Câu hỏi
Nói dối có bao giờ đúng không?
Trả lời
Không có một chổ nào trong Kinh Thánh trình bày một trường hợp cho thấy nói dối được xem là điều đúng đắn để làm. Điều răn thứ chín cấm chúng ta nói chứng dối (Xuất Ê-díp-tô-ký 20:16). Châm-ngôn 6:16-19 liệt kê “lưỡi dối trá” và “kẻ làm chứng gian và nói điều dối” là hai trong bảy điều Đức Chúa Trời lấy làm gớm ghiếc. Tình yêu “vui trong lẽ thật” (I Cô-rinh-tô 13:6). Những câu Kinh Thánh khác nói về sự tiêu cực của nói dối, chúng ta có thể xem trong Thi-thiên 119:29, 163; 120:2; Châm-ngôn 12:22; 13:5; Ê-phê-sô 4:25; Cô-lô-se 3:9; và Khải-huyền 21:8. Có rất nhiều ví dụ về lời nói dối trong Kinh Thánh, từ sự lừa dối của Gia-cốp trong Sáng-thế ký 27, đến việc giả vờ nói dối của A-na-nia và Sa-phi-ra trong Công-vụ 5. Hết lần này đến lần khác, chúng ta thấy rằng giả dối dẫn đến sự khốn khổ, mất mát và bị đoán xét.
Có ít nhất hai trường hợp trong Kinh Thánh đề cập việc nói dối tạo ra kết quả thuận lợi. Chẳng hạn như, lời nói dối của các bà mụ Do Thái với Pha-ra-ôn đã dẫn đến việc Đức Chúa Trời ban ơn trên họ (Xuất Ê-díp-tô ký 1:15-21), và nó dường như cứu được mạng sống của rất nhiều đứa trẻ người Do Thái. Một ví du khác về lời nói dối của Ra-háp đã bảo vệ những người người Y-sơ-ra-ên đi do thám xứ trong Giô-suê 2:5. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý rằng Đức Chúa Trời không bao giờ dung túng cho những lời nói dối này. Bất chấp kết quả “tích cực” của những lời nói dối này, Kinh Thánh không có chỗ nào ca ngợi chính những lời nói dối. Không một chổ nào trong Kinh Thánh nói rằng có những trường hợp nói dối là điều đúng cần phải thực hiện. Đồng thời, Kinh Thánh không tuyên bố rằng không có trường hợp nào khả dĩ rằng nói dối là một lựa chọn có thể chấp nhận được.
Câu hỏi đặt ra sau đó vẫn là: có bao giờ nói dối là điều đúng đắn để làm không? Minh hoạ phổ biến nhất cho tình thế tiến thoái lưỡng nan này đến từ cuộc đời của Corrie ten Boom tại Hà Lan trong thời gian nước nhà bị Đức quốc xã chiếm đóng. Cơ bản câu chuyện này là Corrie ten Boom giấu người Do Thái trong nhà của bà để bảo vệ họ khỏi Đức quốc xã. Lính Đức Quốc xã đến nhà và hỏi bà có biết nơi nào có người Do Thái đang ẩn náu không. Bà đã làm gì? Bà có nên nói sự thật và cho phép Đức Quốc xã bắt những người Do Thái mà bà đang cố gắng bảo vệ? Hay là, bà nên nói dối và phủ nhận rằng bà không biết bất cứ điều gì về họ?
Trong một trường hợp như thế này, nơi mà nói dối có thể là cách duy nhất để có thể ngăn chặn một tội ác khủng khiếp, có lẽ nói dối sẽ là một điều có thể chấp nhận được. Trường hợp như vậy sẽ hơi giống với những lời nói dối của các bà mụ người Hê-bơ-rơ và kỵ nữ Ra-háp. Trong một thế giới xấu xa, và trong một tình huống tuyệt vọng, có thể là điều đúng nếu thực hiện một điều ác ít hơn, nói dối, để ngăn chặn một tội ác lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng những trường hợp như vậy là cực kỳ hiếm. Rất có thể phần lớn con người trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống mà nói dối là điều đúng đắn nên làm.
English
Nói dối có bao giờ đúng không?