Câu hỏi
Người Phi-li-tin là ai?
Trả lời
Người Phi-li-tin (Philistine) là một dân tộc hung hăng và hiếu chiến, họ đã chiếm đóng một phần phía tây nam Pa-lét-tin giữa Địa Trung Hải và sông Giô-đanh. Cái tên “Phi-li-tin” bắt nguồn từ chữ Philistia trong tiếng Hê-bơ-rơ, và được chuyển ngữ trong cách của tiếng Hy Lạp, là palaistinei, cho chúng ta cái tên hiện đại là “Palestine”. Những người Phi-li-tin được tìm thấy lần đầu tiên được ghi nhận trong Kinh Thánh là qua Dòng Dõi Các Dân Tộc, một danh sách những người tộc trưởng của bảy mươi quốc gia có nguồn gốc đi ra từ thời Nô-ê (Sáng thế ký 10:14). Người ta cho rằng người Phi-li-tin có nguồn gốc người Cáp-tô, là tên trong tiếng Hê-bơ-rơ của đảo Cơ-rết và toàn bộ vùng Ê-giê Địa Trung Hải (A-mốt 9:7; Giê-rê-mi 47:4). Dù nguyên cớ không rõ ràng, họ đã di cư từ vùng đó đến bờ biển Địa Trung Hải gần Ga-xa. Vì lịch sử hàng hải của họ, người Phi-li-tin thường được biết đến là “dân tộc trên biển”. Kinh Thánh ghi lại rằng người Phi-li-tin đã tiếp xúc với cả Áp-ra-ham và Y-sác rất sớm từ năm 2000 trước Công nguyên (Sáng thế ký 21:32, 34; 26:1, 8).
Sau sự liên đới giữa Y-sác với người Phi-li-tin (Sáng thế ký 26:18), lần tiếp theo họ được nhắc đến trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký ngay sau khi dân Y-sơ-ra-ên băng qua Biển Đỏ: “Khi Pha-ra-ôn tha dân Y-sơ-ra-ên đi, Đức Chúa Trời không dẫn dân ấy đi theo đường về xứ Phi-li-tin, là đường gần hơn hết, vì Ngài nói rằng: E khi dân thấy trận-mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng.’” (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:17).
“Con đường xuyên qua xứ Phi-li-tin” ám chỉ một tuyến đường sau này được gọi là Via Maris hay “Con đường Biển”, một trong ba tuyến đường thương mại chính tại Y-sơ-ra-ên xưa. Con đường ven biển này kết nối đồng bằng sông Nile với Ca-na-an và Syria và xa hơn nữa, vào khu vực Lưỡng Hà ở tây nam châu Á.
Cựu ước chỉ ra rằng vào khoảng thế kỷ 13 trước Công nguyên, vào thời của Sa-mu-ên và Sam-sôn, người Phi-li-tin đã di chuyển vào đất liền từ bờ biển Ca-na-an. Ở đó, họ xây dựng nền văn minh của mình chủ yếu ở năm thành phố: Ga-xa, Ách-ca-lôn, Ách-đốt, Gát và Éc-rôn (Giô-suê 13:3). Mỗi thành phố này được cai trị bởi một “vua” hoặc “chúa” (từ seren trong tiếng Do Thái, cũng được dịch là “bạo chúa”). Những vị vua này dường như đã thành lập một liên minh bình đẳng. Mỗi vị vua giữ quyền kiểm soát độc lập đối với thành phố của mình, chẳng hạn như khi A-kích, vua của Gát, đối xử với Đa-vít (1 Sa-mu-ên 27:5-7), nhưng họ đã phối hợp với nhau trong giai đoạn cấp bách của quốc gia (Các Quan Xét 16:5).
Ngay từ đầu, dân Phi-li-tin vừa là đồng minh hoặc cũng là kẻ thù truyền kiếp của dân sự Đức Chúa Trời. Họ đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc đời của Sam-sôn (Các quan xét 13:1; 14:1), Sa-mu-ên (1 Sa-mu-ên 4:1), Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 13:4) và Đa-vít (1 Sa-mu-ên 17:23).
Người Philistines được biết đến với việc sử dụng sắt sáng tạo, vượt trội hơn với cách người Y-sơ-ra-ên sử dụng đồng để làm vũ khí và dụng cụ. Thậm chí vào thời Sau-lơ (1050 - 1010 TCN), dân Y-sơ-ra-ên buộc phải dựa vào người Phi-li-tin để mài hoặc sửa chữa các công cụ bằng sắt của họ (1 Sa-mu-ên 13:19-21). Với vũ khí tối tân hơn và chính sách quân sự hiếu chiến, người Phi-li-tin liên tục cản trở sự phát triển của Y-sơ-ra-ên với tư cách là một quốc gia. Trong gần 200 năm, người Phi-li-tin quấy rối và áp bức dân Y-sơ-ra-ên, thường xuyên xâm chiếm lãnh thổ của Y-sơ-ra-ên. Con cái Y-sơ-ra-ên rõ ràng không thể đối phó với sức mạnh quân sự áp đảo của người Phi-li-tin. Điều này chỉ kết thúc khi Sa-mu-ên và sau đó là Đa-vít, nhờ sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, đã có thể đánh bại quân Phi-li-tin (1 Sa-mu-ên 7:12-14; 2 Sa-mu-ên 5:22-25).
Cựu Ước chỉ ra rằng người Phi-li-tin thờ ba vị thần: Át-tạt-tê, Đa-gôn và Ba-anh-Xê-bun—mỗi thần đều có đền thờ ở nhiều thành phố khác nhau (Các Quan Xét 16:23; 1 Sa-mu-ên 31:10; 2 Các Vua 1:2). Các phát hiện khảo cổ học cho thấy binh lính Phi-li-tin mang tượng các thần của họ ra trận (2 Sa-mu-ên 5:21). Rõ ràng, họ cũng là một dân tộc mê tín, nhưng tôn trọng sức mạnh của hòm giao ước của Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 5:1-12).
Người Phi-li-tin khét tiếng về việc sản xuất và tiêu thụ thức uống có cồn, đặc biệt là bia. Tàn tích của người Phi-li-tin cổ đại có nhiều nhà máy bia và nhà máy rượu vang, cũng như vô số ca uống bia và các đồ uống khác. Tiệc cưới của Sam-sôn, được ghi lại trong sách Các quan xét, minh họa cho tục lệ tổ chức tiệc rượu kéo dài cả tuần của người Phi-li-tin; từ misteh trong tiếng Hê-bơ-rơ, được dịch là “lễ” trong Các Quan Xét 14:10, có nghĩa là “tiệc uống rượu”.
Dân Y-sơ-ra-ên thường gọi dân Phi-li-tin là “những kẻ không cắt bì” (Các Quan Xét 15:18; 1 Sa-mu-ên 14:6; 2 Sa-mu-ên 1:20), nghĩa là vào thời đó, cho những ai không có mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Họ không phải là những người được Đức Chúa Trời chọn và phải tuyệt đối tránh xa như một tội ác gây ô nhiễm.
Ngày nay, từ philistine được sử dụng như một biệt danh để chỉ một người không tinh tế, buồn tẻ. Thật ra, dân Phi-li-tin trong lịch sử không phải là người kém hiểu biết hay thiếu văn hóa. Họ là một dân tộc đi biển tiên phong, trong nhiều thế hệ, đã đi trước dân Y-sơ-ra-ên nhiều năm.
Ngoại trừ Giê-rê-mi chương 47, có rất ít tài liệu tiên tri đề cập đến người Phi-li-tin. Cuối cùng, người Phi-li-tin bị đồng hóa vào nền văn hóa Ca-na-an. Sau rốt, họ hoàn toàn biến mất khỏi ghi chép trong Kinh Thánh và lịch sử, để lại đằng sau cái tên “Palestine” như một bằng chứng về sự tồn tại của họ.
English
Người Phi-li-tin là ai?