settings icon
share icon
Câu hỏi

Lịch sử của hình phạt đóng đinh là gì? Sự đóng đinh diễn ra như thế nào?

Trả lời


Sự đóng đinh được phát minh và sử dụng bởi những dân tộc khác, nhưng nó đã được người La Mã “hoàn thiện” thành quyết định sau cùng để hành quyết với sự tra tấn. Những ghi chép lịch sử sớm nhất về sự đóng đinh được xác định là vào năm 519 TC, khi vua Đa-ri-út I của Ba Tư cho đóng đinh 3000 kẻ thù chính trị của ông tại Ba-bi-lôn. Trước người Ba Tư, dân A-si-ri cũng đã khét tiếng với hình phạt xiên người. Người Hy Lạp và Carthage về sau cũng sử dụng hình phạt đóng đinh. Sau khi đế quốc của Alexander Đại Đế tan rã, hoàng đế Antiochus IV Epiphanes của vương triều Seleucid đã cho đóng đinh 3000 người Do Thái vì không chịu chấp nhận bị Hy Lạp hóa.

Hình phạt đóng đinh có mục đích khuếch đại sự xấu hổ và tra tấn lên nạn nhân một cách đỉnh điểm. Sự đóng đinh của người La Mã được tiến hành nơi công cộng để tất cả mọi người nhìn thấy đều kinh hãi và sờn lòng khi nghĩ đến việc chống lại chính quyền La Mã. Đóng đinh là hình phạt kinh khiếp đến nỗi nó chỉ được dành cho những kẻ tử tội xấu xa nhất.

Người bị đóng đinh trước hết sẽ chịu đánh đòn dã man, một thử thách tự bản thân nó đã có thể gây mất mạng. Sau đó, người đó sẽ bị bắt mang thanh ngang của cây thập tự đi đến địa điểm bị đóng đinh. Sau trận đòn sinh tử, việc mang vác này không những cực kỳ đau đớn mà còn thêm lên sự xấu hổ cho nạn nhân vì họ phải tự mang lấy công cụ sẽ được dùng để tra tấn và đem đến cái chết cho chính mình. Nó chẳng khác nào phải tự đào mồ chôn mình vậy.

Khi nạn nhân đã đến được chỗ đóng đinh, người đó sẽ bị lột trần để gia thêm sự hổ nhục. Sau đó, người đó sẽ bị buộc dang thẳng hai tay trên thanh xà ngang để bị đóng đinh vào. Những chiếc đinh được đóng xuyên qua cổ tay, không phải bàn tay, vì nếu không đinh sẽ xé rách bàn tay. (Vào thời xưa, cổ tay cũng được kể như là một phần của bàn tay.) Việc cố định đinh vào phần cổ tay cũng gây ra đau đớn cực độ vì khi đó chúng sẽ đâm xuyên qua những dây thần kinh lớn chạy qua bàn tay. Thanh ngang sau đó sẽ được nâng lên và cột vào một cây gỗ đứng thường được cắm cố định sau mỗi lần đóng đinh.

Sau khi cố định thanh xà ngang, đội hành quyết cũng sẽ đóng đinh hai bàn chân của nạn nhân vào thập tự giá - thường là một chân đè lên chân còn lại, đinh sẽ được đóng vào phần giữa và vòm của mỗi bàn chân, hai đầu gối hơi gập. Mục đích chính của những chiếc đinh này là để gây thêm đau đớn.

Một khi nạn nhân đã được đóng chặt vào cây gỗ, tất cả trọng lượng của người đó được nâng đỡ bởi ba chiếc đinh, khiến cơn đau chạy khắp cơ thể. Hai cánh tay của nạn nhân bị duỗi căng ra theo tư thế dẫn đến chuột rút, tê liệt cơ ngực, khiến cho việc hít thở trở nên cực kỳ khó khăn nếu không dùng chân để chống đỡ một phần sức nặng cơ thể. Để lấy được hơi thở, nạn nhân phải dùng chân để đẩy người lên. Bên cạnh phải chịu đựng cơn đau tột độ gây ra bởi chiếc đinh đóng vào chân, phần lưng trần của người đó cũng sẽ phải cọ vào bề mặt gồ ghề của thanh gỗ đứng.

Sau khi hít được một hơi thở giải tỏa một phần cơn đau nơi bàn chân, nạn nhân sẽ bắt đầu khuỵu xuống trở lại. Hành động này gây ra áp lực nặng nề lên phần cổ tay và một lần nữa khiến lưng người đó chà xát vào cây gỗ. Tuy nhiên, nạn nhân không thể thở được trong tư thế hạ thấp này nên chẳng bao lâu nữa quá trình tra tấn sẽ lại bắt đầu. Để có thể thở và giảm nhẹ cơn đau từ đinh đóng nơi cổ tay, nạn nhân sẽ phải bất chấp sức nặng đè lên chiếc đinh nơi bàn chân để đẩy người lên cao. Rồi sau đó, để có thể giảm nhẹ cơn đau nơi bàn chân, người đó sẽ phải chuyển sức nặng sang những chiếc đinh nơi cổ tay và lại sụm xuống. Ở cả hai tư thế, sự tra tấn đều rất dữ dội.

Đóng đinh thường dẫn đến cái chết từ từ, đau đớn, cực hình. Một vài nạn nhân có thể phải chịu đựng đến bốn ngày trên thập tự giá. Nguyên nhân tử vong cuối cùng là do ngạt thở khi nạn nhân mất sức để tiếp tục chống chân lên để thở. Để đẩy nhanh cái chết, chân của nạn nhân có thể bị đánh gãy để ngăn chặn việc tiếp tục đẩy người lên và thở; do đó, tình trạng ngạt thở sẽ xảy ra ngay sau đó (xem Giăng 19:32).

Hình phạt đóng đinh cuối cùng đã bị bãi bỏ bởi Hoàng đế La Mã Constantine vào thế kỷ thứ tư.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Lịch sử của hình phạt đóng đinh là gì? Sự đóng đinh diễn ra như thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries