settings icon
share icon
Câu hỏi

Hòa thuận với Đức Chúa Trời có nghĩa là gì?

Trả lời


Trước khi có thể hiểu được sự bình an (sự hòa thuận) với Đức Chúa Trời nghĩa là gì, chúng ta phải nhận ra rằng con người trong trạng thái tự nhiên là kẻ phản nghịch với Đức Chúa Trời. Bởi vì chúng ta thừa hưởng bản chất tội lỗi từ tổ tiên đầu tiên của mình, A-đam và Ê-va (Sáng thế ký 3; Rô-ma 5:12), chúng ta được sinh ra với khuynh hướng làm hài lòng bản thân và trở thành vị thần của chính mình. Bản chất phản nghịch đó khiến chúng ta bất hòa với Đấng Tạo Hóa hoàn hảo của mình. Bản chất công chính của Ngài không thể bỏ qua tội lỗi của chúng ta; công lý đòi hỏi sự trừng phạt (Rô-ma 3:23; 6:23). Chúng ta không thể tạo dựng sự hòa thuận với Chúa bởi vì những nỗ lực hết mình của chúng ta trong ngày tốt đẹp nhất chẳng là gì ngoài những miếng giẻ rách bẩn thỉu so với sự thánh khiết của Ngài (Ê-sai 64:6). Vì vậy, trong tình trạng tội lỗi, chúng ta không thể hòa giải, không thể hòa thuận với Đức Chúa Trời, cho dù chúng ta có cố gắng thế nào đi nữa.

Đức Chúa Trời đã chủ động theo đuổi hòa bình với chúng ta bằng cách sai Con Ngài xuống thế gian. Chúa Giê-xu đã sống một cuộc đời hoàn hảo, sự đóng đinh của Ngài đã trả giá cho tội lỗi của tất cả những ai tin cậy Ngài (Hê-bơ-rơ 4:15; 2 Cô-rinh-tô 5:21), và sự phục sinh của Ngài bảo đảm sự công chính của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời (Rô-ma 4:25). Chúa Giê-xu là Chúa Bình An (Ê-sai 9:6), và Ngài là Đấng ban cho chúng ta sự bình an với Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao sứ điệp cứu rỗi trong Đấng Christ được gọi là “Tin-lành bình-an” (Ê-phê-sô 6:15).

Những lời của các thiên sứ dành cho các mục đồng trong dịp Giáng sinh đầu tiên đó là “Sáng danh Chúa trên các từng trời cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người” (Luca 2:14). Chúa vui lòng với ai? Niềm vui và sự bình an của Đức Chúa Trời thuộc về những ai tin nhận Con Đức Chúa Trời bằng đức tin (Giăng 1:12). “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Giê-xu Christ chúng ta” (Rô-ma 5:1). Hòa thuận với Đức Chúa Trời có nghĩa là món nợ tội lỗi lớn của chúng ta đã được trả và Đức Chúa Trời thấy chúng ta là người công chính (Cô-lô-se 2:14; Rô-ma 3:22. Chúng ta không còn là những kẻ phản nghịch nữa mà là những người con yêu dấu (1 Giăng 3:2). Bản chất thánh thiện của Ngài có thể có mối tương giao với chúng ta bởi vì Ngài nhìn thấy chúng ta “trong Đấng Christ.”

Sự bình an với Chúa có nghĩa là lòng của chúng ta được tưới sạch khỏi lương-tâm xấu (Hê-bơ-rơ 10:22; Tít 3:5). Gánh nặng tội lỗi đè nặng lên tất cả chúng ta đã biến mất, nó đã được đặt trên Chúa Giê-xu trên thập tự giá (Cô-lô-se 2:14; 1 Phi-e-rơ 2:24). Sự hổ thẹn mà chúng ta cảm thấy đúng về những việc làm gian ác mà mình đã làm đã được Chúa Giê-xu gánh chịu. Đức Chúa Cha nhận chúng ta làm con cái của Ngài và mời chúng ta “hãy dạn dĩ đến trước ngôi ân điển” để tương giao với Ngài và cầu xin những gì chúng ta cần (Hê-bơ-rơ 4:16). Đối với Cơ Đốc nhân, duy trì cảm giác bình an với Chúa có nghĩa là chúng ta xưng nhận những tội lỗi và thất bại đang xảy ra với chúng ta (1 Giăng 1:9). Chúng ta không cần phải tiếp tục xưng tội để thiết lập sự bình an với Chúa; Chúa Giê-xu đã làm điều đó trên thập tự giá khi chúng ta tin. Những người thật sự được tái sinh luôn sống với thái độ ăn năn liên tục để không còn tội lỗi nào bén rễ làm ô uế họ nữa (Giăng 3:3; Rô-ma 6:1-4). Tội lỗi không được xưng nhận sẽ làm hỏng mối tương giao vui vẻ giữa con cái của Chúa và Cha của mình.

Sự bình an với Chúa cũng cho phép Cơ Đốc nhân sống mà không sợ chết hay sự vĩnh hằng. Niềm hy vọng của chúng ta được bảo đảm khi biết rằng Chúa Giê-xu đã làm tất cả những gì cần thiết để khiến chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:17; Giăng 3:16-18). Hơi thở cuối cùng của chúng ta trên đất sẽ là hơi thở đầu tiên của chúng ta trên thiên đàng (2 Cô-rinh-tô 5:6–8; Lu-ca 16:22). Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta giống như một chiếc nhẫn hứa hẹn, một sự chắc chắn rằng một sự kiện trọng đại hơn chắc chắn sẽ xảy ra (2 Cô-rinh-tô 1:22; 5:5). Ngay bây giờ, Đức Thánh Linh sống trong chúng ta để hướng dẫn, cáo trách, an ủi và nhắc nhở chúng ta về sự hy sinh trọn vẹn của Chúa Giê-xu thay cho chúng ta (Giăng 14:16–17; 16:8–11; 1 Cô-rinh-tô 3:16; 6:19; Ê Phê Sô 1:13–14).

Con người được tạo dựng để sống hòa thuận với Đức Chúa Trời. Tội lỗi đã phá hủy sự hòa thuận đó và vẫn còn phá hủy nó đối với những ai khước từ lời đề nghị cứu rỗi của Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, bất cứ ai kêu cầu danh Chúa, trong lòng tin rằng Chúa Giê-xu là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời và sẵn sàng đầu phục Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Chúa thì có thể được hòa thuận với Đức Chúa Trời (Rô-ma 10:9–10, 13; Giăng 3:16, 36; Công vụ 2:21, 28).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Hòa thuận với Đức Chúa Trời có nghĩa là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries