Câu hỏi
Nếu Chúa Giê-su là sự chuộc tội của chúng ta, tại sao Ngài chết vào Lễ Vượt Qua thay vì ngày Lễ Chuộc Tội?
Trả lời
Mỗi của lễ trong Cựu Ước tượng trưng cho Đấng Christ. Lễ Vượt Qua, hay Lễ Quá Hải, là hình bóng về Chúa Giê-su Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Con chiên dùng cho Lễ Vượt Qua phải là con đực, không tì vết, không một chiếc xương nào bị gãy. Chúa Giê-su đã hoàn thành bức tranh này một cách hoàn hảo. Khi dân Y-sơ-ra-ên bôi huyết con chiên làm sinh tế vì đức tin, ngày nay chúng ta bôi huyết không tì vết của Đấng Christ lên “cột cửa” lòng mình. Bằng tất cả những cách này, “Đấng Christ là con sinh lễ Vượt-qua của chúng ta, đã bị giết” (1 Cô-rinh-tô 5:7).
Đôi khi có một sự phản đối cho rằng của lễ Vượt Qua không được coi là một sự chuộc tội; thay vì thế, sự chuộc tội đã được ban cho người Do Thái qua sự hy sinh vào ngày Yom Kippur (Ngày Lễ Chuộc Tội). Do vậy, Chúa Giê-su, người đã bị giết trong Lễ Vượt Qua và được gọi là "Lễ Vượt Qua của chúng ta" trong Tân Ước, không thể là một sự chuộc tội.
Có hai cách để phản biện sự phản đối này. Đầu tiên chỉ đơn giản là cho thấy Chúa Giê-su cũng đã hoàn thành biểu tượng của Ngày Lễ Chuộc tội như thế nào. Chúa Giê-su đã gánh tội lỗi của chúng ta trong chính thân thể Ngài (1 Phi-e-rơ 2:24) và nếm sự chết thay cho mọi người (Hê-bơ-rơ 2:9). Khi làm như vậy, Ngài đã dâng một sự hy sinh tốt hơn so với Ngày Lễ Chuộc tội (Yom Kippur) — tốt hơn vì sự hy sinh của Đấng Christ là vĩnh viễn, tự nguyện, và không những chỉ che đậy tội lỗi mà còn làm sạch nó hoàn toàn (Hê-bơ-rơ 9: 8-14).
Phản biện thứ hai chỉ ra rằng truyền thống Do Thái thực sự đã xem sự hiến sinh Lễ Vượt Qua như là sự đền tội; nghĩa là, chiên con đã xóa bỏ tội lỗi khỏi quan điểm của Đức Chúa Trời. Chiên con Lễ Vượt Qua đã chết dưới cơn thịnh nộ tuôn đổ của Đức Chúa Trời, do đó che khuất tội lỗi của người dâng nó. Đây là những gì mà Rashi, một nhà bình luận Do Thái thời trung cổ được kính trọng, đã nói: "Ta thấy huyết Lễ Vượt Qua và nâng đỡ các con. . . Ta thương xót các con bằng huyết của Lễ Vượt Qua và huyết cắt bì, và Ta nâng đỡ linh hồn các con" (Ex. R. 15, 35b, 35a).
Trong tai vạ thứ mười và cuối cùng ở Ai Cập, của lễ Vượt Qua đã cứu nhiều người khỏi chết (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:23). dựa trên của lễ chuộc tội là huyết Lễ Vượt Qua mà con đầu lòng được sống. Một lần nữa, Rashi bình luận: “Giống như thể một vị vua nói với các con trai của mình: ‘Các con hãy biết rằng ta xét xử mọi người theo tội tử hình và lên án họ. Vậy hãy dâng cho ta một của lễ để trong trường hợp con bị đưa ra trước tòa án của ta, ta sẽ hủy bỏ những cáo buộc chống lại con.' Vì vậy, Đức Chúa Trời phán với Y-sơ-ra-ên: 'Bây giờ ta quan tâm đến hình phạt tử hình, nhưng ta sẽ cho các con biết ta sẽ thương xót các con như thế nào và vì huyết của Lễ Vượt Qua và huyết cắt bao quy đầu, ta sẽ tha tội các con” (Ex. R. 15.12, trong Xuất Ê-díp-tô ký 12:12-13).
Chiên Con của Lễ Vượt Qua đã mang lại sự chuộc tội cho những gia đình Y-sơ-ra-ên tin Chúa vào đêm báo hiệu sự phán xét và cứu chuộc đó. Rabbi Abraham ibn Ezra cũng liên kết Lễ Vượt Qua với sự chuộc tội: "Dấu huyết được bôi như một sự chuộc tội cho những người trong nhà dự phần của lễ Vượt Qua, và cũng là một dấu hiệu cho thiên sứ hủy diệt đi ngang qua nhà" (Soncino Chumash, trang 388).
Khi Giăng Báp-tít nhìn thấy Đấng Christ, ông chỉ vào Ngài và nói, "Hãy nhìn xem, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian!" (Giăng 1:29). Chúa Giê-su là “Chiên Con Lễ Vượt Qua” ở chỗ Ngài im lặng trước những kẻ tố cáo Ngài (Ê-sai 53:7) và trong cái chết của Ngài đã gánh chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, bảo toàn mạng sống của tất cả những ai tin cậy Ngài và ban tự do cho những kẻ từng làm nô lệ cho tội lỗi.
English
Nếu Chúa Giê-su là sự chuộc tội của chúng ta, tại sao Ngài chết vào Lễ Vượt Qua thay vì ngày Lễ Chuộc Tội?