settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về cách thức tìm mục đích cuộc sống?

Trả lời


Kinh Thánh nói rất rõ về mục đích cuộc sống. Các nhân vật trong cả Cựu Ước và Tân Ước đều tìm kiếm và khám phá mục đích cuộc sống. Sô-lô-môn, người khôn ngoan nhất từng sống, khám phá ra sự hư không của cuộc sống khi mà nó chỉ nằm trong phạm vi của đời sống trên đất này. Trong lời kết của sách Truyền Đạo, ông viết rằng: “Lời kết luận cho tất cả những gì đã nghe trên đây là: hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tuân giữ các điều răn của Ngài, đó là phận sự của con người. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem ra xét xử mọi việc, kể cả những việc kín giấu, dù thiện hay ác.” (Truyền Đạo 12:13-14). Sô-lô-môn cho rằng tất cả ý nghĩa cuộc sống là làm rạng danh Chúa với ý nghĩ và cuộc đời của chúng ta và giữ các điều răn của Ngài, bởi vì sẽ có một ngày chúng ta sẽ chịu phán xét trước mặt Ngài. Một phần của mục đích cuộc sống là kính sợ và vâng lời Ngài.

Một phần khác của mục đích chúng ta là thấy được viễn cảnh cuộc sống trên đất này. Khác với những kẻ chỉ biết tập trung vào cuộc sống này, Vua Đa-vít tìm kiếm sự thỏa lòng nơi tương lai. Ông nói “Nhưng con sẽ nhờ sự công chính của Chúa ban mà thấy mặt Chúa; khi con tỉnh thức, con sẽ thỏa nguyện, vì được chiêm ngưỡng hình dạng Ngài.” (Thi Thiên 17:15). Đối với Đa-vít, sự thỏa lòng trọn vẹn đến trong ngày ông tỉnh thức (ở cuộc sống tiếp theo), chiêm ngưỡng Chúa (thông công với Ngài) và được như Ngài (1 Giăng 3:2).

Trong Thi Thiên 73, A-sáp nói về việc ông đã bị lôi cuốn như thế nào vào sự ghen tị những kẻ ác sống nhàn nhã, dường như không phải lo lắng gì. Chúng xây dựng gia tài trên lưng những kẻ chúng lợi dụng. Nhưng sau đó, A-sáp suy xét đến kết cục sau cùng của chúng. Trái lại những gì mà những kẻ ác tìm kiếm, A-sáp nói trong câu 25 rằng điều quan trọng với ông là: “Ở trên trời con có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất con chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa.” Đối với A-sáp, mối quan hệ với Chúa là quan trọng hơn tất cả trong cuộc sống này. Ngoài mối quan hệ đó ra, cuộc sống thiếu đi mục đích.

Sứ đồ Phao-lô nói về tất cả những thành quả mà ông đạt được trước khi ông đối diện với Chúa Giê-xu sống lại, và ông kết luận rằng tất cả những thứ đó giống như là một đống phân khi đem so sánh với sự vượt trội của việc biết Chúa Giê-xu. Trong Phi-líp 3:9-10, Phao-lô nói rằng ông không muốn gì hơn việc biết Đấng Christ và được “tìm thấy trong Ngài”, có được sự công chính của Ngài và sống với niềm tin nơi Ngài, kể cả điều đó có nghĩa là chịu đau khổ và chết. Mục đích của Phao-lô là biết Đấng Christ, có được sự công chính thông qua niềm tin nơi Ngài, và sống trong mối tương giao với Ngài, kể cả khi điều đó mang lại sự đau khổ chịu đựng (2 Ti-mô-thê 3:12). Mục đích sau cùng là ông hướng về lúc ông nằm trong số những người “sống lại từ cõi chết.”

Mục đích cuộc sống của chúng ta, như là khi Đức Chúa Trời tạo ra con người là 1) tôn vinh Chúa và tận hưởng việc thông công với Ngài, 2) có mối quan hệ tốt với người khác, 3) làm việc, và 4) quản trị trái đất. Nhưng khi con người phạm tội, mối thông công với Đức Chúa Trời bị cắt đứt, quan hệ giữa người với người trở nên méo mó, công việc có vẻ như luôn luôn chán nản, và con người phải đấu tranh để gìn giữ quyền quản trị thiên nhiên. Chỉ khi thiết lập lại mối thông công với Đức Chúa Trời, thông qua niềm tin nơi Đức Chúa Giê-xu, thì mục đích cuộc sống mới được tìm lại.

Mục đích cuộc sống của con người là tôn vinh Đức Chúa Trời và tận hưởng Ngài mãi mãi. Chúng ta tôn vinh Chúa khi chúng ta kính sợ và vâng lời Ngài, giữ cho lòng hướng đến thiên đàng, và được biết Ngài một cách thân mật. Chúng ta tận hưởng Ngài khi chúng ta làm theo mục đích mà Ngài đặt cho cuộc đời chúng ta, và nó giúp chúng ta có thể trải nghiệm một sự vui sướng thật sự và lâu dài – một cuộc sống dư dật mà Chúa muốn dành cho chúng ta.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về cách thức tìm mục đích cuộc sống?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries