Câu hỏi
Y-sơ-ra-ên và Hội thánh có giống nhau không?
Trả lời
Chủ đề này là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong Hội thánh ngày nay, và nó có ý nghĩa quan trọng liên quan đến cách chúng ta giải thích Kinh thánh, đặc biệt liên quan đến thời kỳ cuối cùng. Quan trọng hơn nữa là nó có ý nghĩa rất lớn trong việc ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu về bản chất thật sự và đặc tính của chính Đức Chúa Trời.
Rô-ma 11:16-36 ghi lại minh hoạ về cây ô-li-ve. Phân đoạn này nói đến Y-sơ-ra-ên (các nhánh “tự nhiên”) bị cắt khỏi cây ô-li-ve, và Hội thánh (các nhánh cây hoặc những cành hoang dại”) đang được ghép vào cây ô-li-ve. Vì Y-sơ-ra-ên được ám chỉ đến như là các nhánh cây, cũng như Hội thánh, nên thật là hợp lý là cả hai nhóm “nguyên một cây”, nói đúng hơn là, nguyên một cây đại diện cho những công việc của Đức Chúa Trời với toàn thể nhân loại. Vì vậy, chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Y-sơ-ra-ên và chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Hội thánh đều là một phần công việc của mục đích Ngài trong vòng con người nói chung. Tất nhiên, điều này không có ý nói rằng cả hai chương trình có ý nghĩa rất ít. Như nhiều nhà bình luật đã lưu ý rằng có nhiều chỗ trong Kinh thánh có liên quan đến chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Y-sơ-ra-ên và Hội thánh hơn bất kì mối liên hệ nào khác của Đức Chúa Trời!
Trong Sáng thế ký đoạn 12, Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham rằng ông sẽ là cha của một dân lớn (dân Do Thái), dân Do Thái sẽ sở hữu một vùng đất, dân này sẽ được phước hơn tất cả những dân tộc khác, và mọi dân khác sẽ nhờ dân Y-sơ-ra-ên mà được phước. Vậy, ngay từ ban đầu Đức Chúa Trời đã bày tỏ rằng dân Y-sơ-ra-ên sẽ là tuyển dân của Ngài trên đất, nhưng sự ban phước của Ngài không chỉ giới hạn dành riêng cho họ. Ga-la-ti 3:14 cho biết bản chất của phước lành đến với mọi dân tộc khác: “Hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho”. Mọi dân tộc trên thế gian đều được phước nhờ dân Y-sơ-ra-ên, bởi Đấng Cứu Thế của thế gian đã đến.
Kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời được xây dựng dựa trên công việc đã hoàn tất của Chúa Giê-xu Christ, một hậu duệ của Đa-vít và Áp-ra-ham. Nhưng sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá là đủ dành cho tội lỗi của toàn thế giới chứ không chỉ của dân Do Thái! Ga-la-ti 3:6-8 nói rằng, “Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người, vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham. Kinh thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: ‘Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước’”. Cuối cùng, Ga-la-ti 3:29 nói rằng, “Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa”. Nói cách khác, trong Đấng Christ, các tín đồ được kể là công bình bởi đức tin giống như Áp-ra-ham vậy (Ga-la-ti 3:6-8). Nếu chúng ta ở trong Đấng Christ, thì chúng ta là những người dự phần trong sự ban phước của dân Y-sơ-ra-ên và mọi dân tộc trong công cuộc cứu chuộc của Đấng Christ. Các tín đồ trở thành con cháu thuộc linh của Áp-ra-ham. Những người tin Chúa không trở thành người Do Thái thuộc thể, nhưng họ có thể hưởng cùng một loại phước lành và đặc ân như người Do Thái.
Bây giờ, điều này không mâu thuẫn hay hủy bỏ sự mặc khải được đưa ra trong Cựu Ước. Những lời hứa của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước vẫn còn có giá trị, và mối liên hệ của Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên là một tuyển dân cho thấy công việc của Đấng Christ là Đấng cứu chuộc của cả thế giới. Luật của Môi-se vẫn còn bắt buộc dành cho mọi người Do Thái chưa tiếp nhận Đấng Christ là Đấng Mê-si-a của họ. Chúa Giê-xu đã làm điều mà họ không thể làm được đó là làm trọn Luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17). Là những tín đồ Tân Ước, chúng ta không còn ở dưới sự rủa sả của Luật pháp (Ga-la-ti 3:13), bởi vì Đấng Christ đã mặc lấy sự rủa đó cho chính Ngài trên thập tự giá. Luật pháp phục vụ cho hai mục đích: chỉ ra tội lỗi và sự bất lực của con người (dựa trên công đức của mình) để làm bất cứ điều gì về nó, và chỉ chúng ta đến với Đấng Christ, là Đấng đã làm trọn Luật pháp. Sự chết của Ngài trên thập tự giá hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu hoàn hảo công chính của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:48; Rô-ma 3:24-26; 2 Cô-rinh-tô 5:21; 1 Phi-e-rơ 1:18-19).
Những lời hứa vô điều kiện của Đức Chúa Trời không bị mất hiệu lực bởi sự bất tín của con người. Không có điều gì chúng ta làm mà lại gây ngạc nhiên cho Đức Chúa Trời, và Ngài cũng không cần điều chỉnh những kế hoạch của Ngài theo cách mà chúng ta cư xử. Không, vì Đức Chúa Trời tể trị trên muôn loài vạn vật từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, và điều mà Ngài đã định trước cho cả Y-sơ-ra-ên và Hội thánh sẽ đến bất chấp hoàn cảnh. Rô-ma 3:3-4 giải thích rằng sự vô tín của Y-sơ-ra-ên sẽ không làm mất đi những lời hứa của Ngài dành cho họ: “Mà làm sao! Nếu một vài người trong bọn họ không thành tín, thì sự không thành tín của họ có làm cho sự thành tín của Đức Chúa Trời ra hư không sao? Chẳng hề như vậy! Thà xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả dối, như có chép rằng: ‘Ấy vậy Chúa sẽ được xưng công bình trong lời phán của Ngài, và sẽ được thắng khi chịu xét đoán’”.
Những lời đã hứa dành cho Y-sơ-ra-ên vẫn sẽ còn giữ trong tương lai. Chúng ta có thể chắc chắn rằng mọi điều Đức Chúa Trời đã nói là thật và sẽ xảy ra, bởi vì bản tính và sự kiên định của Ngài. Hội thánh không thay thế cho Y-sơ-ra-ên và cũng không nên mong đợi sự ứng nghiệm tượng trưng của những lời hứa trong Giao ước cũ khi đọc Kinh thánh, và cần phải tách biệt Y-sơ-ra-ên với Hội thánh.
English
Y-sơ-ra-ên và Hội thánh có giống nhau không?