settings icon
share icon
Câu hỏi

Làm thế nào để tôi có thể kinh nghiệm được sự vui mừng trong suốt cuộc đời theo Chúa của tôi?

Trả lời


Sự vui mừng là điều mà tất cả chúng ta đều ao ước có được nhưng dường như rất khó để nắm giữ được. Việc kinh nghiệm sự vui mừng chính là một phần trong đời sống của những Cơ Đốc nhân. Sự vui mừng là một đặc tính của Đức Thánh Linh, chúng ta chỉ có thể vui mừng khi được Chúa làm việc ở trong lòng.

Chúng ta đều biết rằng ngay cả những Cơ đốc nhân nhiệt thành nhất cũng phải trải qua mọi nỗi buồn phiền. Ví dụ, ông Gióp từng mong rằng mình có thể chưa từng được sinh ra (Gióp 3:11). Vua Đa-vít đã cầu nguyện để được trốn đi và không phải đối diện với thực tại (Thi Thiên 55:6-8). Tiên tri Ê-li, ngay sau khi đánh bại 450 tiên tri của thần Ba-anh bằng việc cầu xin Chúa ban lửa từ trời xuống (1 Các Vua 18:16-46), cũng đã phải chạy trốn vào sa mạc và xin Chúa hãy lấy đi sự sống của ông (1 Các Vua 19:3-5). Vậy làm thế nào để chúng ta có thể kinh nghiệm được sự vui mừng trong đời sống theo Chúa của chúng ta?

Điều đầu tiên mà chúng ta có thể nhận ra được là sự vui mừng khác với hạnh phúc. Hạnh phúc thì bất ngờ và chóng qua. Còn vui mừng là thái độ xuất phát từ bên trong tấm lòng. Nguồn gốc của từ vui mừng trong tiếng Hy Lạp là chara, nó cũng gần nghĩa với một từ khác trong tiếng Hy Lạp là charis, nghĩa là “ân điển”. Sự vui mừng vừa là một món quà do Chúa ban cũng vừa là cách để chúng ta bày tỏ mình đang tận hưởng món quà của Ngài. Sự vui mừng sẽ đến khi chúng ta nhận biết được ân điển của Chúa và sự thương xót của Ngài.

Một cách để chúng ta kinh nghiệm sự vui mừng là tập trung tâm trí vào Chúa. Đừng tập trung vào hoàn cảnh khó khăn của chúng ta vì những điều này sẽ cướp mất sự thoả lòng của chúng ta, chúng ta chỉ nên nương cậy Chúa. Tuy nhiên điều này không nói lên rằng chúng ta có thể đẩy lùi sự bất mãn hay những cảm xúc phiền muộn tiêu cực ra khỏi chúng ta. Chúng ta có thể học theo các nhà soạn những bài thánh ca, chúng ta tuôn đổ mọi điều trong tấm lòng với Chúa. Chúng ta có thể thưa với Ngài một cách thẳng thừng mọi thứ đang làm ta khổ sở. Nhưng sau đó chúng ta phải trình dâng những điều này cho Ngài và phải luôn ghi nhớ Ngài là ai trong cuộc sống chúng ta. Thi Thiên 3, 13, 18, 43, và 103 là những minh chứng tốt nhất cho điều này.

Phao-lô cũng viết về sự vui mừng trong sách Phi-líp ngay cả khi ông đang bị giam giữ trong nhà tù. Phi-líp 4:4-8 cho chúng ta một vài hướng dẫn để có thể kinh nghiệm sự vui mừng trong cuộc đời theo Chúa: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi. Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi. Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ. Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” Ở đây chúng ta thấy được sự quan trọng trong lời cầu nguyện với Chúa, hãy nhớ rằng Ngài ở rất gần, hãy nói với Ngài sự lo lắng của chúng ta, và hãy giữ cho tâm trí chúng ta tập trung vào những điều tốt đẹp của Chúa. Chúng ta có thể kinh nghiệm sự vui mừng khi chúng ta tập trung vào lời cầu nguyện với Chúa. Vua Đa-vít cho chúng ta biết, việc học lời Chúa đem đến cho chúng ta sự vui mừng (Thi Thiên 19:8). Chúng ta kinh nghiệm sự vui mừng vì được giao tiếp với Chúa qua lời cầu nguyện. Và chúng ta có thể kinh nghiệm sự vui mừng bằng việc giữ sự tập chú của chúng ta vào những điều thuộc về Chúa hơn là vào những nghịch cảnh và sự bất mãn của chúng ta.

Chúa Giê-xu cũng cho chúng ta những hướng dẫn để đạt được sự vui mừng. Trong Giăng 15, Ngài nói về sự vĩnh cửu khi ở trong Ngài và sự thuận phục của chúng ta với Ngài. Ngài nói, “Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các con thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta. Nếu các con vâng giữ các điều răn của Ta thì sẽ ở trong tình yêu thương của Ta, cũng như Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong tình yêu thương của Ngài. Ta nói với các con những điều nầy để niềm vui của Ta ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Giăng 15:9-11). Một trong những chìa khoá để đến với sự vui mừng là vâng phục Chúa.

Một phương cách khác để kinh nghiệm sự vui mừng trong đời sống Cơ đốc là thông qua cộng đồng chúng ta được Chúa đặt vào. Chúa cho Ê-li được nghỉ ngơi và sau đó Ngài đem đến một người khác để giúp đỡ ông, đó là Ê-li-sê (1 Các Vua 9:19-21). Và chúng ta cũng cần có những người bạn để cùng chia sẻ nỗi đau và sự khó nhọc với nhau (Truyền đạo 4:9-12). Hê-bơ-rơ 10:19-25 nói rằng, “Thưa anh em… chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. Nhờ ân điển của Chúa, chúng ta biết chúng ta có thể đến với Chúa cách tự do trong sự cầu nguyện (Hê-bơ-rơ 10:19). Chúng ta biết chúng ta được sạch tội (Hê-bơ-rơ 10:22). Và chúng ta được tham dự vào một cộng đồng mới, là một gia đình với những người cùng niềm tin. Trong mối liên hệ giữa những anh chị em cùng niềm tin với nhau, chúng ta giúp nhau giữ vững niềm tin, và tin cậy vào những mỹ đức của Chúa. Chúng ta cũng khích lệ lẫn nhau. Các Cơ đốc nhân không thuộc về thế giới này (Giăng 17:14-16; Phi-líp 3:20). Chúng ta mong ước được ở cùng Chúa, điều cuối cùng cần làm là phục hồi lại mối quan hệ đã được thiết kế từ ban đầu của chúng ta với Chúa. Đời sống trên đất có thể gặp phải sự cô đơn và nản lòng. Nhưng chúng ta có những anh chị em để giúp nhắc nhở chúng ta trong đức tin, mang lấy gánh nặng với chúng ta, và tiếp thêm sức mạnh để chúng ta tiếp tục bước tới (Ga-la-ti 6:10; Cô-lô-se 3:12-14).

Vui mừng là dấu hiệu để nhận biết đời sống của một Cơ đốc nhân. Nó là một đặc tính của Đức Thánh Linh và là món quà của Chúa. Cách tốt nhất để chúng ta nhận được món quà này là khi chúng ta tập trung vào việc nhận biết Chúa là ai, giao tiếp với Ngài qua sự cầu nguyện, và tin vào mối liên hệ gắn bó với cộng đồng đức tin mà chúng ta được Chúa đặt để trong đó.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Làm thế nào để tôi có thể kinh nghiệm được sự vui mừng trong suốt cuộc đời theo Chúa của tôi?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries