Câu hỏi
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Ê-tiên?
Trả lời
Công vụ 6:5 giới thiệu một người thành tín của Đức Chúa Trời tên là Ê-tiên: “một người đầy đức tin và Đức Thánh Linh”. Đáng chú ý là luôn có những tín đồ trung thành mà tình yêu và sự cam kết với Chúa dường như tỏa sáng đến mức những người xung quanh họ cũng chú ý đến, và Ê-tiên là một người như vậy. Không có thông tin gì về cuộc sống cá nhân của Ê-tiên - cha mẹ, anh chị em của ông, hoặc liệu ông có vợ con hay không; tuy nhiên, những gì được biết về ông mới là điều thực sự quan trọng. Ông luôn thành tín ngay cả khi phải đối mặt với cái chết.
Ê-tiên là một trong bảy người được chọn để chịu trách nhiệm cấp phát lương thực cho các góa phụ trong hội thánh đầu tiên sau khi xảy ra tranh chấp và các sứ đồ nhận ra rằng họ cần được giúp đỡ. Ông cũng “được đầy ân sủng và quyền năng của Đức Chúa Trời, làm những phép lạ và dấu lạ lớn lao giữa dân” (Công vụ 6:8). Sự chống đối nảy sinh, nhưng những người tranh luận với Ê-tiên không sánh được với sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh ban cho ông. Vì vậy, họ quyết định buộc tội Ê-tiên một cách gian dối, gán cho ông đã nói những lời phạm đến nơi thánh và Luật Pháp và bắt ông (Công vụ 6:11-14).
Công vụ 7 đã tường thuật lại lời chứng của Ê-tiên, có lẽ là lịch sử chi tiết và ngắn gọn nhất về dân Y-sơ-ra-ên cũng như mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Ê-tiên không quan tâm đến sự sống trên đất của mình, thay vào đó quyết tâm đứng vững về phía Chúa Giê-Su Christ, bất kể hậu quả ra sao. Đức Chúa Trời đã khiến ông nói một cách mạnh dạn, buộc tội dân Y-sơ-ra-ên một cách đúng đắn về việc họ đã không nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-s của họ, chối bỏ và giết chết Ngài, như họ đã sát hại Xa-cha-ri, các tiên tri và những người trung thành khác trong suốt các thế hệ của họ. Bài phát biểu của Ê-tiên là một bản cáo trạng chống lại dân Y-sơ-ra-ên và sự thất bại của họ với tư cách là tuyển dân của Đức Chúa Trời, những người đã được ban cho luật pháp, những điều thánh và lời hứa về Đấng Mê-si. Đương nhiên, những lời buộc tội này dù đúng nhưng lại không được người Do Thái đón nhận.
Trong bài phát biểu của mình, Ê-tiên nhắc nhở họ về tổ phụ đức tin của họ, Áp-ra-ham, và cách Đức Chúa Trời đã dẫn dắt ông từ một vùng đất ngoại giáo đến vùng đất Y-sơ-ra-ên, nơi Ngài đã lập giao ước với ông. Ông nói về cuộc hành trình của dân tộc ông, từ chuyến lưu trú của Giô-sép ở Ai Cập cho đến khi được Môi-se giải cứu 400 năm sau đó. Ông nhớ lại việc Môi-se đã gặp Chúa như thế nào trong hoang mạc Ma-đi-an tại nơi bụi gai cháy, và ông giải thích Đức Chúa Trời đã ban quyền cho Môi-se để dẫn dắt dân Ngài từ việc thờ hình tượng và nô lệ đến tự do và thời gian tươi mới ở Đất Hứa. Trong suốt bài phát biểu của mình, ông liên tục nhắc nhở họ về việc họ liên tục nổi loạn và thờ thần tượng, bất chấp những công việc vĩ đại của Đức Chúa Trời mà họ đã chứng kiến, qua đó buộc tội họ về lịch sử của chính mình, điều này chỉ khiến họ khó chịu cho đến khi họ không muốn nghe thêm nữa.
Luật Môi-se quy định rằng tội phạm thượng đáng bị kết án tử hình, thường là bằng cách ném đá (Dân số 15:30-36). Ngay trước khi những người Do Thái kiêu ngạo, không được cứu chuộc này làm theo hình phạt quy định và bắt đầu ném đá Ê-tiên, Công vụ 7:55-56 ghi lại những giây phút cuối cùng của cuộc đời trên đất của ông, ngay trước khi ông bước qua bức màn giữa trời và đất: “Nhưng người, được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Giê-su đứng bên hữu Đức Chúa Trời; thì người nói rằng: Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Đức Chúa Trời.”
Những lời trong Cô-lô-se 3:2-3 có khả năng được viết về cuộc đời của Ê-tiên, mặc dù chúng có thể áp dụng cho tất cả những người tin Chúa: “Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời.” Cuộc đời của Ê-tiên – và thậm chí hơn thế nữa cái chết của ông – phải là một ví dụ về cách mọi tín hữu nên cố gắng sống: dấn thân cho Chúa ngay cả khi đối mặt với cái chết; trung thành rao giảng Tin Lành cách dạn dĩ; hiểu biết lẽ thật của Đức Chúa Trời; và sẵn lòng để Chúa sử dụng theo kế hoạch và mục đích của Ngài. Lời chứng của Ê-tiên vẫn có giá trị như một ngọn hải đăng, một ánh sáng cho một thế giới hư mất và đang hấp hối, cũng như một lịch sử chính xác về con cháu của Áp-ra-ham.
English
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Ê-tiên?