settings icon
share icon
Câu hỏi

Phong trào Nguồn Cội Tiếng Hebrew (ngôn ngứ Do Thái cổ) là gì?

Trả lời


Tiền đề của phong trào Nguồn Cội Tiếng Hebrew (Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ Do Thái cổ) là niềm tin rằng Giáo hội đã khác xa với những lời dạy chân chính và đặc tính ngôn ngữ Hebrew (Do Thái cổ) của Kinh Thánh. Phong trào cho rằng Cơ Đốc giáo đã được truyền bá văn hóa và tín ngưỡng của triết học Hy Lạp và La Mã và cuối cùng Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh, được giảng dạy trong các hội thánh ngày nay, đã bị biến chất với sự bắt chước ngoại giáo của các Phúc âm Tân Ước.

Những người theo phong trào Nguồn Cội Tiếng Hebrew tin rằng sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá không đặt dấu chấm hết cho Giao Ước của Môi-se, mà thay vào đó đã làm mới giao ước này, mở rộng phạm vi thông điệp của nó, và viết giao ước ấy lên tấm lòng của những tín hữu thực thụ. Họ dạy rằng sự hiểu biết về Tân Ước chỉ có thể đến từ quan điểm của người Hê-bơ-rơ và những lời dạy của Sứ đồ Phao-lô không được các mục sư Cơ Đốc giáo ngày nay hiểu rõ ràng hoặc dạy một cách chính xác. Nhiều người khẳng định sự tồn tại của một Tân Ước gốc bằng tiếng Do Thái và trong một số trường hợp, họ gièm pha văn bản Tân Ước hiện có được viết bằng tiếng Hy Lạp. Điều này trở thành một cuộc tấn công tinh vi vào độ tin cậy của văn bản Kinh Thánh của chúng ta. Nếu văn bản tiếng Hy Lạp không đáng tin cậy và đã bị hư hỏng, như một số người buộc tội, thì Giáo hội không còn có tiêu chuẩn về chân lý nữa.

Mặc dù có nhiều hội nhóm Nguồn Cội Tiếng Hebrew khác nhau và đa dạng với các biến thể trong giáo lý của họ, nhưng tất cả đều tuân theo một điểm nhấn chung là khôi phục tính "nguồn cội" Do Thái của Cơ Đốc giáo. Giả định của họ là Giáo hội đã mất gốc Do Thái và không biết rằng Chúa Giê-su và các môn đồ của Ngài là những người Do Thái sống tuân theo Ngũ Kinh. Hầu hết những người theo phong trào này ủng hộ việc người tin Chúa phải sống đúng theo luật pháp Môi-se. Điều này đồng nghĩa các điều lệ trong Giao Ước Môi-se phải là trọng tâm trong cách sống của tín hữu ngày nay, giống như cách người Y-sơ-ra-ên sống trong thời kỳ Cựu Ước ngày xưa vậy. Giữ theo Ngũ Kinh (luật pháp Môi-se) bao gồm việc giữ lễ Sa-bát vào ngày thứ bảy trong tuần lễ, tổ chức những bữa tiệc và lễ hội của người Do Thái, giữ theo luật ăn uống tinh sạch, tránh những “tà giáo” của Cơ Đốc Giáo (Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, v.v..), và học cách hiểu Kinh Thánh theo tư duy của người Do Thái. Họ dạy rằng những tín hữu ngoại quốc đã được gắn kết vào Y-sơ-ra-ên, và đó là một trong những lý do mà những người được tái sinh trong Chúa Giê-su, Đấng Mê-si cần phải tham gia thực hiện các nghi lễ này. Họ giải thích rằng sự đòi hỏi này không phải đến từ những ràng buộc về luật pháp, mà phát xuất từ tấm lòng yêu mến và vâng lời. Tuy nhiên, họ cũng dạy rằng để sống một cuộc đời đẹp lòng Đức Chúa Trời thì phải tuân theo Ngũ Kinh trong đời sống hằng ngày.

Phần lớn thành viên của các hội Nguồn Cội Tiếng Do Thái cổ là người ngoại quốc, trong đó có các Ra-bi (giáo sĩ) ngoại quốc. Họ thường muốn được gọi là “Cơ Đốc nhân Đấng Mê-si”. Nhiều người đã kết luận rằng họ được Đức Chúa Trời “gọi” họ để trở thành người Do Thái và đã chấp nhận quan điểm thần học rằng Ngũ Kinh (luật pháp Cựu Ước) có cùng tính chất bắt buộc đối với người Do Thái cũng như người ngoại quốc. Họ thường đeo những phụ kiện truyền thống của trang phục Do Thái, tập theo điệu nhảy của Đa-vít, đồng thời kết hợp các tên và cụm từ tiếng Do Thái vào bài viết và cuộc trò chuyện của họ. Phần lớn họ từ chối sử dụng danh “Jesus” (phổ biến trong tiếng Anh) và thích dùng danh Yeshua hay YHWH để thay thế. Họ cho rằng đó mới chính là những tên gọi “thật” mà Đức Chúa Trời mong muốn cho chính Ngài. Trong hầu hết các trường hợp, họ nâng Ngũ Kinh lên làm giáo lý nền tảng cho Giáo hội, điều này dẫn đến việc loại bỏ Kinh Thánh Tân Ước, khiến Tân Ước trở nên thứ yếu và chỉ được hiểu dưới ánh sáng của Kinh Thánh Cựu Ước. Quan niệm rằng Tân Ước bị lỗi và chỉ có giá trị khi được Cựu Ước soi sáng cũng đã trở thành sự công kích đối với giáo lý Ba Ngôi bởi những người đại diện cho niềm tin của Nguồn Cội Tiếng Hebrew.

Trái ngược với những gì phong trào Nguồn Cội Tiếng Hebrew tuyên bố, lời dạy của sứ đồ Phao-lô trong Tân Ước là rất rõ ràng và dễ hiểu. Cô-lô-se 2:16-17 chép rằng: “Vì thế, đừng để ai xét đoán anh em về đồ ăn, thức uống, về ngày lễ, ngày trăng mới, hoặc ngày sa-bát; Những điều nầy chỉ là bóng của những gì sắp đến, còn hình thật là Đấng Christ.” Rô-ma 14:5 khẳng định: “Người nầy cho rằng ngày nầy tốt hơn ngày kia, còn người khác thì coi mọi ngày đều như nhau; mỗi người hãy tin chắc ở trí mình.” Kinh Thánh chỉ định rõ rằng những vấn đề này tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi cá nhân. Những câu Kinh Thánh này và nhiều câu khác đưa ra bằng chứng rõ ràng rằng Luật Pháp Môi-se và các điều lệ kèm theo nó đã chấm dứt. Việc tiếp tục dạy dỗ rằng Giao Ước Cũ vẫn còn hiệu lực bất chấp những giáo lý của Tân Ước, hay việc bẻ cong Tân Ước để cho phù hợp với niềm tin của Nguồn Cội Tiếng Hebrew, là hoàn toàn sai trật.

Vẫn có vài điểm trong lời dạy của Nguồn Cội Tiếng Hebrew có thể trở nên hữu ích. Việc tìm hiểu về văn hóa và quan điểm của người Do Thái, trong đó phần lớn được viết ra Kinh Thánh, sẽ giúp mở mang tư duy và làm giàu thêm kiến thức của chúng ta về Kinh Thánh, làm tăng thêm sự thấu hiểu và chiều sâu đối với những phân đoạn Kinh Thánh, những ẩn dụ và thành ngữ. Việc người Do Thái và người ngoại quốc cùng nhau ăn mừng những ngày lễ và thờ phượng theo phong cách Do Thái là không có gì sai. Tham gia vào những sự kiện này cùng với việc học hỏi cách người Do Thái hiểu lời dạy của Chúa chúng ta có thể trở thành một công cụ rất hữu ích để truyền giảng Phúc Âm cho những người Do Thái chưa tin. Tuy nhiên, đồng nhất với Y-sơ-ra-ên không có nghĩa “là” Y-sơ-ra-ên.

Những tín hữu ngoại quốc không được gắn kết vào trong Do Thái Giáo của Giao Ước Môi-se; họ được kết hiệp vào hạt giống đức tin của Áp-ra-ham, vốn đã có từ trước Luật Pháp và phong tục Do Thái. Họ là người đồng quốc với các thánh đồ (Ê-phê-sô 2:19), nhưng họ không phải người Do Thái. Phao-lô giải thích điều này cách rõ ràng khi ông nói rằng những người đã được cắt bì (người Do Thái) “đừng bỏ chứng cứ của sự cắt bì” và những người chưa chịu cắt bì (người ngoại quốc) thì “đừng tìm kiếm sự cắt bì” (I Cô-rinh-tô 7:18). Trong cả hai người, không ai phải cố gắng thay đổi để trở nên giống người kia. Thay vào đó, Đức Chúa Trời đã kết hiệp cả người Do Thái lẫn người ngoại quốc lại thành một “con người mới” trong Đức Chúa Giê-su (Ê-phê-sô 2:15). “Con người mới” này ý chỉ về Hội Thánh, là thân thể của Đấng Christ, được làm thành từ cả người Do Thái lẫn dân ngoại (Ga-la-ti 3:27-29). Việc người Do Thái lẫn người ngoại quốc giữ vững danh tính của mình là rất quan trọng, vì qua đó, bức tranh rõ ràng về sự hiệp một trong thân Đấng Christ có thể được nhìn thấy. Trong bức tranh ấy, người Do Thái và người ngoại được hiệp nhất trong một Đức Chúa Trời, một đức tin, một phép Báp-têm. Nếu người ngoại quốc được kết hiệp vào trong dân Y-sơ-ra-ên và trở thành người Do Thái, thì mục đích của bức tranh hiệp nhất Do Thái – ngoại quốc trong con người mới sẽ bị mất đi. Đức Chúa Trời chưa bao giờ có ý định cho người ngoại quốc trở nên giống người Y-sơ-ra-ên, nhưng phải trở nên giống Đấng Christ.

Ảnh hưởng của phong trào này len lỏi vào trong các hội thánh và học viện của chúng ta. Sự nguy hiểm của nó ẩn chứa trong hàm ý rằng giữ theo luật pháp Cựu Ước là đi theo một “con đường cao quý hơn”, và đó là cách duy nhất để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hầu được phước từ nơi Ngài. Không chỗ nào trong Kinh Thánh dạy các tín hữu ngoại quốc phải vâng theo luật pháp Lê-vi Ký hay phong tục Do Thái; thực chất là ngược lại như vậy. Rô-ma 7:6 chép rằng: “Nhưng bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi luật pháp, đã chết đối với điều đã giam cầm chúng ta, để chúng ta phục vụ theo cách mới của Thánh Linh, chứ không theo cách cũ của văn tự nữa.” Đấng Christ đã tuân giữ một cách hoàn hảo tất cả mọi điều lệ, và qua đó Ngài làm trọn luật pháp Môi-se. Cũng như việc hoàn tất chi trả cho một căn nhà sẽ chấm dứt hợp đồng mua bán của một người, thì Đấng Christ cũng đã trả xong món nợ đối với luật pháp, và thay cho chúng ta chấm dứt sự ràng buộc với nó.

Chính Đức Chúa Trời đã tạo dựng ra thế giới với những nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống khác nhau. Danh Chúa được tôn vinh khi chúng ta chấp nhận nhau trong tình yêu thương và hiệp làm “một” trong Chúa Giê-su Christ. Điều quan trọng cần phải hiểu rằng không có ưu thế nào khi sinh ra là người Do Thái hay người ngoại quốc. Cộng đồng những người tin theo Đấng Christ được hợp thành từ nhiều nền văn hóa và lối sống khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều có cùng giá trị và được yêu thương nhiều, vì chúng ta thảy đều đã bước vào trong gia đình lớn của Đức Chúa Trời.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Phong trào Nguồn Cội Tiếng Hebrew (ngôn ngứ Do Thái cổ) là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries