Câu hỏi
Tin cậy vào Chúa Giê-su có nghĩa là gì?
Trả lời
Cụm từ tin cậy nơi Chúa Giê-su mang nhiều ý nghĩa. Theo một nghĩa nào đó, tin cậy nơi Chúa Giê-su có nghĩa là tin Ngài để được cứu rỗi (Giăng 3:16). Chúng ta tin Ngài là ai—Ngài là Đức Chúa Trời trong hình hài con người—và đặt đức tin nơi Ngài là Cứu Chúa. Và chúng ta tin những gì Ngài đã làm—rằng Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại từ cõi chết. Vì chúng ta không thể tự cứu mình khỏi tội lỗi và sự chết (Rô-ma 3:10–20), nên chúng ta tin cậy Chúa Giê-su sẽ cứu chúng ta (Giăng 11:25). Chúng ta không thể nhận được sự sống vĩnh cữu và sống mãi mãi trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời cho đến khi chúng ta đặt niềm tin nơi Chúa Giê-su là Cứu Chúa và chấp nhận sự tha thứ của Ngài (Ê-phê-sô 1:7).
Sau khi được cứu, tin cậy nơi Chúa Giê-su có nghĩa là cam kết hoặc tận hiến hoàn toàn cho Ngài. Khi được tái sinh, chúng ta trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ. Là những người theo Ngài, chúng ta đặt trọn niềm tin vào Ngài và Lời Ngài. Tin cậy nơi Chúa Giê-su có nghĩa là tin mọi điều Ngài đã phán và chấp nhận Lời Ngài là chân lý: “Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn-đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi” (Giăng 8:31–32). Chúng ta càng biết và hằng ở trong Lời Chúa Giê-su, chúng ta càng vâng phục Ngài, và sự tin cậy của chúng ta nơi Ngài sẽ càng lớn lên khi chúng ta trải nghiệm sự tự do trong Đấng Christ.
Một lời hứa đáng tin cậy mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta trong Lời của Ngài là hãy đến với Ngài để tìm được sự nghỉ ngơi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28–30). Ách là một dây cương bằng gỗ dùng để nối cổ của hai con vật kéo. Cùng nhau, những con vật có thể kéo một vật nặng hiệu quả hơn. Vào thời Chúa Giê-su phán những lời này, những người nông dân thường ghép một con vật non, thiếu kinh nghiệm nhưng khỏe mạnh với một con vật già hơn, yếu hơn nhưng dày dạn kinh nghiệm hơn. Con vật trẻ hơn sẽ học hỏi từ con vật có kinh nghiệm hơn, và con vật già hơn sẽ được hưởng lợi từ sức mạnh của con vật trẻ hơn để giúp mang vác vật nặng.
Nghỉ ngơi, một cách khác để bày tỏ lòng tin cậy, là trạng thái nương tựa vào Chúa Giê-su để có sức mạnh và học hỏi từ Ngài. Ngài chia sẻ gánh nặng khi chúng ta cùng đồng hành với nhau. Khi chúng ta mệt mỏi và quá tải, chúng ta có thể đến bên Chúa Giê-su và tìm thấy sự nghỉ ngơi trong tâm hồn mình. Theo cách này, chúng ta tin cậy vào Chúa Giê-su bằng cách nương tựa hoàn toàn vào Ngài trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta mệt mỏi và chịu gánh nặng. Chúa Giê-su là sự yên nghỉ ngày Sa-bát của người tin Chúa (Hê-bơ-rơ 4:1–11).
Chúa Giê-su hiểu những điểm yếu của chúng ta và biết chúng ta sẽ phải tranh chiến để tin cậy nơi Ngài. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh dạy: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:6–7). Khi chúng ta trình dâng tấm lòng lo lắng của chúng ta cho Chúa trong lời cầu nguyện, Ngài ban cho chúng ta sự bình an. Sự hiện diện của Ngài là sự bình an. Đoạn văn này không nói rằng Ngài sẽ luôn ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, nhưng nó hứa hẹn sự bình an để giữ gìn lòng và ý tưởng của chúng ta. Tin cậy nơi Chúa Giê-su có nghĩa là đến với Ngài và tin rằng Ngài có những kế hoạch tốt lành và đáng tin cậy cho cuộc đời và tương lai của chúng ta. Chúng ta không cần phải lo lắng về ngày mai. Khi chúng ta tin cậy nơi Chúa Giê-su, Ngài sẽ tuôn đổ sự bình an của Ngài trên chúng ta.
Niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giê-su được lớn lên qua kinh nghiệm (2 Cô-rinh-tô 1:10) khi chúng ta nhìn biết Chúa hành động mọi việc trong đời sống chúng ta—cả điều tốt lẫn điều xấu—vì mục đích của Ngài (Rô-ma 8:28). Chúa Giê-su muốn chúng ta sống bằng đức tin nơi Ngài (2 Cô-rinh-tô 5:7; Ga-la-ti 2:20), và vì vậy đời sống của người Cơ Đốc trở thành một nơi thử thách và rèn luyện trong sự tin cậy: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục. Nhưng sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào” (Gia-cơ 1:2-4).
Chúa Giê-su phán, “Lòng các ngươi chớ bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời; cũng hãy tin ta nữa” (Giăng 14:1). Chúng ta có thể biết rằng Chúa Giê-su yêu thương chúng ta và hứa sẽ luôn ở cùng chúng ta (Ma-thi-ơ 28:20), nhưng chúng ta không thể thấy Ngài, và trong những lúc khó khăn, sự nghi ngờ và sợ hãi có thể len lỏi vào và khiến chúng ta khó áp dụng kiến thức đó. Phi-e-rơ khích lệ chúng ta rằng chúng ta có thể tin cậy Chúa Giê-su ngay cả khi chúng ta không thể thấy Ngài: “Anh em vui-mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử-thách trăm bề buộc phải buồn-bã ít lâu; hầu cho sự thử-thách đức-tin anh em quí hơn vàng hay hư-nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi-khen, tôn-trọng, vinh-hiển cho anh em khi Đức Chúa Giê-su Christ hiện ra. Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu-mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài, và vui-mừng lắm một cách không xiết kể và vinh-hiển: nhận được phần thưởng về đức-tin anh em, là sự cứu-rỗi linh-hồn mình” (1 Phi-e-rơ 1:6–9).
Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Giê-su bằng mắt thường, nhưng Đức Thánh Linh cho phép chúng ta nhìn thấy Chúa Giê-su bằng con mắt của tấm lòng (Ê-phê-sô 1:18–20). Cuối cùng, việc chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Giê-su bằng mắt thường khiến chúng ta tin cậy Ngài càng hơn. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su phán, “Phước cho những ai không thấy mà tin” (Giăng 20:29).
Sứ đồ Phao-lô nắm bắt được ý nghĩa việc một tín đồ tin cậy nơi Chúa Giê-su: “Vì sự hoạn-nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh-hiển cao-trọng đời đời, vô-lượng vô-biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm-thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (2 Cô-rinh-tô 4:17–18).
Chúa Giê-su đang dạy chúng ta tin cậy Ngài trong mọi sự mọi lúc bằng cả tấm lòng (Châm ngôn 3:5–6) để đức tin của chúng ta trở nên không thể lay chuyển: “Hãy nhờ-cậy Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời-đại” (Ê-sai 26:4). Khi chúng ta học cách tin cậy nơi Chúa Giê-su nhiều hơn, chúng ta đồng cảm hơn với mô tả của tác giả Thi Thiên về một tín hữu đang yên nghỉ trong vòng tay của Đức Chúa Trời: “Tôi đã làm cho linh-hồn tôi êm-dịu an-tịnh, như con trẻ dứt sữa bên mẹ mình; linh-hồn ở trong mình tôi cũng như con trẻ dứt sữa vậy” (Thi thiên 131:2).
English
Tin cậy vào Chúa Giê-su có nghĩa là gì?