settings icon
share icon
Câu hỏi

Trường phái tiếp diễn (Chủ nghĩa tiếp diễn) là gì? Thế nào là một người theo trường phái tiếp diễn?

Trả lời


Xin lưu ý, GotQuestion.org với tư cách là một mục vụ không đồng ý với trường phái tiếp diễn. Bài viết sau đây được viết bởi một người ủng hộ trường phái này. Chúng tôi tin rằng một bài viết trình bày về chủ nghĩa tiếp diễn một cách khách quan là rất đáng cân nhắc, và việc soi chiếu quan điểm của mình trước những chất vấn luôn là một điều tốt; đó là động lực để chúng tôi tra cứu Kinh Thánh kỹ càng hơn để đảm bảo chắc chắn rằng niềm tin của mình theo sát với Lời Chúa.

Trường phái tiếp diễn là niềm tin rằng tất cả những ân tứ thuộc linh, bao gồm cả chữa bệnh, nói các thứ tiếng, và làm phép lạ, vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay, y như những gì đã được thi hành trong thời kỳ hội thánh đầu tiên. Một người theo trường phái tiếp diễn tin rằng các ân tứ thuộc linh vẫn còn “được tiếp tục” không hề suy giảm kể từ sau Lễ Ngũ Tuần và rằng hội thánh ngày nay vẫn có thể nhận được tất cả những ân tứ thuộc linh được nhắc đến trong Kinh Thánh.

Khi Đức Thánh Linh được ban xuống như lời Chúa Giê-xu đã hứa (Công Vụ 1:8; 2:1–4), Ngài đã đầy dẫy trên các môn đồ và ban cho họ những ân tứ siêu nhiên để có thể phục vụ Chúa một cách đầy quyền và năng lực. Những ân tứ thuộc linh này được liệt kê trong Rô-ma 12:6–8, Ê-phê-sô 4:11, và I Cô-rinh-tô 12:7–11, 28, và chủ nghĩa tiếp diễn nói rằng tất cả những ân tứ ấy vẫn còn được tiếp tục cho đến ngày nay. Các ân tứ được Đức Thánh Linh ban cho mỗi người khác nhau tùy theo ý Ngài (I Phi-e-rơ 4:10). I Cô-rinh-tô 12:4-6 chép rằng, “Có nhiều ân tứ khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Linh. Có nhiều lãnh vực phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, Đấng làm mọi việc trong mọi người.” Người theo phái tiếp diễn tin rằng không có bằng chứng Kinh Thánh cho thấy bất kỳ ân tứ nào kể trên không còn được ban cho nữa.

Ngược lại với quan điểm trên là trường phái chấm dứt, dạy rằng một vài ân tứ thuộc linh đã “ngừng lại” và ngày nay không còn được ban cho nữa. Câu hỏi mà quan điểm trên đặt ra không phải là các ân tứ còn được ban cho hay không, mà cụ thể là ân tứ nào vẫn còn. Người theo trường phái chấm dứt trưng dẫn các phân đoạn như I Cô-rinh-tô 13:10 và sự thật rằng nhiều ân tứ về dấu kỳ phép lạ dường như được gắn chặt với chức vụ của các sứ đồ để làm minh chứng cho sự mặc khải của Chúa (Công Vụ 2:22; 14:3; II Cô-rinh-tô 12:12) và đó là bằng chứng cho thấy những ân tứ Thánh Linh về dấu kỳ phép lạ này đã chấm dứt.

Như với bất kỳ quan điểm thần học nào khác, luôn có những sự cực đoan từ cả hai phía. Một vài người theo chủ nghĩa chấm dứt tin rằng tất cả các ân tứ thuộc linh đều đã ngừng được ban cho sau thời kỳ của các sứ đồ. Những người ít cực đoan hơn thì cho rằng chỉ những “ân tứ dấu kỳ phép lạ” – chữa bệnh, làm phép lạ, nói các thứ tiếng – mới bị ngưng thôi. Về phía trường phái tiếp diễn cực đoan, một vài người dạy rằng nói tiếng lạ luôn phải đi kèm với sự cứu rỗi hoặc đầy dẫy Đức Thánh Linh. Cũng có thể xuất hiện sai lầm khi nhấn mạnh vào các ân tứ thay vì tập chú vào Chúa Giê-xu Christ. Một số người còn tuyên bố rằng mỗi một Cơ Đốc Nhân đều có thể được ban cho những ân tứ kỳ diệu nếu người đó có đủ đức tin. Nhưng quan điểm này đã bị bác bỏ trong I Cô-rinh-tô 12:11 khi có chép rằng Đức Thánh Linh “ban phát ân tứ cho từng người tùy theo ý Ngài.” Phao-lô cũng nói đến chính vấn đề này với tín hữu tại Cô-rinh-tô: “Có phải tất cả đều là sứ đồ sao? Tất cả đều là nhà tiên tri sao? Tất cả đều là giáo sư sao? Tất cả đều làm phép lạ sao? Tất cả đều được ân tứ chữa bệnh sao? Tất cả đều nói được các thứ tiếng lạ sao? Tất cả đều thông dịch được tiếng lạ sao?” (I Cô-rinh-tô 12:29–30). Câu trả lời cho những câu hỏi tu từ trên đó là “Không.”

Người theo phái tiếp diễn tin rằng huấn thị trong Kinh Thánh về ân tứ thuộc linh vẫn còn có ý nghĩa cho đến ngày hôm nay y như khi chúng vừa được viết ra. Họ tin rằng không có một lý do nào từ Kinh Thánh để có thể nghĩ khác đi và trách nhiệm chứng minh điều đó thuộc về những người theo phái chấm dứt. Những người ủng hộ ở cả hai phía đều có quyền bất đồng với nhau, nhưng cả hai đều nên ghi nhớ lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong Giăng 12:22-23: “… để họ trở nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hiệp nhất trọn vẹn, nhờ đó thế gian biết rằng Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương họ như Cha đã yêu thương Con.” Dù ủng hộ phái tiếp diễn hay chấm dứt, tất cả các tín hữu được tái sinh đều là những chi thể trong thân của Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 12:27). Khi chúng ta cho phép những vấn đề không mang tính cốt lõi của niềm tin gây ra sự chia rẽ và bất hòa, chúng ta đang không để tâm đến những gì thật sự quan trọng đối với Chúa.

Phụ lục về Các Lập luận Phổ biến của Phái Chấm Dứt (Chủ nghĩa chấm dứt) và phản biện của Phái Tiếp Diễn (Chủ nghĩa tiếp diễn)

Các Cơ Đốc Nhân giữ niềm tin rằng không có nền tảng Kinh Thánh nào cho quan điểm chấm dứt thường được gọi là “người theo trường phái tiếp diễn.” Những tín hữu này tin rằng quan điểm của mình thống nhất với Kinh Thánh và rằng chủ nghĩa chấm dứt là không có nền tảng Kinh Thánh. Sau đây là một vài lập luận phổ biến của phái chấm dứt và những phản biện của phái tiếp diễn:

1. Kinh Thánh

Người theo phái chấm dứt thường trích dẫn I Cô-rinh-tô 13:8-10 để củng cố cho quan điểm rằng một vài ân tứ đã ngừng được ban cho khi “sự trọn lành” hiện đến. Một vài người tin rằng “sự trọn lành” ở đây chỉ về sự hoàn thiện của Kinh Thánh. Quan điểm này cho rằng một khi Kinh Thánh đã được hoàn chỉnh thì không còn cần đến những dấu kỳ phép lạ của Đức Thánh Linh qua những kẻ tin nữa. Tuy nhiên, câu 12 chỉ rõ danh tính của “sự trọn lành” ấy: “Hiện nay chúng ta chỉ thấy qua gương một cách mập mờ; đến lúc ấy, chúng ta sẽ thấy mặt đối mặt. Hiện nay tôi biết có giới hạn; đến lúc ấy, tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.” Bởi vì chúng ta không thể nào thấy Kinh Thánh “mặt đối mặt”, hay được Kinh Thánh “biết” chúng ta, nên những người theo phái tiếp diễn xem phân đoạn Kinh Thánh này là chỉ về sự tái lâm của Chúa Giê-xu. Đến lúc đó sẽ không còn cần những ân tứ Thánh Linh nữa, bao gồm cả ân tứ tri thức (câu 8), vì chúng ta sẽ được ở trong sự hiện diện trực tiếp của chính Chúa Giê-xu.

Một câu khác cũng thường được trích dẫn là II Cô-rinh-tô 12:12. Người theo phái chấm dứt giữ quan điểm rằng các ân tứ kỳ diệu như nói các thứ tiếng, chữa bệnh, tiên tri và làm phép lạ đều được giới hạn dành riêng cho các vị sứ đồ để chứng nhận thẩm quyền của họ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng ghi lại những sự kiện Cơ Đốc Nhân không phải là sứ đồ thi hành các phép lạ và chữa bệnh trong hội thánh đầu tiên, như Ê-tiên (Công Vụ 6:8) và Phi-líp (Công Vụ 8:6–7). Các ân tứ nói tiếng lạ và nói tiên tri cũng phổ biến giữa vòng những người được đầy dẫy Đức Thánh Linh (Công Vụ 10:46; 19:6; I Cô-rinh-tô 14:5, 39; Ga-la-ti 3:5). Phao-lô cũng bao gồm những ân tứ kỳ diệu này khi viết thư cho hội thánh Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 12:4–11, 28). Phái tiếp diễn lập luận rằng nếu sự nói tiếng lạ, chữa bệnh và làm phép lạ chỉ được giới hạn trong vòng các sứ đồ, thì Phao-lô đã không nhắc tới chúng trong hướng dẫn của mình dành cho các thành viên khác trong hội thánh nhiều năm sau sự kiện Lễ Ngũ Tuần. Phao-lô khẳng định rằng, “Tôi ao ước tất cả anh em đều nói tiếng lạ, nhưng lại càng ao ước anh em nói tiên tri hơn” (I Cô-rinh-tô 14:5). Từ đây chúng ta có thể hiểu rằng Phao-lô không xem những ân tứ đó là dành riêng cho các sứ đồ. Quyền năng phi thường được bày tỏ qua các sứ đồ (Công Vụ 15:12) có thể do sự thật rằng chính Đức Chúa Giê-xu đã ban cho mười hai vị ấy năng lực để trở thành những sứ giả đặc biệt cho Ngài (Lu-ca 9:1). Những khả năng diệu kỳ của họ có thể không nhất thiết liên quan đến những ân tứ thuộc linh khác được Đức Thánh Linh ban cho tất cả những người tin Chúa.

2. Các thuật ngữ

Thuật ngữ Ân tứ Dấu lạ thường được sử dụng để nói rằng Đức Chúa Trời ban một vài năng lực nhất định cho các sứ đồ như là “dấu chỉ” để minh chứng cho chức sứ đồ của họ. Một số nhà thần học đã thách thức thuật ngữ này, khẳng định rằng mặc dù Kinh Thánh có nói đến một vài dấu lạ để chỉ ra một sứ đồ chân chính, nhưng không hề xác định rằng một vài ân tứ thuộc linh là dấu hiệu để chỉ về chức sứ đồ. Người theo phái tiếp diễn tin rằng khi Tân Ước nói về các “dấu lạ”, đó là chỉ về những năng lực siêu nhiên được Đức Chúa Trời ban cho bất cứ ai Ngài lựa chọn nhằm hoàn thành mục đích của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:3; Rô-ma 15:18–19; Hê-bơ-rơ 2:4; I Cô-rinh-tô 12:11). Thuật ngữ Ân tứ Dấu lạ không bao giờ được sử dụng như một cách xếp hạng riêng biệt trong vòng các ân tứ của Đức Thánh Linh.

Nói Tiên Tri là một thuật ngữ khác gây tranh cãi. Người theo phái chấm dứt viện dẫn những trường hợp một vài người theo phái tiếp diễn đã đánh đồng sự mặc khải cá nhân của họ với Kinh Thánh. Tuy nhiên, phần lớn người theo phái tiếp diễn đồng ý với phái chấm dứt rằng không một khải tượng nào ban cho loài người ngày nay có thể được sánh ngang với Lời Kinh Thánh đã quy điển. Tuy nhiên, phái tiếp diễn không thấy có chỗ nào trong Kinh Thánh chỉ ra rằng Đức Chúa Trời - Đấng ưa thích liên hệ với chúng ta, Đấng đã ban Kinh Thánh – không còn giao tiếp với con dân của Ngài nữa. Ân tứ nói tiên tri có thể bao gồm việc công bố lẽ thật trong Lời Chúa, nhưng cũng bao gồm sự mặc khải siêu nhiên mà Đức Chúa Trời ban cho các tôi tứ Ngài để ảnh hưởng những người khác một cách sâu rộng. Sứ đồ Phao-lô còn khuyến khích hội thánh “hãy ao ước các ân tứ thuộc linh, nhất là ân tứ nói tiên tri” (I Cô-rinh-tô 14:1).

3. Nói Tiếng Lạ Chủ đề về nói tiếng lạ vẫn luôn là một nguồn cơn gây hiểu lầm giữa các Cơ Đốc Nhân. Sự lạm dụng và dùng sai mục đích của nó đã tiếp thêm động lực cho phái chấm dứt tin rằng ân tứ này hoặc không còn được ban cho hoặc cũng không cần thiết nữa. Một số còn gán hiện tượng này cho hoạt động của ma quỷ hoặc rối loạn cảm xúc. Họ cũng tin rằng, nếu nói tiếng lạ vẫn còn là một ân tứ thật sự, thì mỗi một giáo sĩ đều phải được ban cho ân tứ này và không phải mất nhiều năm để học một ngôn ngữ mới.

Đáp lại, phái tiếp diễn lập luận rằng một vài thứ được cho là cảm thúc bởi Thánh Linh thật sự chỉ phát xuất từ cảm xúc quá khích và gây giựt gân mà thôi. Sa-tan và con người sa ngã đã luôn giả mạo công tác diệu kỳ của Đức Chúa Trời, và sẽ còn tiếp tục như vậy (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:10–11; Công Vụ 8:9, 11; Khải Huyền 13:14). Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng giả không phủ nhận sự hiện hữu của hàng thật. Trong Công Vụ 16:16, Phao-lô và Si-la bị khuấy rầy bởi một bé gái bị quỷ ám có năng lực nói tiên tri. Việc năng lực siêu nhiên của cô bé đến từ Sa-tan chứ không phải Đức Chúa Trời không khiến Phao-lô kết luận rằng tất cả ân tứ tiên tri đều có nguồn gốc từ ma quỷ (I Cô-rinh-tô 14:1). Trong Ma-thi-ơ 7:21-23, Chúa Giê-xu báo trước rằng sẽ có nhiều người nhận mình biết Ngài vì họ đã làm phép lạ nhân danh Chúa. Thực chất họ là những kẻ giả mạo, nhưng điều đó không đưa đến kết luận rằng tất cả những ai làm phép lạ đều là kẻ giả mạo.

Người theo phái tiếp diễn gợi ý rằng một phần sự bối rối về chủ đề này đến từ việc có thể có hai kiểu “nói tiếng lạ” được nhắc đến trong Công Vụ và các thư tín gửi cho người Cô-rinh-tô. Ân tứ được ban cho trong ngày Lễ Ngũ Tuần cho phép các sứ đồ nói được các ngôn ngữ của những người về dự lễ tại đó. Điều này tạo điều kiện cho phúc âm được lan tỏa nhanh chóng khắp các miền (Công Vụ 2:6-8). Tuy nhiên trong I Cô-rinh-tô 14, Phao-lô có vẻ đang nói đến một mục đích khác của việc nói tiếng lạ. Cả mười bốn chương đầu tiên là hướng dẫn dành cho hội thánh về mục đích và cách vận dụng ân tứ này, một trong số đó có thể là để thờ phượng Chúa (I Cô-rinh-tô 14:2, 14-16, 28).

Kinh Thánh ủng hộ cho quan điểm này được tìm thấy trong Công Vụ 10:45-46 khi Cọt-nây nhận lãnh Đức Thánh Linh. Ông bắt đầu ngợi khen Chúa bằng tiếng lạ, kể cả khi không có ai ở đó có nhu cầu nghe phúc âm bằng một ngôn ngữ khác. Một ví dụ khác là trong Công Vụ 19:6-7. Mười hai người đến từ Ê-phê-sô đã nhận lãnh Đức Thánh Linh và bắt đầu nói tiếng lạ, mặc dù không có ai hiện diện tại đó có nhu cầu nghe. Hội thánh Cô-rinh-tô thường bao gồm việc nói tiếng lạ trong thì giờ thờ phượng của họ, và không có dấu hiệu nào cho thấy, trong số những người dự nhóm, luôn có người cần được nghe một sứ điệp bằng ngôn ngữ của chính mình.

Trong I Cô-rinh-tô 14:28, Phao-lô tiếp tục những hướng dẫn của mình về việc vận dụng tiếng lạ trong khi thờ phượng tập thể: “Nếu không có ai thông dịch thì người nói phải yên lặng, chỉ nói với chính mình và với Đức Chúa Trời.” Điều này có thể ám chỉ rằng tiếng lạ có thể là một phương tiện để cầu nguyện “trong Đức Thánh Linh”, dẫn đến một góc nhìn khác cho những phân đoạn như I Cô-rinh-tô 14:14-15 và 28, Rô-ma 8:26, Ê-phê-sô 6:18, và Giu-đe 1:20. Phao-lô chưa bao giờ sửa phạt người Cô-rinh-tô vì sử dụng ân tứ này (I Cô-rinh-tô 14:39) nhưng chỉ nhắc nhở họ về việc dùng sai mục đích và gây ra sự hỗn loạn (câu 23 và 39). Chương thứ 14 kết lại với việc Phao-lô dạy dỗ họ “đừng ngăn trở việc nói các tiếng lạ. Nhưng hãy thực hiện mọi sự một cách thích hợp và trật tự” (I Cô-rinh-tô 14:39-40).

4. Lịch Sử Hội Thánh

Trường phái chấm dứt viện dẫn minh chứng lịch sử, cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy các ân tứ kỳ diệu được tiếp diễn sau sự qua đời của các sứ đồ. Tuy nhiên, phái tiếp diễn tin rằng lịch sử hội thánh bày tỏ điều ngược lại. Họ đưa ra những dẫn chứng sau đây:

Justin Martyr (100—165 SC), sử gia thời kỳ hội thánh đầu tiên, đã chép rằng “các ân tứ nói tiên tri vẫn còn ở lại với chúng tôi cho đến ngày nay. Vẫn có thể bắt gặp giữa vòng chúng tôi những người nam, người nữ sở hữu ân tứ của Thánh Linh Đức Chúa Trời.”

Irenaeus (125—200 SC) nói rằng, “Chúng tôi cũng có nghe rằng nhiều anh em trong hội thánh sở hữu ân tứ nói tiên tri và nhờ Đức Thánh Linh mà nói được đủ mọi thứ tiếng … Kể cả người chết cũng được gọi sống lại và tiếp tục ở với chúng tôi trong nhiều năm.”

Novatian (210—280 SC) nói rằng, “Chính Ngài [Đức Thánh Linh] đã đặt để những tiên tri trong hội thánh, dạy dỗ các giáo sư, điều khiển các thứ tiếng, ban năng lực và sự chữa lành, cùng thi hành nhiều công việc lạ lùng.”

Augustine (354—430 SC) thường được trưng dẫn là một trong các giáo phụ của hội thánh đầu tiên, là một người bác bỏ quan điểm tiếp diễn. Thời gian đầu đúng là có như vậy. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau của cuộc đời, ông đã bị tác động cách sâu sắc bởi sự chữa lành và các phép lạ mà ông tận mắt chứng kiến, nên đã viết trong tác phẩm Thành của Đức Chúa Trời rằng: “Tôi bị áp lực phải mau hoàn thành quyển sách này như đã hứa nên không thể ghi chép lại hết tất cả những phép lạ mà tôi đã biết.”

Các học giả Kinh Thánh cận đại hơn như John Wesley, A. W. Tozer, R. A. Torrey, và J. P. Moreland cũng đều tin rằng tất cả các ân tứ Thánh Linh vẫn còn đang hoạt động trong thế giới ngày nay, và chính họ cũng đã thi hành một vài ân tứ trong số đó.

5. Lập Luận Từ Sự Im Lặng

Trường phái chấm dứt chỉ ra rằng chỉ có các thư tín sớm nhất của Phao-lô là chứa đựng các ân từ kỳ diệu. Các thư tín về sau như Ê-phê-sô không hề nhắc đến chúng. Kết luận của họ là các ân tứ này hẳn đã phải “chết dần” sau khi hội thánh được thành lập vững vàng. Tuy nhiên, phái tiếp diễn chỉ ra rằng đây là một lập luận từ sự im lặng, vốn là một ngụy biện logic. Sự thiếu vắng thông tin tham chiếu về một chủ đề nào đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc hướng dẫn trước đó đã thay đổi. Nó có thể là vì các ân tứ kỳ diệu không phải là vấn đề gây rối loạn hội thánh tại Ê-phê-sô giống như ở Cô-rinh-tô, và các vấn đề khác là đáng quan tâm hơn đối với Phao-lô. Danh sách các ân tứ tìm thấy trong Rô-ma 12:6-9, I Cô-rinh-tô 12:4–11, và I Phi-e-rơ 4:10–11 không hề giống hệt nhau và có vẻ không có dấu hiệu sẽ cạn kiệt.

Các học giả Kinh Thánh chia nhau ủng hộ cả hai phía. Phái chấm dứt tin rằng Lời được thần cảm của Đức Chúa Trời là tất cả những gì chúng ta cần để sống theo ý muốn của Đấng Christ. Phái tiếp diễn khẳng định rằng Đức Thánh Linh, Đấng đã được ban cho đầy dẫy trong Công Vụ 2 vẫn đang tiếp tục công tác của Ngài, với tất cả những ân tứ siêu nhiên được nhắc đến trong Kinh Thánh. David Martyn Lloyd-Jones, một nhà thần học thế kỷ 19, người thường được nhắc đến là ủng hộ phái chấm dứt, nói rằng: “Mỗi Cơ Đốc Nhân phải luôn tìm kiếm điều tốt nhất và cao trọng nhất. Chúng ta không bao giờ nên thỏa mãn với bất cứ thứ gì kém hơn những điều đã được mô tả là khả thi đối với các Cơ Đốc Nhân khác trong Tân Ước.” Đáp lại lời bình này, cả hai trường phái đều có thể nói, “A-men.”

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Trường phái tiếp diễn (Chủ nghĩa tiếp diễn) là gì? Thế nào là một người theo trường phái tiếp diễn?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries