Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về quan điểm thái độ?
Trả lời
Viết từ phòng giam ở Rô-ma, sứ đồ Phao-lô viết về thái độ mà một Cơ-Đốc nhân nên có: “Dù việc gì xảy ra, anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ …” (Phi-líp 1:27). “Dù việc gì xảy ra” ở đây ám chỉ việc Phao-lô có thể đến thăm người Phi-líp hay không thể. Phao-lô đã đưa ra chỉ dẫn này để “… hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em một lòng đứng vững, đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin Lành” (Phi-líp 1:27). Bất kể những gián đoạn, sự thất vọng hoặc khó khăn bất ngờ nào xảy đến với chúng ta, chúng ta phải đáp lại bằng thái độ giống như Đấng Christ. Chúng ta nên đứng vững và phấn đấu vì đức tin. Về sau Phao-lô viết: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5). Ông đang nói về việc thể hiện sự khiêm tốn và vị tha trong các mối quan hệ. Phao-lô cũng khích lệ chúng ta trong Ê-phê-sô 5:1 hãy trở nên “kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài”. Khi trẻ em thích bắt chước những gì chúng nhìn thấy và lặp lại những gì chúng nghe thấy; chúng ta cũng có trách nhiệm bắt chước và làm gương về cách ăn ở của Đấng Christ và trở thành sự phản chiếu rõ ràng về Chúa (Ma-thi-ơ 5:16).
Chúa Giê-su luôn giữ một thái độ hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh. Ngài ấy cầu nguyện về mọi điều và không lo lắng về bất cứ điều chi. Chúng ta cũng nên tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong mọi khía cạnh của đời sống mình và để Ngài thực hiện ý muốn hoàn hảo của Ngài. Thái độ của Chúa Giê-su không bao giờ trở nên phòng thủ hay nản lòng. Mục tiêu của Ngài là làm vui lòng Đức Chúa Cha hơn là đạt được chương trình của Ngài (Giăng 6:38). Giữa những thử thách, Ngài kiên nhẫn. Giữa đau khổ, Ngài tràn đầy hy vọng. Giữa muôn phúc lành, Ngài khiêm cung. Ngay cả ở giữa sự chế nhạo, bị ngược đãi và thù địch, Ngài “không hề hăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình” (1 Phi-e-rơ 2:23).
Khi Phao-lô viết rằng “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có”, ông đã tóm tắt trong hai câu trước đó với thái độ: vị tha, khiêm nhường và phục vụ. “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” (Phi-líp 2:3-4). Nói cách khác, thái độ mà tín đồ Đấng Christ nên phản chiếu là thái độ tập chú vào nhu cầu và lợi ích của người khác. Không nghi ngờ gì nữa, điều đó không tự nhiên đến với chúng ta. Khi Đấng Christ đến thế gian, Ngài đã thiết lập một thái độ hoàn toàn mới trong các mối quan hệ với người khác. Một ngày nọ, khi các môn đồ của Ngài đang tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong vương quốc của Ngài, Chúa Giê-su phán: “ Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:25-28). Chúa Giê-su đang dạy chúng ta rằng, khi chúng ta quá bận tâm đến những việc riêng của mình, điều đó có thể gây ra xung đột và các vấn đề khác với những người mà chúng ta biết. Thay vào đó, Đức Chúa Trời muốn chúng ta có thái độ nghiêm túc, quan tâm đến người khác.
Phao-lô nói thêm về thái độ giống như Đấng Christ này trong lá thư gửi cho hội thánh Ê-phê-sô: “Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm trí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Êphêsô 4:22-24). Nhiều tôn giáo ngày nay, kể cả các triết lý của Thời đại Mới, cổ xúy cho lời nói dối xưa cũ rằng chúng ta là thần thánh hoặc chúng ta có thể trở thành các vị thần. Nhưng sự thật của vấn đề là chúng ta sẽ không bao giờ trở thành Đức Chúa Trời, hay thậm chí là một vị thần. Lời nói dối lâu đời nhất của Sa-tan là hứa với A-đam và Ê-va rằng, nếu họ làm theo lời khuyên của hắn, thì “sẽ như Đức Chúa Trời” (Sáng thế ký 3:5).
Mỗi khi chúng ta cố gắng kiểm soát hoàn cảnh, tương lai của mình và những người xung quanh, chúng ta chỉ đang chứng tỏ rằng mình muốn trở thành một vị thần. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, là tạo vật, chúng ta sẽ không bao giờ là Đấng Tạo Hóa. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta cố gắng trở thành thần. Thay vào đó, Ngài muốn chúng ta trở nên giống như Ngài, tiếp nhận các giá trị, thái độ và tính cách của Ngài. Mục đích của chúng ta là “phải làm nên mới trong tâm trí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:23-24).
Cuối cùng, chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài không phải là sự thoải mái của chúng ta, mà là sự biến đổi tâm trí của chúng ta thành một thái độ tin kính. Ngài muốn chúng ta lớn lên về tâm linh, trở nên giống như Đấng Christ. Điều này không có nghĩa là đánh mất nhân cách của chúng ta hoặc trở thành những bản sao vô hồn. Việc trở nên giống Đấng Christ là để biến đổi tâm trí của chúng ta. Một lần nữa, Phao-lô nói với chúng ta: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).
Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta phát triển loại suy nghĩ được mô tả trong Các Phước Lanh của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 5:1-12), chúng ta bày tỏ trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22-23), chúng ta bắt chước các nguyên tắc trong Kinh Thánh của Phao-lô với chương tuyệt vời về tình yêu thương (1 Cô-rinh-tô 13), và rằng chúng ta cố gắng tạo khuôn mẫu cho cuộc sống của mình theo những đặc tính của Phi-e-rơ về cuộc sống hiệu quả và hữu ích (2 Phi-e-rơ 1:5-8).
English
Kinh Thánh nói gì về quan điểm thái độ?