settings icon
share icon
Câu hỏi

Cầu nguyện là tương giao với Đức Chúa Trời nghĩa là thế nào?

Trả lời


Để hiểu được đặc tính của mối tương giao của Đức Chúa Trời với chúng ta và của chúng ta với Ngài, chúng ta cần bắt đầu với một vài nguyên tắc quan trọng. Trước tiên là Đức Chúa Trời chỉ nói sự thật. Ngài không bao giờ nói dối, và Ngài cũng chẳng bao giờ lừa gạt. Gióp 34:12 tuyên bố rằng, “Chắc chắn Ðức Chúa Trời không bao giờ làm điều gian ác; Ðấng Toàn Năng không bẻ cong công lý bao giờ.” Nguyên tắc thứ hai là Kinh Thánh chính là lời của Đức Chúa Trời. Từ "Kinh Thánh" trong tiếng Hy Lạp, là graphe, được sử dụng 51 lần trong Tân Ước để mô tả các bản văn Cựu Ước. Phao-lô khẳng định trong 2 Ti-mô-thê 3:16 rằng những lời này theo đúng nghĩa là "được Đức Chúa Trời hà hơi." Từ graphe cũng áp dụng đối với Tân Ước, đặc biệt là khi Phi-e-rơ gọi các thư tín của Phao-lô là "kinh thánh" trong 2 Phi-e-rơ 3:16, và cũng như khi Phao-lô (trong 1 Ti-mô-thê 5:18) trích dẫn lời của Chúa Giê-xu như được tìm thấy trong Lu-ca 10:7 và gọi những lời của Ngài là "kinh thánh.” Vì vậy, một khi chúng ta làm cho vững chắc rằng bản văn của Tân Ước thuộc về thể loại đặc biệt “kinh thánh,” là chúng ta cũng đã đúng trong việc ứng dụng 2 Ti-mô-thê 3:16 vào trong bản văn ấy, nói như thế có nghĩa là bản văn đó cũng có những đặc tính mà Phao-lô quy cho là “cả kinh thánh.” Lời ấy là “được Đức Chúa Trời hà hơi,” và tất cả những lời ấy chính là lời của Đức Chúa Trời.

Tại sao thông tin này thích đáng đối với chủ đề của sự cầu nguyện? Giờ đây chúng ta đã xác định rằng Đức Chúa Trời chỉ nói sự thật và Kinh Thánh chính là lời của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể đến với hai kết luận về mối tương giao với Đức Chúa Trời một cách hợp lý như sau. Thứ nhất, vì Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời nghe con người (Thi thiên 17:6, 77:1; Ê-sai 38:5), con người có thể tin rằng khi họ đang ở trong mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời và họ thưa chuyện cùng Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời sẽ nghe họ. Thứ hai, vì Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời, con người có thể tin rằng khi họ đang ở trong mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời và họ đọc Kinh Thánh, thì thật sự là họ đang nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời. Mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời chính là điều cần thiết cho sự tương giao giữa Đức Chúa Trời và con người được minh chứng trong ba cách. Thứ nhất là xoay bỏ khỏi tội lỗi, hay ăn năn. Ví dụ như Thi thiên 27:9, là lời Đa-vít cầu xin Đức Chúa Trời lắng nghe ông chớ đừng từ bỏ ông trong cơn thạnh nộ. Từ điều này, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời quay mặt trước tội lỗi của con người và rằng tội lỗi ngăn trở mối tương giao giữa Đức Chúa Trời và con người. Một ví dụ khác về điều này được tìm thấy trong Ê-sai 59:2, khi Ê-sai nói với mọi người, " Nhưng ấy là vì tội lỗi của các ngươi đã làm cách biệt các ngươi với Ðức Chúa Trời; Những tội lỗi của các ngươi đã làm Ngài lánh mặt, để Ngài không nghe các ngươi nữa." Vì vậy, khi có tội lỗi chưa được xưng ra trong cuộc sống của chúng ta, nó sẽ ngăn trở mối tương giao với Đức Chúa Trời.

Tấm lòng khiêm nhường cũng là điều cần thiết cho mối tương giao. Đức Chúa Trời nói những lời này trong Ê-sai 66:2, “Đây mới là kẻ Ta ưa đoái đến: Kẻ luôn nhận biết mình là người nghèo khó, có tâm linh biết thống hối đau buồn, và biết run sợ trước lời Ta phán dạy.” Điều thứ ba là đời sống công chính. Đây là mặt tích cực của việc xoay bỏ khỏi tội lỗi và được đánh dấu đặc biệt bởi sự hiệu quả trong lời cầu nguyện. Gia-cơ 5:16 nói, " Lời cầu nguyện của người công chính rất quyền năng và linh nghiệm."

Chúng ta thưa chuyện cùng Đức Chúa Trời có thể qua giọng nói, trong tâm trí, hoặc viết bằng chữ. Chúng ta có thể tự tin rằng Ngài sẽ nghe chúng ta và Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta cầu nguyện cho những gì mà chúng ta cần cầu nguyện. Rô-ma 8:26 nói rằng, “Cũng vậy, Ðức Thánh Linh giúp chúng ta trong khi chúng ta yếu đuối. Chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho đúng, nhưng chính Ðức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta.”

Đối với cách mà Đức Chúa Trời truyền đạt lại cho chúng ta, chúng ta cần phải tìm kiếm điều Đức Chúa Trời phán với chúng ta chủ yếu là qua lời Kinh Thánh, thay vì tin rằng Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn đặt những ý tưởng trực tiếp vào trong tâm trí chúng ta để hướng dẫn cho chúng ta hướng đến những hành động hoặc quyết định cụ thể. Bởi vì khả năng tự lừa dối của chúng ta, nên việc chấp nhận ý kiến cho rằng bất kỳ và mọi ý tưởng đi vào trong tâm trí của chúng ta là đến từ Đức Chúa Trời là sự thiếu khôn ngoan. Đôi khi, liên quan đến các vấn đề cụ thể trong đời sống của chúng ta, Đức Chúa không phán trực tiếp với chúng ta qua Kinh Thánh, và việc bị cám dỗ để tìm kiếm sự mặc khải ngoài Kinh Thánh trong những trường hợp như thế là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, trong những lúc ấy, để tránh việc gán cho là Đức Chúa Trời nói và/hoặc là mở cho chính mình cơ hội bị lừa dối, thì khôn ngoan nhất là tìm những câu trả lời bằng cách tham khảo các nguyên tắc Kinh Thánh mà Ngài đã ban cho chúng ta.

Điều cũng được cho là thích đáng là cầu nguyện tha thiết cho sự khôn ngoan để đi đến những kết luận đúng, vì Ngài đã hứa ban sự khôn ngoan cho những người xin nó. “Nếu ai trong anh chị em thiếu khôn ngoan, người ấy hãy cầu xin Ðức Chúa Trời, Ðấng ban cho mọi người cách rộng rãi và không hề phiền trách, thì người ấy sẽ được ban cho.” (Gia-cơ 1:5). Cầu nguyện là tương giao với Đức Chúa Trời nghĩa là thế nào?” Cầu nguyện là lời từ trong tấm lòng chúng ta trình dâng lên cho Cha Thiên Thượng, và, ngược lại, là điều Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua Lời của Ngài và hướng dẫn chúng ta bởi sự dẫn dắt của Thánh Linh của Ngài.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Cầu nguyện là tương giao với Đức Chúa Trời nghĩa là thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries