấn áp cuộc nổi dậy của Giu-đa, đích thân Nê-bu-cát-nết-sa rời Ba-by-lôn vào năm 598 TC để giải quyết vấn đề.

Vào khoảng tháng ba năm 597 TC, Nê-bu-cát-nết-sa đến được Giê-ru-sa-lem và chiếm lấy thành, nắm quyền kiểm soát khu vực ấy, trấn lột của cải và bắt Giê-hô-gia-kin, con trai của Giê-hô-gia-kim, cùng cả dòng vua, và hầu hết dân cư của Giu-đa đem về Ba-by-lôn, chỉ chừa lại những người nghèo khổ nhất trong xứ (II Các Vua 24:8-16).

Thời điểm đó Nê-bu-cát-nết-sa phong cho Sê-đê-kia làm vua thay mặt ông cai trị Giu-đa, nhưng sau 9 năm, Sê-đê-kia - có lẽ vẫn chưa học được bài học trong quá khứ - đã dẫn quân Giu-đa nổi loạn cùng người Ba-by-lôn một lần cuối cùng (II Các Vua 24-25). Bị tác động bởi những lời tiên tri giả dối và phớt lờ sự cảnh báo của tiên tri Giê-rê-mi, Sê-đê-kia quyết định liên quân cùng Ê-đôm, Mô-áp, Am-môn và Phê-ni-xi để chống lại Nê-bu-cát-nết-sa (Giê-rê-mi 27:1-15). Hậu quả là Nê-bu-cát-nết-sa một lần nữa tấn công thành Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem thất thủ vào tháng bảy năm 587 hoặc 586 TC, và Sê-đê-kia bị bắt làm phu tù giải về Ba-by-lôn sau khi phải tận mắt chứng kiến các con trai mình bị giết, sau đó ông bị móc mắt (II Các Vua 25). Tại thời điểm này, Giê-ru-sa-lem bị bỏ hoang, đền thờ bị hủy phá và tất cả nhà cửa bị thiêu rụi. Phần lớn dân Giu-đa bị bắt làm phu tù, nhưng một lần nữa, Nê-bu-cát-nết-sa vẫn giữ lại những người nghèo để phục dịch như nông dân hay người làm vườn nho (II Các Vua 25:12).

Sách II Sử Ký và II Các Vua đề cập đến hầu hết giai đoạn dẫn tới sự sụp đổ của cả Vương quốc phía bắc và Giu-đa. Chúng cũng nhắc đến sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem của vua Nê-bu-cát-nết-sa và thời kỳ đầu tiên của cuộc lưu đày sang Ba-by-lôn. Giê-rê-mi là một trong các tiên tri của giai đoạn trước sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem, và Ê-xê-chi-ên cùng Đa-ni-ên được viết trong thời kỳ dân Giu-đa đang bị lưu đày. E-xơ-ra viết về sự trở về của người Giu-đa sau 70 năm như Đức Chúa Trời đã phán hứa qua tiên tri Giê-rê-mi và Ê-sai. Sách Nê-hê-mi cũng viết về sự trở về và tái thiết Giê-ru-sa-lem sau khi thời kỳ lưu đày kết thúc.

Cuộc lưu đày sang Ba-by-lôn có một tác động quan trọng với quốc gia Y-sơ-ra-ên sau khi họ trở về quê hương - đó là họ không bao giờ bại hoại bởi tội thờ hình tượng và các thần giả mạo của các dân tộc xung quanh nữa. Một cuộc phục hưng giữa vòng người Giu-đa đã diễn ra sau khi họ được trở về Y-sơ-ra-ên và xây dựng lại đền thờ. Chúng ta thấy những điều này được ghi chép trong sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi, khi dân tộc này một lần nữa trở về với Đức Chúa Trời, Đấng giải cứu họ khỏi kè thù nghịch mình.

Cũng như Đức Chúa Trời đã hứa qua tiên tri Giê-rê-mi, Đức Chúa Trời đã đoán phạt dân Ba-by-lôn vì tội lỗi của họ, và Đế quốc Ba-by-lôn sụp đổ dưới tay quân đội Ba Tư và năm 539 TC. Sự kiện này một lần nữa chứng mình những lời hứa của Đức Chúa Trời là chân thật.

Thời kỳ 70 năm lưu đày tại Ba-by-lôn là một phần quan trọng trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, và Cơ Đốc Nhân nên làm quen với kiến thức này. Như nhiều sự kiện khác trong Cựu Ước, biến cố lịch sử này bày tỏ sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài, sự đoán phạt của Ngài đối với tội lỗi, và sự chắc chắn trong các lời hứa của Ngài.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Cuộc lưu đày tại Ba-by-lôn là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries