Câu hỏi
Tại sao Đức Chúa Trời cho phép bệnh tật xảy ra?
Trả lời
Vấn đề bệnh tật luôn là vấn đề khó giải quyết. Điều quan trọng là hãy nhớ rằng đường lối của Đức Chúa Trời cao hơn đường lối của chúng ta (Ê-sai 55:9). Khi chúng ta đau khổ vì bệnh tật, ốm đau hay thương tích, chúng ta thường chỉ tập chú vào nỗi đau khổ của chính mình. Giữa cơn thử thách của bệnh tật, thật khó để tập chú vào những điều tốt lành mà Chúa có thể mang lại. Rô-ma 8:28 nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời có thể đem lại điều tốt lành trong mọi hoàn cảnh. Nhiều người nhìn lại những khoảng thời gian đau ốm là khoảng thời gian họ đến gần Chúa hơn, học cách tin cậy Ngài nhiều hơn và/hoặc học cách thực sự quý trọng cuộc sống. Đây là quan điểm mà Đức Chúa Trời có vì Ngài có quyền tối cao và biết kết quả cuối cùng.
Điều này không có nghĩa là bệnh tật luôn đến từ Đức Chúa Trời hay Chúa luôn giáng bệnh tật để dạy chúng ta một bài học tâm linh. Trong một thế giới bị ô nhiễm bởi tội lỗi, bệnh tật, phiền não và cái chết sẽ luôn ở bên chúng ta. Chúng ta là những sinh vật sa ngã, với cơ thể vật lý dễ mắc bệnh tật. Một số bệnh tật chỉ đơn giản là kết quả của quá trình tự nhiên của mọi thứ trên thế gian này. Bệnh tật cũng có thể là kết quả của sự tấn công từ ma quỷ. Kinh Thánh mô tả một số trường hợp thân xác phải chịu đau đớn do Sa-tan và các ác quỷ của chúng gây ra (Ma-thi-ơ 17:14-18; Lu-ca 13:10-16). Vì vậy, một số bệnh tật không đến từ Đức Chúa Trời mà đến từ Sa-tan. Ngay cả trong những trường hợp này, Chúa vẫn nắm quyền kiểm soát. Đôi khi Đức Chúa Trời cho phép tội lỗi và/hoặc Sa-tan gây ra đau đớn về thể xác. Ngay cả khi bệnh tật không trực tiếp đến từ Đức Chúa Trời, Ngài vẫn sẽ sử dụng nó theo ý muốn hoàn hảo của Ngài.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đôi khi Đức Chúa Trời cố tình cho phép, hoặc thậm chí gây ra bệnh tật để thực hiện mục đích tối thượng của Ngài. Mặc dù bệnh tật không được đề cập trực tiếp trong đoạn văn, nhưng Hê-bơ-rơ 12:5-11 mô tả Đức Chúa Trời kỷ luật chúng ta để “về sau sanh ra bông trái công bình” (câu 11). Bệnh tật có thể là một phương tiện kỷ luật yêu thương của Chúa. Chúng ta khó có thể hiểu được tại sao Đức Chúa Trời lại hành động theo cách này. Tuy nhiên, tin vào quyền tối thượng của Chúa, không có lựa chọn nào khác ngoài việc đau đớn là điều Chúa cho phép và/hoặc gây ra.
Ví dụ rõ ràng nhất về điều này trong Kinh Thánh là Thi Thiên 119. Hãy chú ý diễn biến qua các câu 67, 71 và 75 - “Trước khi chưa bị hoạn nạn, thì tôi lầm lạc; Nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa...Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, hầu cho học theo luật lệ của Chúa...Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết rằng sự xét đoán của Ngài là công bình, và ấy là bởi sự thành tín mà Ngài làm cho tôi bị khổ nạn." Tác giả Thi Thiên 119 đang nhìn sự khổ nạn từ góc nhìn của Chúa. Thật tốt khi ông bị phiền não. Chính sự thành tín đã khiến Đức Chúa Trời phải làm ông phiền não. Kết quả của sự hoạn nạn là ông có thể học được các mạng lịnh của Đức Chúa Trời và vâng theo Lời Ngài.
Một lần nữa, bệnh tật và đau khổ không bao giờ dễ dàng giải quyết. Có một điều chắc chắn là bệnh tật không làm chúng ta mất đức tin nơi Đức Chúa Trời. Chúa là Đấng tốt lành ngay cả khi chúng ta đau khổ. Ngay cả sự đau khổ tột cùng là “cái chết” cũng là một hành động tốt lành của Đức Chúa Trời. Thật khó để tưởng tượng rằng bất cứ ai ở trên Thiên đường do bệnh tật hoặc khổ nạn đều hối hận về những gì họ đã trải qua trong cuộc đời này.
Một lưu ý cuối cùng: khi người ta đau khổ, trách nhiệm của chúng ta là giúp đỡ họ, chăm sóc họ, cầu nguyện và an ủi họ. Khi một người đang trong khổ nạn, không phải lúc nào cũng thích hợp để nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời sẽ mang lại điều tốt lành từ nỗi đau khổ. Vâng, đó là sự thật. Tuy nhiên, giữa lúc khổ nạn, không phải lúc nào cũng là thời điểm tốt nhất để chia sẻ sự thật đó. Những người trong sự đau khổ cần tình yêu thương và sự khích lệ của chúng ta, không nhất thiết phải là cách nhắc nhở hợp lý theo thần học trong Kinh Thánh.
English
Tại sao Đức Chúa Trời cho phép bệnh tật xảy ra?