Câu hỏi
Nếu Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, thì có phải là Đức Chúa Trời đang ở địa ngục không?
Trả lời
Sự toàn tại (hiện diện ở khắp mọi nơi) của Đức Chúa Trời là một trong những thuộc tính thiết yếu của Ngài. Sự công chính của Ngài cũng rất quan trọng, và do đó, Ngài cần phải trừng phạt những tội nhân không tin cậy nơi Chúa Giê-su để được cứu. Vì vậy, chúng ta có một Đức Chúa Trời được cho là có mặt ở khắp mọi nơi nhưng lại duy trì một nơi gọi là địa ngục, được mô tả là nơi mà con người bị loại khỏi sự hiện diện của Ngài (xem Ma-thi-ơ 25:41)..
Có ba đoạn Kinh Thánh đặc biệt quan trọng trong cuộc thảo luận này. Đầu tiên là Thi thiên 139: 7–12, trong đó Đa-vít nói: "Con sẽ trốn đâu khỏi sự hiện diện của Ngài? Nếu con lên trời, Chúa ở tại đó! Nếu con nằm dưới âm phủ, kìa Chúa cũng ở đó!". Sheol (Âm phủ) chỉ đơn giản là phiên âm của một danh từ tiếng Do Thái có nghĩa là “mồ mả” hoặc “nơi của linh hồn người chết”. Sheol (Âm phủ) là một khái niệm mang nghĩa rộng và không đồng nghĩa với từ địa ngục (hell), thuật ngữ này thường được dùng để chỉ nơi trừng phạt đời đời.
II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7–9 nói rằng: “những kẻ không chịu nhận biết Đức Chúa Trời sẽ phải chịu hình phạt hủy diệt đời đời, phân cách sự hiện diện của Chúa và vinh quang của quyền năng Ngài”. Tuy nhiên, Khải Huyền 14:10 nói rằng bất kỳ ai thờ phượng những kẻ nghịch lại Đấng Christ “sẽ bị đau đớn trong lửa và lưu huỳnh trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con”. Cho đến nay, hai câu này là khó hiểu nhất về chủ đề này vì sự mâu thuẫn rõ ràng của chúng. Mặc dù vậy, có một lời giải thích khá đơn giản được tìm thấy trong nguyên bản tiếng Hy Lạp.
Trong Khải Huyền 14:10, từ “sự hiện diện” là bản dịch theo nghĩa đen của từ “enopion” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “trong sự hiện diện, trước mặt”. Đây là một từ không gian, cho thấy sự “ở gần” và theo nghĩa đen thì khoảng cách có thể đo lường được. Ngược lại, từ “sự hiện diện” trong II Tê-sa-lô-ni-ca là “prosopon”, từ này thường ám chỉ khuôn mặt hoặc hình dáng bên ngoài của một người. Phao-lô dường như đã lấy trực tiếp đoạn văn này từ Ê-sai 2:10, như được tìm thấy trong bản Septuagint (bản Bảy mươi_bản dịch Kinh Thánh tiếng Hy Lạp). Có các dẫn chiếu khác về việc Đức Chúa Trời và dân Ngài bị “tách biệt”, ngay cả ở thế gian này. Tiếng kêu lớn tiếng của Chúa Giê-su trên cây thập giá là một ví dụ (Ma-thi-ơ 27:46; Mác 15:34). Tiến sĩ thần học Louis Berkhof dạy rằng Phao-lô ám chỉ “sự thiếu vắng hoàn toàn ân huệ của Đức Chúa Trời”. Mô tả này về địa ngục sẽ thể hiện sự đối lập hoàn toàn với thiên đàng. Thiên đàng ban phước lành và sự trọn vẹn không phải thông qua việc gần gũi hơn với Đức Chúa Trời về mặt không gian, mà bằng cách hoàn toàn tương giao với Ngài. Địa ngục gắn liền với sự thiếu vắng hoàn toàn phước lành do sự cắt đứt mọi mối quan hệ với Đức Chúa Trời.
Cuối cùng, có vẻ như Đức Chúa Trời đã thực sự "hiện diện" trong địa ngục, hoặc địa ngục có sự hiện diện của Ngài, tùy thuộc vào cách người ta nhìn nhận nó. Đức Chúa Trời là hiện hữu và sẽ mãi mãi hiện diện khắp mọi nơi. Ngài sẽ mãi mãi biết những gì đang xảy ra trong địa ngục. Tuy nhiên, thực tế này không có nghĩa là những linh hồn bị giam giữ ở đó sẽ có mối liên hệ với Đức Chúa Trời hay bất kỳ sự tương giao nào với Ngài.
English
Nếu Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, thì có phải là Đức Chúa Trời đang ở địa ngục không?