Câu hỏi
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Giăng Báp-tít?
Trả lời
Mặc dù cái tên của ông ngụ ý rằng ông đã làm báp-têm cho mọi người (thật ông đã làm), cuộc đời của Giăng Báp-tít trên đất đã không chỉ đơn thuần là làm báp-têm. Khi trưởng thành, cuộc đời của Giăng Báp-tít đặc trưng bởi sự tận hiến và đầu phục Chúa Giê-su Christ và vương quốc của Ngài. Tiếng nói của Giăng Báp-tít là “tiếng của người kêu trong đồng vắng” (Giăng 1:23) khi ông công bố sự đến của Đấng Mê-si cho một dân tộc đang rất cần một Đấng Cứu Thế. Ông là tiền thân của nhà truyền giáo thời hiện đại khi ông không ngần ngại chia sẻ tin tốt lành về Chúa Giê-su Christ. Ông là một người tràn đầy đức tin và là tấm gương cho những ai mong muốn chia sẻ đức tin của mình với người khác.
Hầu hết mọi người, cả người tin lẫn người không tin, đều đã nghe nói đến Giăng Báp-tít. Ông là một trong những nhân vật quan trọng và nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh. Trong khi Giăng được biết đến là "Báp-tít", trên thực tế ông là nhà tiên tri đầu tiên được Chúa kêu gọi kể từ thời của tiên tri Ma-la-chi khoảng 400 năm trước đó. Sự xuất hiện của Giăng Báp-tít đã được một nhà tiên tri khác báo trước hơn 700 năm trước: “Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta! Mọi nơi sủng-thấp sẽ được cao lên; mọi núi mọi gò sẽ bị hạ xuống: các nơi gập-ghềnh sẽ làm cho bằng, các nơi dốc-hãm sẽ làm thành đồng-nội. Bấy giờ sự vinh-hiển của Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra, và mọi xác-thịt đều sẽ xem thấy; vì miệng Đức Giê-hô-va đã phán vậy.’" (Ê-sai 40: 3–5). Phân đoạn này minh họa kế hoạch hành động vĩ đại của Đức Chúa Trời khi Đức Chúa Trời chọn Giăng Báp-tít làm đại sứ đặc biệt của Ngài để công bố sự đến của chính Ngài.
Sự ra đời của Giăng Báp-tít đã thật là kỳ diệu. Ông sinh ra trong một gia đình có cha mẹ già không thể sinh con (Lu-ca 1:7). Thiên sứ Gáp-ri-ên đã thông báo với Xa-cha-ri, một thầy tế lễ người Lê-vi, rằng ông sẽ có một con trai - là tin tức mà Xa-cha-ri nhận được với sự hoài nghi (câu 8–18). Gáp-ri-ên đã nói về Giăng Báp-tít rằng: “Người sẽ nên tôn-trọng trước mặt Chúa. Người . . . sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ. Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ. Chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa… đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” (câu 15–17). Đúng như lời Chúa phán, vợ của Xa-cha-ri là Ê-li-sa-bét đã sinh ra Giăng. Tại lễ cắt bì, Xa-cha-ri nói về con trai mình: “Hỡi con trẻ, người ta sẽ kêu con là tiên tri của Đấng Rất Cao; con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn đường Ngài,” (câu 76).
Giăng Báp-tít có họ hàng với Chúa Giê-su, vì mẹ của họ là họ hàng của nhau (Lu-ca 1:36). Thật vậy, khi thiên sứ Gáp-ri-ên nói với Ma-ri rằng bà sẽ sinh ra Chúa Giê-su, thiên sứ cũng nói với bà về Giăng Báp-tít. Khi Ma-ri đang mang thai Chúa Giê-su, bà đã đến thăm Ê-li-sa-bét, và Giăng Báp-tít đã nhảy nhót trong lòng mẹ khi nghe tiếng của bà Ma-ri (Lu-ca 1:39-45).
Khi lớn lên, Giăng Báp-tít sống một cuộc sống khổ hạnh ở vùng núi Giu-đê, giữa thành phố Giê-ru-sa-lem và Biển Chết. Ông mặc quần áo làm từ lông lạc đà với một chiếc thắt lưng da quanh eo, trang phục đặc trưng của một tiên tri. Ông ăn rất đơn giản—châu chấu và mật ong rừng (Ma-thi-ơ 3:4). Giăng Báp-tít sống một cuộc sống đơn giản vì ông tập chú vào công việc cho vương quốc Chúa đã bày ra trước mắt.
Chức vụ của Giăng Báp-tít ngày càng được biết đến, như được kể lại trong Ma-thi-ơ 3:5–6: "Dân thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền chung quanh sông Giô-đanh đều đến cùng người; và khi họ đã xưng tội mình rồi, thì chịu người làm phép báp-têm dưới sông Giô-đanh." Chịu phép báp-têm bởi Giăng có nghĩa là thừa nhận tội lỗi của bạn và ăn năn về nó—dĩ nhiên đó là một cách tuyệt vời để chuẩn bị cho sự tái lâm của Đấng Cứu Thế. Sự ăn năn liên quan đến phép báp-têm của Giăng cũng khiến những người tự cho mình là công chính tránh xa, vì họ không coi mình là tội nhân. Đối với những người tự cho mình là công chính, Giăng đã có những lời lẽ nghiêm khắc, gọi họ là “dòng dõi rắn lục” và cảnh báo họ đừng cậy vào dòng dõi Do Thái của mình để được cứu, mà phải ăn năn và “kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (Ma-thi-ơ 3:7– 10). Người dân thời đó không dám chỉ ra các lãnh đạo tôn giáo, vì sợ bị trừng phạt. Nhưng đức tin của Giăng Báp-tít khiến ông không sợ hãi khi đối mặt với sự chống đối.
Cái nhìn chung về Giăng Báp-tít thì ông là tiên tri của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 14:5), và nhiều người có thể đã nghĩ rằng ông là Đấng Mê-si. Đây không phải là ý định của ông, vì ông nhận biết rõ ràng về những gì mình được kêu gọi để làm. Trong Giăng 3:28, Giăng Báp-tít nói: “Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Đấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài.’” Giăng Báp-tít cảnh cáo các môn đồ rằng những gì họ đã thấy và nghe từ Ngài chỉ là sự khởi đầu của phép lạ sẽ đến trong Chúa Giê-su Christ. Giăng Báp-tít chỉ là một sứ giả được Đức Chúa Trời sai đến để loan báo lẽ thật. Thông điệp của ông rất đơn giản và thẳng thừng: “Hãy ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần” (Ma-thi-ơ 3:2). Ông biết rằng, một khi Chúa Giê-su đến, công việc của ông đã hoàn tất. Ông sẵn lòng nhường lại sự tập chú cho Chúa Giê-su và nói rằng: “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống.” (Giăng 3:30).
Có lẽ không có tấm gương khiêm nhường nào lớn hơn những gì được thấy nơi Chúa Giê-su và Giăng Báp-tít trong Ma-thi-ơ 3:13–15. Chúa Giê-su đến từ Ga-li-lê để được Giăng làm báp-tem tại sông Giô-đanh. Giăng Báp-tít đã nhận biết đúng đắn rằng Con của Đức Chúa Trời vô tội không cần báp-têm để ăn năn và chắc chắn ông không xứng đáng để làm báp-têm cho Đấng Cứu Thế. Nhưng Chúa Giê-su đã trả lời nỗi lo ngại của Giăng bằng cách yêu cầu Giăng báp-têm “để làm cho trọn mọi việc công bình”, nghĩa là Ngài đã đồng nhất chính Ngài với những tội nhân mà cuối cùng Ngài sẽ hy sinh mạng sống cho họ, qua đó đảm bảo mọi sự công bình cho họ (2 Cô-rinh-tô 5:21). Với lòng khiêm nhường, Giăng đã vâng lời và đồng ý làm báp-têm cho Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 3:13–15). Khi Chúa Giê-su lên khỏi nước, “từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng’” (câu 16–17).
Sau đó, vua Hê-rốt đã tống giam Giăng Báp-tít. Hê-rốt đã cưới vợ cũ của người em trai mình, Phi-líp. Giăng báp-tít đã mạnh dạn lên tiếng phản đối cuộc hôn nhân này, khiến Hê-rô-đia, vợ mới của Hê-rốt không ưa ông (Lu-ca 3:19–20; Mác 6:17–20). Khi Giăng Báp-tít ở trong tù, ông đã nghe biết mọi việc Chúa Giê-su làm. Trong giây phút của sự nghi ngờ, Giăng Báp-tít đã sai các môn đồ của mình đến gặp Chúa Giê-su để hỏi xem Ngài có thực sự là Đấng Mê-si không. Chúa Giê-su đáp lại bằng cách bảo những người đó kể lại cho Giăng những điều họ đã thấy và nghe—những lời tiên tri đã được ứng nghiệm. Chúa Giê-su không bao giờ quở trách Giăng Báp-tít; đúng hơn, Ngài đưa ra bằng chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Thế của lời hứa (Ma-thi-ơ 11:2–6; Lu-ca 7:18–23). Sau đó, Chúa Giê-su nói với đám đông về Giăng Báp-tít rằng ông là sứ giả đã được tiên tri sẽ đến trước Đấng Mê-si (Ma-thi-ơ 11:10; Lu-ca 7:27; Ma-la-chi 3:1). Chúa Giê-su cũng nói: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người.” (Ma-thi-ơ 11:11; Lu-ca 7:28).
Chức vụ cũng như cuộc đời của Giăng Báp-tít đột ngột kết thúc dưới bàn tay của vua Hê-rốt. Trong một hành động trả thù không thể tả xiết, Hê-rô-đia đã cùng con gái bày mưu giết Giăng Báp-tít. Một đêm nọ, con gái của Hê-rô-đia khiêu vũ cho Hê-rốt và những vị khách dự tiệc tối của ông, Hê-rốt rất hài lòng nên nói với cô: “Hãy xin ta điều chi ngươi muốn, ta sẽ cho” (Mác 6:22). Cô hỏi ý kiến mẹ trước khi trả lời rằng cô muốn cái đầu của Giăng Báp-tít để trên mâm (câu 25). Hê-rốt sợ Giăng Báp-tít, “biết là một người công bình và thánh” (câu 20), và không muốn giết nhà tiên tri, nhưng vua đã hứa sẽ cho cô gái bất cứ thứ gì cô yêu cầu. Vì Giăng Báp-tít đã ở trong tù nên việc sai đao phủ chặt đầu Giăng là một việc đơn giản, những gì đã xảy ra chính xác là vậy (Mác 6:27–28). Đó là một cái kết đáng buồn và thấp hèn cho cuộc đời của một người trung tín như vậy.
Có những bài học chúng ta có thể học được từ cuộc đời của Giăng Báp-tít. Một là có thể hết lòng tin vào Chúa Giê-su Christ. Giăng Báp-tít biết rằng Đấng Mê-si đang đến. Ông hết lòng tin vào điều này và dành trọn thời gian để “dọn đường” cho sự đến của Chúa (Ma-thi-ơ 11:10). Nhưng con đường không hề dễ dàng để chuẩn bị. Hàng ngày ông phải đối mặt với những kẻ nghi ngờ, không đồng lòng cùng sự nhiệt thành của ông đối với Đấng Mê-si sắp đến. Trước sự chất vấn gay gắt của những người Pha-ri-si, Giăng Báp-tít đã chia sẻ niềm tin của mình: “Ta làm báp-têm bằng nước... nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết. Ấy là Đấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài” (Giăng 1:26–27). Giăng đã tin cậy vào Đấng Christ, và đức tin lớn lao đã giúp ông kiên định đi theo con đường của mình cho đến khi ông có thể nói khi thấy Chúa Giê-su tiến đến gần: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi!” (Giăng 1:29). Là những người tin Chúa, tất cả chúng ta đều có thể có đức tin kiên định này.
Mặc dù khó có thể biết chắc chắn Giăng Báp-tít cảm thấy thế nào đang khi ở trong tù nhưng dường như ông đã nghi ngờ. Nhưng Giăng Báp-tít đã gửi một thông điệp tới Chúa Giê-su trong nỗ lực tìm ra sự thật. Là Cơ Đốc nhân, tất cả chúng ta đều sẽ bị thử thách đức tin của mình, và chúng ta sẽ chùn bước trong đức tin của mình hoặc giống như Giăng, bám lấy Đấng Christ, tìm kiếm lẽ thật và giữ vững đức tin của mình cho đến cuối cùng.
Cuộc đời của Giăng Báp-tít là một tấm gương cho chúng ta về sự nghiêm túc trong việc tiếp cận đời sống Cơ Đốc và lời kêu gọi phục vụ của chúng ta, bất kể điều đó có thể là gì. Giăng Báp-tít đã sống cuộc đời mình để giới thiệu Chúa Giê-su Christ cho người khác; ông đã tập trung vào sứ mệnh mà Chúa đã giao cho ông. Giăng Báp-tít cũng biết tầm quan trọng của việc ăn năn khỏi tội lỗi để sống một cuộc sống thánh thiện và công chính. Và với tư cách là tôi tớ của Đức Chúa Trời, ông cũng không ngại nói lên sự thật, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chỉ trích những người như Hê-rốt và người Pha-ri-si vì hành vi tội lỗi của họ.
Giăng Báp-tít được giao phó một chức vụ đặc biệt, tuy nhiên chúng ta cũng được kêu gọi chia sẻ lẽ thật về Chúa Giê-su với những người khác (Ma-thi-ơ 28:18–20; Giăng 13:34–35; 1 Phi-e-rơ 3:15; 2 Cô-rinh-tô 5:16 –21). Chúng ta có thể noi gương Giăng Báp-tít về lòng tin cậy trung kiên và vâng lời Chúa khi chúng ta sống và công bố lẽ thật của Ngài trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào mà Chúa ban cho chúng ta.
English
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Giăng Báp-tít?