Câu hỏi
Sự khác biệt giữa luật lễ nghi, luật luân lý và luật tư pháp trong Cựu Ước là gì?
Trả lời
Luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho Môi-se là một bộ hướng dẫn toàn diện để đảm bảo rằng hành vi của dân Y-sơ-ra-ên phản ánh địa vị của họ với tư cách là một dân tộc được Đức Chúa Trời tuyển chọn. Nó bao gồm hành vi đạo đức, vị thế của họ như một tấm gương tin kính cho các dân tộc khác, và hệ thống các thủ tục để bày tỏ ra sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và tội lỗi của con người. Trong một nỗ lực để thông hiểu hơn về mục đích của những luật này, những người Do Thái và tín hữu Cơ Đốc đã phân nhóm chúng. Điều này dẫn đến sự phân biệt giữa luật luân lý, luật lễ nghi và luật tư pháp
Luật luân lý (Luật đạo đức)
Các luật luân lý (luật đạo đức), được gọi là mishpatim, liên quan đến công lý và sự phán xét và thường được dịch là "pháp lệnh". Mishpatim được dựa trên bản chất thánh khiết của Đức Chúa Trời. Theo đó, các pháp lệnh là thiêng liêng, công chính và không thay đổi. Mục đích của các pháp lệnh là để đẩy mạnh phúc lợi của những ai tuân giữ chúng. Giá trị các luật định là hiển nhiên bởi lý tính và lẽ thường. Luật luân lý bao gồm các quy định về công lý, sự tôn kính và hành vi tình dục, và bao gồm cả Mười Điều Răn. Nó cũng bao gồm các hình phạt cho việc không tuân theo các luật định. Luật luân lý không hướng con người đến với Đấng Christ; nó chỉ làm sáng tỏ tình trạng sa ngã của cả nhân loại.
Những Tín hữu Tin lành hiện đại đã không đồng thuận về tính ứng dụng của mishpatim qua thời kỳ của hội thánh. Một số người tin lời khẳng định của Chúa Giê-su rằng luật pháp sẽ có hiệu lực cho đến khi trời đất qua đi (Ma-thi-ơ 5:18) có nghĩa là các tín đồ vẫn bị ràng buộc với luật pháp. Tuy nhiên, những người khác lại hiểu rằng Chúa Giê-su đã làm trọn yêu cầu này (Ma-thi-ơ 5:17), và thay vào đó, chúng ta hiện ở dưới luật pháp của Đấng Christ (Ga-la-ti 6:2), có nghĩa là "yêu kính Chúa và yêu thương người lân cận" (Ma-thi-ơ 22:36-40). Mặc dù nhiều luật luân lý trong Cựu Ước đưa ra những ví dụ tuyệt vời về cách nào để yêu kính Chúa và yêu người lân cận, và sự tự do khỏi luật pháp không có nghĩa là được phép phạm tội (Rô-ma 6:15), nhưng cụ thể chúng ta không bị ràng buộc bởi mishpatim.
Luật lễ Nghi
Các luật lễ nghị được gọi là hukkim hoặc chuqqah trong tiếng Do Thái, với nghĩa đen là “phong tục của quốc gia”; những từ này thường được dịch là "quy chế." Những luật này dường như là để các tín đồ tập chú vào Đức Chúa Trời. Chúng bao gồm những hướng dẫn về việc giành lại vị thế công chính trước mặt Đức Chúa Trời (ví dụ: các của lễ và các lễ nghi khác liên quan đến “sự ô uế”), những kỷ niệm về công việc của Đức Chúa Trời trên Y-sơ-ra-ên (ví dụ: các ngày lễ và lễ hội), các quy định cụ thể nhằm phân biệt người Y-sơ-ra-ên với những người láng giềng ngoại đạo (ví dụ: chế độ ăn uống và những hạn chế về y phục), và những dấu hiệu chỉ về sự hiện đến của Đấng Mê-si (ví dụ: ngày Sa-bát, Lễ Cắt bì, Lễ Vượt Qua và sự chuộc tội con đầu lòng). Một số người Do Thái tin rằng luật lễ nghi không phải là bất biến. Họ cho rằng, khi xã hội phát triển, Đức Chúa Trời cũng sẽ kỳ vọng những người đi theo Ngài cần liên hệ với Ngài ra sao. Quan điểm này không được nói đến trong Kinh Thánh.
Cơ Đốc nhân không bị ràng buộc bởi luật lễ nghi. Vì Hội thánh không phải là quốc gia của Y-sơ-ra-ên nên các lễ kỷ niệm, chẳng hạn như Lễ Các tuần và Lễ Vượt qua, không được áp dụng. Kinh Thánh trong Ga-la-ti 3:23-25 giải thích rằng vì Chúa Giê-su đã đến, nên Cơ Đốc nhân không bị buộc phải hy sinh hay cắt bì. Vẫn còn sự tranh luận trong các hội thánh Tin lành về khả năng áp dụng ngày Sa-bát. Một số người cho rằng việc ngày Sa-bát hiện diện trong Mười Điều Răn khiến nó có tầm quan trọng về luân lý. Những người khác trích dẫn Cô-lô-se 2:16-17 và Rô-ma 14:5 để giải thích rằng Chúa Giê-su đã làm trọn ngày Sa-bát và ngày Sa-bát nên trở thành ngày nghỉ của chúng ta. Như Rô-ma 14:5 chỉ ra rằng, "Ai nấy hãy tin chắc ở trí mình." Tính ứng dụng của luật pháp Cựu Ước trong đời sống của một Cơ Đốc nhân luôn liên quan đến sự hữu ích trong việc yêu kính Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận. Nếu người nào thấy việc tuân thủ ngày Sa-bát giúp đỡ mình trong những điều này, thì người đó được tự do để tuân thủ nó.
Luật Tư pháp / Dân sự
Bản Xưng Tội Westminster bổ sung thêm phạm trù luật tư pháp hoặc dân sự. Những luật định này được ban hành đặc biệt cho nền văn hóa và nơi chốn của dân Y-sơ-ra-ên và bao gồm tất cả các luật luân lý ngoại trừ Mười Điều Răn. Điều này bao gồm mọi thứ, từ việc sát nhân đến sự bồi thường cho một người bị bò húc và trách nhiệm của người đào hố để giải cứu con lừa bị mắc bẫy của người lân cận mình (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12-36). Vì người Do Thái không phân biệt sự khác nhau giữa luân lý do Đức Chúa Trời ấn định và những trách nhiệm thuộc về văn hóa của họ, nên các Cơ Đốc nhân sử dụng nhóm luật này nhiều hơn là các học giả Do Thái.
Việc phân chia luật Do Thái thành các nhóm luật khác nhau là một cấu trúc được thiết lập ra bởi con người nhằm để nhận biết hơn về bản chất của Đức Chúa Trời và để xác định luật định nào mà Cơ Đốc nhân thời đại Hội thánh vẫn cần phải tuân theo. Nhiều người tin rằng luật lễ nghi không thể áp dụng, nhưng chúng ta bị ràng buộc với Mười Điều Răn. Tất cả luật pháp đều có ích cho sự dạy dỗ (2 Ti-mô-thê 3:16), và Kinh Thánh không cho thấy Đức Chúa Trời có ý định phân biệt ra các nhóm luật định. Cơ Đốc nhân không ở dưới luật pháp (Rô-ma 10:4). Chúa Giê-su đã làm trọn luật pháp, do đó sự khác biệt giữa người Do Thái và dân ngoại đã được xóa bỏ, “Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài, và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:15-16).
English
Sự khác biệt giữa luật lễ nghi, luật luân lý và luật tư pháp trong Cựu Ước là gì?