Câu hỏi
Thuyết Vô Thiên Hy Niên là gì?
Trả lời
Thuyết Vô Thiên Hy Niên là tên gọi cho việc tin rằng sẽ không có 1000 năm trì vị của Đấng Christ theo nghĩa đen. Những ai giữ lòng tin này được gọi là người theo Vô Thiên Hy Niên. Tiếp đầu ngữ "vô" trong Thuyết Vô Thiên Hy Niên có nghĩa là "tuyệt không" hoặc "không." Vì lẽ đó, "Thuyết Vô Thiên Hy Niên" có nghĩa là "không có một ngàn năm." Điều này khác với quan niệm được chấp nhận rộng rãi nhất được gọi là Thuyết Tiền Thiên Hy Niên (quan điểm cho rằng sự hiện đến lần thứ hai của Chúa Giê-xu sẽ diễn ra trước thời vương quốc ngàn năm của Ngài và nghĩa đen của vương quốc ngàn năm là sự trị vì 1000 năm) và khác với quan niệm ít được chấp nhận rộng rãi nhất được gọi là Thuyết Hậu Thiên Hy Niên (tin rằng Đấng Christ sẽ trở lại sau khi Cơ Đốc Nhân, chứ không phải chính Đấng Christ, thành lập vương quốc trên đất này).
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì đối với người theo Vô Thiên Hy Niên, không phải họ không tin là sẽ có một ngàn năm. Họ chỉ không tin vào một ngàn năm theo nghĩa đen – một ngàn năm trị vì của Đấng Christ trên đất theo nghĩa đen. Thay vào đó, họ tin rằng Đấng Christ hiện đang trị vì trên ngai Đa-vít và rằng hội thánh của thời đại này là vương quốc mà Đấng Christ đang cai trị. Không có gì nghi ngờ là Đấng Christ hiện đang ngồi trên ngai, nhưng điều đó không có nghĩa là Kinh Thánh nói đó là ngai của Đa-vít. Không có gì nghi ngờ rằng Đấng Christ đang cai trị, vì Ngài là Đức Chúa Trời. Nhưng điều này không có nghĩa là Ngài đang cai trị trên vương quốc ngàn năm.
Để Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài đối với dân Israel và giao ước của Ngài đối với Đa-vít (2 Sa-mu-ên 7:8-16, 23:5, Thi Thiên 89:3-4), phải có một vương quốc thực, bằng vật chất trên đất này. Nghi ngờ điều này là đặt nghi vấn về sự mong muốn của Đức Chúa Trời và/hoặc là khả năng giữ lời hứa của Ngài, và điều này mở ra một loạt các vấn đề thần học khác. Ví dụ như, nếu Đức Chúa Trời không giữ lời hứa của Ngài đối với dân Israel sau khi công bố những lời hứa đó là "đời đời," thì làm thế nào chúng ta có thể tin chắc vào bất cứ lời hứa nào của Ngài, kể cả những lời hứa về sự cứu rỗi cho những ai đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu? Giải pháp duy nhất là tin vào lời Ngài và hiểu rằng những lời hứa của Ngài rồi sẽ thực sự được ứng nghiệm.
Những trưng dẫn rõ ràng trong Kinh Thánh về một vương quốc thật, có trên đất này là
1) Chân của Đấng Christ sẽ thực sự đứng trên núi Ô-li-ve trước khi thiết lập vương quốc của Ngài (Xa-cha-ri 14:4, 9);
2) Trong khi cai trị, Đấng Mê-si sẽ thực thi công lý và phán xét trên đất (Giê-rê-mi 23:5-8)
3) Vương quốc được mô tả là ở dưới thiên đàng (Đa-ni-ên 7:13-14, 27)
4) Các tiên tri đã báo trước về những thay đổi đầy kịch tính trên đất trong vương quốc hầu đến (Công vụ 3:21, Ê-sai 35:1-2, 11:6-9, 29:18, 65:20-22; Ê-xê-chi-ên 47:1-12; A-mốt 9:11-15); và
5) Trình tự thời gian của các sự kiện trong sách Khải Huyền cho biết về sự hiện hữu của một vương quốc trên đất trước khi kết thúc lịch sử thế giới (Khải Huyền 20).
Quan điểm của phái Vô Thiên Hy Niên đến từ một phương pháp giải thích cho lời tiên tri chưa được ứng nghiệm và một phương pháp khác cho phân đoạn Kinh Thánh không có lời tiên tri và lời tiên tri đã được ứng nghiệm. Phân đoạn Kinh Thánh không có lời tiên tri và lời tiên tri đã ứng nghiệm được giải thích theo nghĩa đen hoặc theo cách bình thường. Nhưng dựa theo những người theo Vô Thiên Hy Niên, lời tiên tri chưa được ứng nghiệm thì sẽ được giải thích theo cách thuộc linh, hoặc theo nghĩa bóng. Những ai tin theo Thuyết Vô Thiên Hy Niên tin rằng việc đọc lời tiên tri chưa được ứng nghiệm theo cách “thiêng liêng” là cách đọc bình thường đối với các bản văn. Điều này được gọi là sử dụng cách giải kinh học kép. (Giải kinh học là nghiên cứu những nguyên tắc giải thích.) Người theo Vô Thiên Hy Niên cho rằng hầu hết, hay tất cả những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm được viết theo kiểu biểu tượng, ẩn dụ, ngôn ngữ thuộc linh. Vì vậy, người theo Vô Thiên Hy Niên sẽ chỉ định những nghĩa khác nhau cho những phân đoạn Kinh Thánh ấy thay vì theo ngữ cảnh và nghĩa bình thường của những từ đó.
Vấn đề khó khăn đối với lối giải thích những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm theo cách này là nó cho phép có rất nhiều nghĩa. Trừ khi bạn giải thích Kinh Thánh theo cách thông thường, nó sẽ không chỉ có một nghĩa. Nhưng Đức Chúa Trời là tác giả tối thượng của cả Kinh Thánh, đã có một ý cụ thể trong trí khi Ngài thần cảm các trước giả để viết nên. Mặc dù có thể có nhiều ứng dụng cho cuộc sống trong một phân đoạn Thánh Kinh, nhưng chỉ duy nhất có một nghĩa, và đó là nghĩa mà Đức Chúa Trời đã định sẵn theo ý nghĩa của nó. Cũng như, thực tế là những lời tiên tri đã ứng nghiệm được ứng nghiệm theo nghĩa đen là lý do tốt nhất trong tất cả các lý do cho giả định rằng lời tiên tri chưa được ứng nghiệm rồi cũng sẽ thật được ứng nghiệm. Những lời tiên tri về sự hiện đến của Chúa Giê-xu lần thứ nhất đã được ứng nghiệm thật sự theo nghĩa đen. Vì vậy những lời tiên tri về sự hiện ra của Đấng Christ lần thứ hai được mong đợi cũng sẽ ứng nghiệm theo nghĩa đen. Vì những lý do này, hãy nên từ chối cách giải thích theo nghĩa bóng về những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm, và nên áp dụng cách giải thích theo nghĩa đen hoặc cách giải nghĩa thông thường về những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm. Thuyết Vô Thiên Hy Niên thất bại khi sử dụng tính bất nhất quán của giải kinh học, cụ thể, là giải thích những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm khác với những lời tiên tri đã được ứng nghiệm.
English
Thuyết Vô Thiên Hy Niên là gì?