settings icon
share icon
Câu hỏi

Thuyết chống luật pháp là gì?

Trả lời


Từ thuyết chống luật pháp (Antinomianism) xuất phát từ hai từ trong tiếng Hy Lạp, anti, nghĩa là “chống lại”; và nomos, có nghĩa là “luật pháp”. Antinomianism nghĩa là “thuyết chống luật pháp” Theo như quan điểm thần học, thuyết chống luật pháp là một niềm tin trong đó không có bất kì chuẩn mực đạo đức nào mà Đức Chúa Trời đặt ra để loài người tuân theo. Thuyết chống luật pháp dùng việc giảng giải Kinh Thánh để đưa ra kết luận không có trong Kinh Thánh. Kinh Thánh cho biết Chúa không yêu cầu Cơ Đốc nhân phải tuân theo luật pháp thời Cựu ước như một phương tiện để được cứu rỗi. Khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá, Ngài đã hoàn tất luật pháp thời Cựu ước (Ma-thi-ơ 5:17; Rô-ma 8:4; 10:4; Ga-la-ti 3:23-25; Ê-phê-sô 2:15). Kết luận cho rằng không có luật lệ nào Chúa muốn con người tuân theo là một kết luận phi Kinh Thánh.

Sứ đồ Phao-lô đã đối mặt với thuyết chống luật pháp trong phân đoạn Rô-ma 6:1-2, “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng? Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?” Cuộc tấn công thường xuyên nhất đối với học thuyết cứu rỗi chỉ bởi ân sủng đó chính là nó khuyến khích tội lỗi. Nhiều người nghĩ rằng, “Nếu tôi được cứu bởi ân sủng và tất cả tội lỗi của tôi đã được tha, vậy sao tôi không phạm tội nữa như điều tôi muốn?” Suy nghĩ này không phải là kết quả của sự biến đối thật sự, vì sự biến đổi thật sẽ tạo ra một sự khát khao vâng phục mạnh mẽ hơn. Khi chúng ta được tái sinh bởi Thánh Linh thì mong muốn của Chúa- và mong muốn của chúng ta chính là phấn đấu để không phạm tội nữa. Nhờ vào lòng biết ơn đối với ân sủng và sự cứu rỗi Chúa ban cho, chúng ta mong muốn làm vui lòng Ngài. Chúa đã ban cho chúng ta món quà của lòng nhân từ vô hạn trong sự cứu rỗi thông qua Chúa Giê-xu (Giăng 3:16; Rô-ma 5:8). Trách nhiệm của chúng ta là hiến dâng cuộc đời mình cho Ngài trong tình yêu thương, sự thờ phượng và lòng biết ơn đối với những gì Ngài đã làm cho chúng ta (Rô-ma 12:1-2). Thuyết chống luật pháp là một học thuyết phi Kinh Thánh vì trong đó áp dụng sai ý nghĩa của đặc ân tốt đẹp của Đức Chúa Trời.

Lý do thứ hai mà thuyết chống luật pháp được xem là phi Kinh Thánh là vì có một đạo lý mà Chúa muốn chúng ta vâng theo. I Giăng 5:3 nói rằng, “Vì này là sự yêu mến Đức Cháu Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” Chúa muốn chúng ta vâng giữ điều luật nào? Đó chính là luật của Dấng Christ- “Ngươi hãy hết lòng , hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra” (Ma-thi-ơ 22:37-40). Chúng ta không sống dưới luật pháp thời Cựu ước, nhưng sống dưới luật pháp của Đấng Christ. Luật của Đấng Christ không phải là một danh sách dài những luật lệ. Mà nó là luật pháp của tình yêu thương. Nếu chúng ta yêu mến Chúa bằng cả trái tim, linh hồn, tâm trí và sức mạnh, chúng ta sẽ không làm điều gì làm buồn lòng Ngài. Nếu chúng ta yêu kẻ lân cận như mình, chúng ta sẽ không làm điều gì gây tổn hại cho họ. Việc vâng giữ luật pháp Chúa không phải là một điều kiện để có được hay giữ được sự cứu rỗi. Luật pháp của Đấng Christ là điều mà Ngài mong đợi ở mỗi Cơ Đốc nhân.

Thuyết chống luật pháp đã đi ngược với tất cả những điều mà Kinh Thánh dạy. Chúa muốn chúng ta sống một cuộc sống đạo đức, liêm chính, và yêu thương. Chúa Giê-xu đã khiến chúng ta được tự do khỏi những luật lệ nặng nề thời Cựu ước, nhưng đó không phải là một giấy phép để chúng ta tiếp tục phạm tội, nhưng hơn hết nó là một giao ước bởi ân điển. Chúng ta phải nhờ cậy Đức Thánh Linh để phấn đấu vượt qua tội lỗi và nuôi dưỡng sự công bình. Bằng chứng cho việc chúng ta được giải phóng khỏi luật pháp Cựu ước đó chính là kết quả của một lối sống vâng giữ luật pháp của Đấng Christ. I Giăng 2:3-6 tuyên bố, “Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn Ngài. Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người. Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.”

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Thuyết chống luật pháp là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries