Câu hỏi
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Sứ đồ Giăng?
Trả lời
Sứ đồ Giăng là tác giả của năm cuốn sách Tân Ước: Phúc âm Giăng, ba thư ngắn cũng mang tên ông (1, 2 và 3 Giăng) và sách Khải Huyền. Giăng là một 1 trong 3 người “thân cận” của Chúa Giê-su, cùng với Phi-e-rơ và Gia-cơ, Giăng được đặc ân chứng kiến cuộc trò chuyện của Chúa Giê-su với Môi-se và Ê-li trên núi hóa hình (Ma-thi-ơ 17:1-9). Tầm quan trọng của ông trong nhóm mười hai đồ ngày càng lớn khi ông trưởng thành, và sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh, ông trở thành “trụ cột” trong hội thánh Giê-ru-sa-lem (Ga-la-ti 2:9), phục vụ cùng Phi-e-rơ (Công vụ 3:1, 4:13, 8:14), và cuối cùng bị người La Mã đày đến đảo Bát-mô, nơi ông nhận được từ Đức Chúa Trời những khải tượng vinh hiển được mô tả trong sách Khải Huyền.
Để không nhầm lẫn với Giăng Báp-tít, Sứ đồ Giăng là anh trai của Gia-cơ, một trong số mười hai môn đồ của Chúa Giê-su. Họ cùng được Chúa Giê-su gọi là “Boanerges”, có nghĩa là “những đứa con của sấm sét”, và từ đó chúng ta tìm thấy chìa khóa về tính cách của Giăng. Cả hai anh em đều có sự đặc điểm là nhiệt huyết, đam mê và tham vọng. Trong những ngày đầu ở với Chúa Giê-su, có lúc Giăng đã hành động hấp tấp, liều lĩnh, nóng nảy và hung hãn. Chúng ta thấy trong Mác 9, Giăng cấm một người nhân danh Chúa Giê-su đuổi quỷ vì người đó không thuộc trong nhóm mười hai môn đồ (Mác 9:38-41). Chúa Giê-su nhẹ nhàng khiển trách ông rằng không ai có thể nhân danh Chúa Giê-su mà trừ quỷ rồi lại quay sang nói xấu Ngài. Trong Lu-ca 9:51-55, chúng ta thấy hai anh em muốn gọi lửa từ trời xuống để tiêu diệt những người Sa-ma-ri không chịu tiếp đón Chúa Giê-su. Một lần nữa, Chúa Giê-su lại phải quở trách họ vì sự không khoan dung và thiếu tình yêu thương thật sự dành cho người hư mất. Lòng nhiệt thành của Giăng đối với Chúa Giê-su cũng bị ảnh hưởng bởi tham vọng tự nhiên của ông, như được thấy trong việc ông yêu cầu (thông qua mẹ của ông) rằng ông và em trai mình được ngồi bên hữu và bên tả của Chúa Giê-su trong vương quốc Ngài, một sự việc gây ra sự rạn nứt giữa hai anh em và các môn đồ khác (Ma-thi-ơ 20:20-24; Mác 10:35-41).
Bất chấp những sự tham vọng sai lầm của tuổi trẻ, Giăng vẫn trưởng thành. Ông bắt đầu hiểu sự cần thiết của sự khiêm nhường từ những người mong muốn trở nên cao trọng. Tin lành Giăng là sách Phúc âm duy nhất ghi lại việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đồ (Giăng 13:1-16). Hành động phục vụ giản đơn của Chúa Giê-su hẳn đã tác động mạnh mẽ đến Giăng. Đến lúc bị đóng đinh, Chúa Giê-su đã có đủ tự tin vào chàng trai trẻ để giao việc chăm sóc mẹ Ngài cho ông, một trọng trách mà Giăng rất coi trọng. Từ đó trở đi, Giăng chăm sóc bà như thể bà là mẹ ruột của ông (Giăng 19:25-27). Lời thỉnh cầu vội vã của Giăng về đặc ân đặc biệt trong vương quốc đã nhường chỗ cho lòng trắc ẩn và sự khiêm nhường vốn là đặc điểm trong chức vụ của cuộc đời ông sau này. Mặc dù vẫn can đảm và dạn dĩ, tham vọng của ông được cân bằng bởi tính khiêm nhường mà ông học được dưới bệ chân Chúa Giê-su.
Việc Giăng sẵn lòng phục vụ người khác và chịu khổ vì Phúc âm hẳn đã giúp ông chịu đựng cảnh tù đày cuối cùng ở Bát-mô, nơi mà theo các nguồn lịch sử đáng tin cậy, ông sống trong một hang động, bị cắt đứt khỏi những người ông yêu thương và bị đối xử tàn ác và bị sỉ nhục. Trong phần mở đầu sách Khải Huyền, cuốn sách mà ông đã nhận được từ Chúa Thánh Linh trong thời gian này, Giăng tự gọi mình là ‘anh em và bạn của các anh em về hoạn nạn, về nước, về sự nhịn nhục trong Đức Chúa Jêsus' (Khải Huyền 1: 9). Ông đã học cách nhìn xa hơn những đau khổ trong thế gian để hướng tới vinh quang thiên đàng đang chờ đợi tất cả những ai kiên nhẫn chịu đựng.
Giăng đã nhiệt tình tận hiến cho việc công bố lẽ thật. Không ai trong Kinh Thánh, ngoại trừ Chúa Giê-su, nói nhiều điều hơn về khái niệm lẽ thật. Niềm vui của ông là công bố lẽ thật cho người khác và nhìn họ bước đi trong lẽ thật (3 Giăng 1:4). Sự lên án mạnh mẽ nhất của ông dành cho những kẻ bóp méo lẽ thật và dẫn dắt người khác lạc lối, đặc biệt nếu họ tự nhận là tín đồ (1 Giăng 2:4). Niềm đam mê chân lý của ông đã thúc đẩy mối quan tâm của ông đối với những con chiên có thể bị các giáo sư giả lừa dối, và những lời cảnh báo của ông về chúng chiếm phần lớn trong sách 1 Giăng. Ông không ngần ngại xác định “tiên tri giả” và “kẻ chống Đấng Christ” là những kẻ cố gắng bóp méo sự thật, thậm chí tuyên bố họ có bản chất ma quỷ (1 Giăng 2:18, 26, 3:7, 4:1-7) .
Đồng thời, Giăng còn được gọi là “môn đồ của tình yêu thương”. Trong Phúc Âm của chính ông viết, ông tự nhận mình là “người được Chúa Giê-su yêu thương” (Giăng 13:23, 20:2, 21:7, 21:20). Ông được miêu tả là người tựa vào ngực Chúa Giê-su trong bữa ăn tối cuối cùng, có thể cũng là một dấu hiệu cho thấy Giăng là người trẻ nhất trong số mười hai sứ đồ. Trong thư đầu tiên, Giăng viết về Đức Chúa Trời là tình yêu thương và tình yêu thương chúng ta dành cho nhau là sự bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta (1 Giăng 3; 4:7-21). Bức thư thứ hai ngắn gọn của ông chứa đầy những bày tỏ tình yêu thương sâu sắc của ông dành cho những người ông chăm sóc. Ông nói với một nhóm tín hữu “là những người tôi yêu mến trong lẽ thật” và khuyến khích họ “yêu thương nhau” bằng cách bước đi vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su (2 Giăng 1:1, 5-6). Giăng nhiều lần xưng hô với độc giả của mình là “người yêu dấu” trong cả 1 Giăng và 3 Giăng.
Cuộc đời của Giăng đã giúp nhắc nhở chúng ta về một số bài học mà chúng ta có thể áp dụng vào cuộc sống của chính mình. Trước hết, lòng nhiệt thành đối với lẽ thật phải luôn được cân bằng bởi tình yêu thương con người. Không có nó, lòng nhiệt thành có thể trở nên khắc nghiệt và phán xét. Ngược lại, tình yêu dồi dào nhưng thiếu khả năng phân biệt lẽ thật và sự sai lạc có thể trở thành cảm tình lai láng. Như Giăng đã học được khi ông trưởng thành, nếu chúng ta nói lẽ chân thật trong tình yêu thương, chúng ta và những người chúng ta tiếp cận “để trong mọi việc đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:15).
Kế đến, sự tự tin và dạn dĩ, không được rèn luyện bởi lòng trắc ẩn và ân điển, có thể nhanh chóng trở thành kiêu ngạo và tự mãn. Tự tin là một đức tính tuyệt vời, nhưng nếu không có sự khiêm nhường, nó có thể trở thành sự tự tin bản thân, dẫn đến khoe khoang và có thái độ độc đoán. Khi điều đó xảy ra, lời chứng của chúng ta về ân điển của Đức Chúa Trời bị hoen ố, và những người khác nhìn thấy nơi chúng ta chính xác là người mà họ không mong muốn trở thành. Giống như Giăng, nếu chúng ta muốn trở thành những chứng nhân hiệu quả cho Đấng Christ, thái độ của chúng ta cần phản ánh lòng yêu mến lẽ thật, lòng trắc ẩn đối với mọi người, mong muốn kiên định phục vụ và đại diện cho Chúa bằng cách thể hiện sự khiêm nhường và ân điển của Ngài.
English
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Sứ đồ Giăng?