settings icon
share icon
Câu hỏi

Tại sao phải tin vào tính không sai lạc của Kinh Thánh?

Trả lời


Con người thời đại ngày nay thường hay tặc lưỡi cho qua khi gặp một lỗi sai. Thay vì hỏi như Phi-lát xưa kia, “Lẽ thật là gì?” con người hâu hiện đại cho rằng, “Không có gì là thật” hay “Có lẽ thật, nhưng chúng ta không thể nào biết được.” Chúng ta đã nghe nhiều lời giả dối quen rồi, và dường như nhiều người thấy cũng chả sao khi nghe nói rằng Kinh Thánh cũng có lỗi sai

Giáo lý về tính không sai lạc của Kinh Thánh là cực kỳ quan trọng vì nó khẳng định giá trị của lẽ thật. Vấn đề này phản ánh bản tính của Đức Chúa Trời và là nền tảng cho chúng ta hiểu biết mọi điều Kinh Thánh dạy dỗ. Dưới đây là một vài lý do chúng ta nên hoàn toàn tin rằng Kinh Thánh không thể sai lầm:

1. Chính Kinh Thánh tự khẳng định sự toàn hảo. “Lời hứa của Đức Giê-hô-va là lời thanh sạch, Giống như bạc đã luyện trong lò bằng gốm, Tinh luyện đến bảy lần.” (Thi Thiên 12:6). “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn,” (Thi Thiên 19:7). “Mọi lời của Đức Chúa Trời đều được tinh luyện;” (Châm Ngôn 30:5). Những câu trên tuyên bố tuyệt đối rằng Kinh Thánh là thanh sạch và toàn hảo. Xin nhớ rằng những câu này không nói rằng Lời Chúa là “hầu hết” thanh sạch hay “gần được” toàn hảo. Kinh Thánh tự khẳng định sự toàn hảo, vậy nên thuyết “toàn hảo một phần” không thể đúng được.

2. Kinh Thánh hoặc đúng hết, hoặc sai hết. Nếu một tờ báo nổi tiếng liên tục đăng tin có lỗi thì sẽ mau chóng mất tín nhiệm. Lúc đó thì có nói, “Chỉ trang 3 mới có lỗi thôi, các trang còn lại đều đúng” thì cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Vì nếu muốn một trang báo đáng tin thì cả tờ báo cũng phải đáng tin. Tương tự, nếu Kinh Thánh trình bày không chính xác về mặt địa lí thì ai dám tin vào thần học Kinh Thánh dạy nữa? Hoặc là Kinh Thánh đáng tin, hoặc là không.

3. Kinh Thánh phản ánh bản tính Tác giả. Cuốn sách nào trên đời cũng vậy. Kinh Thánh được viết bởi chính Đức Chúa Trời qua các trước giả mà Ngài đã “mặc khải.” “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc,” (2 Ti-mô-thê 3:16). Cũng xem thêm 2 Phi-e-rơ 1:21 và Giê-rê-mi 1:2.

Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời Đấng tạo dựng nên vũ trụ hoàn toàn có khả năng viết nên cuốn sách này. Và Đấng Toàn Hảo cũng có khả năng để viết nên một cuốn sách toàn hảo. Thay vì hỏi “Kinh Thánh liệu có lỗi sai không?” thì nên hỏi “Liệu Chúa có thể mắc lỗi không?” Nếu Kinh Thánh có lỗi sai, chính Chúa cũng không toàn tri và Ngài cũng có thể mắc lỗi. Nếu Kinh Thánh cung cấp thông tin sai lệch, chính Chúa cũng không phải là lẽ thật mà là dối trá. Nếu Kinh Thánh có mâu thuẫn thì chính Chúa là tác giả của sự lộn xộn. Nói cách khác, nếu tính không sai lạc của Kinh Thánh không đúng thì Đức Chúa Trời sẽ không còn là Đức Chúa Trời nữa.

4. Kinh Thánh xét đoán chúng ta chứ không phải chúng ta xét đoán Kinh Thánh. “Vì lời của Đức Chúa Trời... phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Chú ý đến mối quan hệ giữa “lời Đức Chúa Trời” và “lòng.” Lời Chúa xét đoán, lòng người được xét đoán. Nếu cho rằng một phần nào của Kinh Thánh không đúng, chúng ta đang làm ngược lại quy trình này. Chúng ta sẽ bỗng nhiên trở thành người có thầm quyền và Kinh Thánh phải tuân theo sự hiểu biết của con người. Nhưng Chúa phán, “Thưa bạn, bạn là ai mà dám cãi lại Đức Chúa Trời?” (Rô-ma 9:20).

5. Thông điệp của Kinh Thánh phải được đón nhận cách trọn vẹn. Kinh Thánh không tổng hợp các loại giáo lý khác nhau lại để chúng ta thích cái nào thì chọn. Nhiều người thích các câu Kinh Thánh nói về tình yêu thương của Chúa, nhưng lại không thích những câu nói rằng Chúa sẽ xét đoán tội nhân. Nhưng ta không thể nào lựa ra điều mình thích trong Kinh Thánh rồi bỏ hết phần còn lại đi được. Giả dụ nếu Kinh Thánh nói sai về địa ngục, thì ai mà dám tin rằng những điều Kinh Thánh nói về thiên đàng và những điều khác là đúng? Nếu những chi tiết về sự sáng tạo bị sai thì chi tiết về sự cứu rỗi cũng có thể nhầm lẫn. Nếu câu chuyện Giô-na trong bụng cá là hoang đường thì chắc gì Chúa Giê-xu đã có thật. Nhưng hoàn toàn ngược lại, lời Chúa do chính Chúa phán ra, và Kinh Thánh cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về Đức Chúa Trời. “Lạy Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời” (Thi Thiên 119:89).

6. Kinh Thánh là nền tảng duy nhất cho đức tin và lối sống của chúng ta. Nếu Kinh Thánh không đáng tin, chúng ta còn biết nương cậy đức tin mình vào đâu nữa? Chúa Giê-xu muốn chúng ta tin Ngài, bao gồm cả tin vào Lời Ngài phán nữa. Giăng 6:67-69 là một phân đoạn tuyệt vời. Trong đoạn này có nhiều môn đồ đã nói là theo Ngài giờ lại bỏ Ngài. Chúa Giê-xu quay lại với mười hai sứ đồ và hỏi, “Còn các con cũng muốn thối lui chăng?” Khi đó, Phi-e-rơ nói thay cho toàn bộ các môn đồ rằng, “Thưa Chúa, chúng con sẽ theo ai? Chúa có lời của sự sống đời đời.” Mong rằng mỗi chúng ta đều có đức tin giống như vậy vào Đức Chúa Trời và Lời của Ngài.

Những điều chúng tôi đã trình bày trên đây không có ý muốn phủ nhận tầm quan trọng của việc học hỏi, thành tâm nghiên cứu Kinh Thánh. Kinh Thánh không sai lạc không có nghĩa là chúng ta thôi suy ngẫm và chấp nhận những gì Kinh Thánh nói cách mù quáng. Học Lời Chúa là một mạng lệnh (2 Ti-mô-thê 2:15), và những ai tìm kiếm Lời Chúa sẽ được tán thưởng (Công vụ 17:11). Chúng ta cũng cần thừa nhận rằng Kinh Thánh có nhiều phân đoạn khó hiểu, và cũng có nhiều sự bất đồng khi diễn giải. Mục tiêu chúng ta cần có là đến với Kinh Thánh cách cung kính trong tinh thần cầu nguyện, khi tìm thấy chỗ khó hiểu, cầu nguyện tiếp, nghiên cứu tiếp và nếu câu trả lời vẫn tiếp tục mơ màng, hãy khiêm nhu thừa nhận sự giới hạn của mình trước Lời hoàn hảo của Đức Chúa Trời.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Tại sao phải tin vào tính không sai lạc của Kinh Thánh?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries