settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Vua Sau-lơ?

Trả lời


Sau-lơ khởi đầu rất tốt chỉ để thấy những hành động bất tuân sau đó của mình đã làm hỏng những gì lẽ ra có thể là một sự cai trị xuất sắc, tôn vinh Đức Chúa Trời đối với quốc gia Y-sơ-ra-ên. Làm thế nào một người rất gần gũi với Chúa ngay từ đầu lại có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và không được Chúa yêu mến? Để hiểu mọi việc trong cuộc đời Sau-lơ lại trở nên rối rắm như thế nào, chúng ta cần biết đôi điều về chính ông. Vua Sau-lơ là ai và chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời ông?

Cái tên “Sau-lơ,” từ tiếng Do Thái phát âm là Shaw-ool, có nghĩa là “được hỏi”. Sau-lơ là con trai của Kích thuộc chi tộc Bên-gia-min. Sau-lơ xuất thân từ một gia đình giàu có (1 Sa-mu-ên 9:1) và có dáng người cao, ngăm đen, trẻ và lịch sự. Kinh Thánh chép rằng: “Trong dân Y-sơ-ra-ên chẳng ai lịch sự bằng người; người cao hơn cả dân sự từ vai trở lên” (1 Sa-mu-ên 9:2). Ông là người được Đức Chúa Trời chọn để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên bị phân tán, một tập hợp dân với các chi phái không có người lãnh đạo trung tâm nào khác ngoài Đức Chúa Trời và không có chính phủ chính thức. Trong thời điểm khó khăn, các quan trưởng sẽ đứng lên nhưng không bao giờ hợp nhất quyền lực của mười hai chi phái thành một quốc gia. Nhiều năm trước khi Sau-lơ cai trị, tiên tri Sa-mu-ên là nhà lãnh đạo tôn giáo của Y-sơ-ra-ên nhưng không phải là vua. Trên thực tế, Y-sơ-ra-ên được cai trị một cách lỏng lẻo bởi các quan trưởng chủ trì các cuộc tranh chấp trong nước (1 Sa-mu-ên 8). Tuy nhiên, họ không được trang bị để cai trị trong thời chiến. Không quá lời khi nói rằng Sa-mu-ên và Sau-lơ sống trong thời kỳ hỗn loạn. Người Phi-li-tin là kẻ thù không đội trời chung của Y-sơ-ra-ên và chiến tranh nổ ra giữa hai bên khá thường xuyên (1 Sa-mu-ên 4). Vì mối đe dọa thường xuyên của chiến tranh và mong muốn được giống như các quốc gia xung quanh, dân chúng đã ép Sa-mu-ên bổ nhiệm một vị vua để cai trị họ (1 Sa-mu-ên 8:5).

Mặc dù việc dân sự yêu cầu có một vị vua làm Sa-mu-ên không hài lòng nhưng Đức Chúa Trời vẫn cho phép điều đó. Dân Y-sơ-ra-ên đã chối bỏ Đức Chúa Trời làm vua, lìa bỏ Ngài và hầu việc các thần khác (1 Sa-mu-ên 8:6–8). Đức Chúa Trời phán với Sa-mu-ên hãy xức dầu cho một vị vua như dân sự đã yêu cầu, nhưng cũng “chớ quên báo cáo cho chúng nó cách nghiêm trang và tỏ ra cho biết vua cai trị chúng nó đó sẽ đãi chúng nó ra làm sao” (1 Sa-mu-ên 8:9). Vì vậy, nhiệm vụ của Sa-mu-ên là xức dầu cho một vị vua trong dân sự. Sau-lơ được bí mật xức dầu làm vị vua đầu tiên của tất cả các chi tộc Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 10:1) trước khi được công khai lựa chọn theo hình thức rút thăm (1 Sa-mu-ên 10:17–24).

Triều đại của Sau-lơ trên Y-sơ-ra-ên bắt đầu một cách hòa bình vào khoảng năm 1010 trước Công nguyên, nhưng hòa bình không kéo dài. Một trong những sự kiện nổi tiếng nhất trong cuộc đời Sau-lơ là cuộc đối đầu với quân Phi-li-tin tại Thung lũng Ê-la. Tại đây, Gô-li-át đã chế nhạo dân Y-sơ-ra-ên trong bốn mươi ngày cho đến khi một cậu bé chăn cừu tên là Đa-vít giết chết hắn (1 Sa-mu-ên 17). Ngoài sự việc gây sợ hãi và bất an đó, Sau-lơ còn là một nhà lãnh đạo quân sự tài ba. Ông đủ giỏi để sự thống trị của ông được củng cố nhờ chiến thắng tại Gia-be trong xứ Ga-la-át. Là người dự phần vào trong chiến thắng, ông lại được tôn làm vua ở Ghinh-ganh (1 Sa-mu-ên 11:1–15). Ông tiếp tục lãnh đạo đất nước giành được nhiều chiến thắng quân sự hơn nữa khi sự nổi tiếng của ông đạt đến đỉnh cao. Tuy nhiên, một loạt sai lầm nghiêm trọng, bắt đầu bằng việc dâng của lễ thiêu trái phép (1 Sa-mu-ên 13:9–14), đã khiến Sau-lơ bị mất vương quyền. Vòng xoáy đi xuống của Sau-lơ tiếp tục xảy ra khi ông không thể diệt hết dân A-ma-léc và đàn gia súc của họ theo lệnh của Đức Chúa Trời (1 Sa-mu-ên 15:3). Bất chấp mạng lệnh trực tiếp từ Chúa, Sau-lơ dong thứ vua A-ga cùng với việc chẳng giết những con tốt hơn hết trong bầy bò và chiên và giữ lại mọi vật tốt nhất. Sau-lớ cố gắng che đậy hành vi vi phạm của mình bằng cách nói dối Sa-mu-ên nhưng về bản chất là ông đã nói dối Đức Chúa Trời (1 Sa-mu-ên 15). Sự bất tuân này là cọng rơm cuối cùng, vàThần của Đức Giê-hô-va đã lìa khỏi Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 16:14). Sự chia rẽ giữa Đức Chúa Trời và Sau-lơ được cho là một trong những sự việc đáng buồn nhất trong Kinh Thánh.

Trong khi Sau-lơ được phép phục vụ phần đời còn lại của mình với tư cách là vua, ông đã bị một một ác thần khuấy khuất hành hạ và gây ra những cơn điên loạn (1 Sa-mu-ên 16:14–23). Những năm cuối đời của Sau-lơ vô cùng bi thảm khi ông phải chịu đựng những giai đoạn trầm cảm nặng nề. Tuy nhiên, chính một chàng trai trẻ được đưa vào cung điện của vua tên là Đa-vít, đã trở thành người có ảnh hưởng xoa dịu vị vua đang khi gặp khó khăn bằng cách chơi một bản nhạc và tạm thời giúp cho vua khôi phục lại sự tỉnh táo. Vua xem Đa-vít như người thân của mình, nhưng tất cả những điều này đã thay đổi khi Đa-vít trở thành một nhà lãnh đạo quân sự tài giỏi theo đúng nghĩa của mình. Trên thực tế, một bài hát nổi tiếng thời đó là “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn” (1 Sa-mu-ên 18:7). Khi Sau-lơ nhận ra Đức Chúa Trời ở cùng Đa-vít, vua tìm mọi cách giết Đa-vít. Đa-vít đã thành công trong việc trốn tránh vô số âm mưu nhằm vào mạng sống của mình với sự giúp đỡ của con trai nhà vua, Giô-na-than và con gái của vua, Mi-canh.

Những năm cuối đời của Vua Sau-lơ khiến khả năng phục vụ đất nước cũng như vận mệnh cá nhân của ông sa sút. Ông đã dành nhiều thời gian, sức lực và tiền của để cố gắng giết Đa-vít thay vì làm vững chắc những thành quả đạt được từ những chiến thắng trước đó của mình, và vì điều này, dân Phi-li-tin đã cảm nhận được cơ hội cho một chiến thắng lớn trước Y-sơ-ra-ên. Sau cái chết của Sa-mu-ên, quân Phi-li-tin tập hợp lại để chống lại dân Y-sơ-ra-ên. Sau-lơ vô cùng sợ hãi và cố gắng cầu vấn Đức Giê-hô-va; nhưng Đức Giê-hô-va không đáp lời, hoặc bằng chiêm bao, hoặc bằng u-rim, hay là qua các tiên tri. Mặc dù đã loại trừ các đồng-cốt và thầy tà thuật ra khỏi dân sự, nhưng Sau-lơ lại cải trang và đi hỏi thăm một đồng cốt ở Ên-đô-rơ. Ông yêu cầu bà ta hãy cầu vấn Sa-mu-ên. Dường như Đức Chúa Trời đã can thiệp và khiến Sa-mu-ên hiện ra với Sau-lơ. Sa-mu-ên nhắc Sau-lơ về lời tiên tri trước đó rằng vương quốc sẽ bị tước đoạt khỏi ông. Ông nói thêm với Sau-lơ rằng người Phi-li-tin sẽ chinh phục Y-sơ-ra-ên và Sau-lơ cùng các con trai của ông sẽ bị giết (1 Sa-mu-ên 28). Quả thật, người Phi-li-tin đã đánh đuổi dân Y-sơ-ra-ên và giết các con trai của Sau-lơ, kể cả Giô-na-than. Sau-lơ bị thương nặng và yêu cầu người vác binh khí giết ông để quân Phi-li-tin không tra tấn ông. Vì sợ hãi, người vác binh khí của Sau-lơ từ chối nên Sau-lơ đã lấy gươm và sấn mình trên mũi nó. Khi người vác binh khí của Sau-lơ thấy người chết, thì cũng làm như vậy với mình.

Có ba bài học chúng ta có thể học được từ cuộc đời của Vua Sau-lơ. Trước hết, hãy vâng lời Chúa và tìm cách làm theo ý muốn của Ngài. Ngay từ đầu triều đại của mình, Sau-lơ đã có cơ hội hoàn hảo để trở thành sự chuẩn mực cho tất cả các vị vua tương lai. Tất cả những gì ông phải làm là hết lòng tìm kiếm Chúa, tuân theo các điều răn của Đức Chúa Trời và điều chỉnh ý muốn của mình theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sự cai trị của ông sẽ là một sự cai trị tôn vinh Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, giống như rất nhiều người khác, Sau-lơ đã chọn một con đường khác và rời xa Chúa. Chúng ta tìm thấy một ví dụ hoàn hảo về sự bất tuân của ông trong trường hợp Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông giết hết dân A-ma-léc, nhưng Sau-lơ giữ lại vua và một số chiến lợi phẩm. Ha-man người A-ga, người sau này tìm cách giết dân Do Thái (xem sách Ê-xơ-tê), là hậu duệ của vị vua được Sau-lơ tha mạng. Sau-lơ làm phức tạp thêm rắc rối của mình bằng cách nói dối Sa-mu-ên về vụ việc. Ông tuyên bố rằng những người lính đã giữ lại những con vật tốt nhất để dâng lên cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời (1 Sa-mu-ên 15). Hành động này, cùng với nhiều việc làm khác trong suốt thời gian ông cai trị, nhấn mạnh thực tế rằng ông không thể được tin cậy để trở thành một công cụ thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời.

Bài học thứ hai chúng ta học là không lạm dụng quyền lực được trao cho mình. Không nghi ngờ gì nữa, Vua Sau-lơ đã lạm dụng quyền lực mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông. Sự kiêu ngạo thường len lỏi vào tâm hồn chúng ta khi được người khác phục vụ và tôn trọng. Theo thời gian, việc nhận được “sự đối xử như một ngôi sao” có thể khiến chúng ta tin rằng mình thực sự là một điều gì đó đặc biệt và đáng được khen ngợi. Khi điều này xảy ra, chúng ta quên rằng Chúa là Đấng thực sự nắm quyền kiểm soát và chỉ một mình Ngài cai trị tất cả. Có thể Đức Chúa Trời đã chọn Sau-lơ vì ông khiêm nhường, nhưng theo thời gian, sự khiêm nhường đó đã bị thay thế bằng lòng kiêu ngạo, ích kỷ và mang tính hủy diệt đã phá hủy quyền cai trị của ông.

Một bài học khác cho chúng ta là hãy lãnh đạo theo cách Đức Chúa Trời muốn chúng ta lãnh đạo. I Phi-e-rơ 5:2–10 là hướng dẫn cơ bản để lãnh đạo dân sự mà Chúa đã giao cho chúng ta phụ trách: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy. Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo. Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em. Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình. Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho.” Cuộc đời của Sau-lơ sẽ khác biết bao nếu ông tuân theo những nguyên tắc này. Vua Sau-lơ chắc hẳn không thiếu những lời khuyên khôn ngoan dành cho ông. Bằng cách phớt lờ Đức Chúa Trời và lời khuyên khôn ngoan của Ngài, Sau-lơ đã để cho sức khỏe tâm linh của dân sự ông ngày càng sa sút, khiến họ xa lánh Đức Chúa Trời.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Vua Sau-lơ?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries