Câu hỏi
Tuyên xưng đức tin là gì?
Trả lời
Tuyên xưng một điều gì đó là công khai tuyên bố điều đó. Khi chúng ta sử dụng thuật ngữ tuyên xưng đức tin, chúng ta thường đề cập đến lời tuyên bố công khai của một người về ý định đi theo Chúa Giê-su Christ là Chúa và Đấng Cứu Chuộc. Bởi vì lời nói không phải lúc nào cũng phản ánh tình trạng thực sự của tấm lòng, nên việc tuyên xưng đức tin không phải lúc nào cũng là sự bảo đảm cho sự cứu rỗi thực sự.
Rô-ma 10:9–10 cho thấy giá trị của lời tuyên xưng đức tin nơi Đấng Christ: “Nếu miệng anh em tuyên xưng rằng: ‘Đức Chúa Jêsus là Chúa,’ và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì anh em sẽ được cứu. Vì tin bởi lòng mình mà được xưng công bình, và xưng đức tin bởi miệng mình mà được cứu.” Lời tuyên xưng bằng miệng đi kèm với đức tin trong lòng. Những người được cứu sẽ nói về sự cứu rỗi của họ—ngay cả khi lời tuyên xưng đó có thể dẫn đến cái chết, như trường hợp của những Cơ Đốc nhân ở Rô-ma mà Phao-lô đã viết thư cho.
Phần của chúng ta trong sự cứu rỗi là rất nhỏ vì sự cứu rỗi là một công việc thuộc linh được thực hiện bởi Đức Thánh Linh. Lời nói của chúng ta không cứu chúng ta. Sự cứu rỗi đến từ ân điển qua sự ban cho đức tin (Ê-phê-sô 2:8–9), không phải qua lời nói chúng ta nói ra. Sự khiển trách của Chúa Giê-su về sự giả hình của người Do Thái dựa trên lời tuyên bố trống rỗng của họ: “Hỡi kẻ giả-hình, Ê-sai đã nói tiên-tri về việc các ngươi phải lắm, như có chép rằng: "Dân nầy lấy môi miếng tôn-kính ta, nhưng lòng chúng nó cách xa ta lắm’” (Mác 7:6).
Trong thời hội thánh đầu tiên và ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay, việc xưng nhận Chúa Giê-su là Chúa có thể phải trả giá đắt. Tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giê-su là Đấng Mê-si sẽ dẫn đến sự bắt bớ, thậm chí tử hình đối với những tín đồ Do Thái (Công vụ 8:1). Đó là lý do Phi-e-rơ ba lần phủ nhận việc ông biết Chúa Giê-su (Mác 14:66-72). Sau khi Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, thăng thiên trở về trời và sai Đức Thánh Linh ngự trong những người tin, các môn đồ trước đây sợ hãi đã mạnh dạn xưng nhận Chúa Giê-su trên các đường phố và trong các nhà hội (Công vụ 1–2). Lời tuyên xưng đức tin của họ đã thu hút được những người cải đạo nhưng cũng gây ra sự bắt bớ (Công vụ 2:1–41; 4:1–4). Họ từ chối ngừng nói về Chúa Giê-su, nhớ lại lời của Ngài đã phán: “Vì nếu ai hổ-thẹn về ta và lời ta, thì Con Người sẽ hổ-thẹn về họ, khi Ngài ngự trong sự vinh-hiển của mình, của Cha, và của thiên-sứ thánh mà đến” (Lu-ca 9:26). Vì vậy, mục đích của việc chúng ta tuyên xưng đức tin là tuyên bố rằng chúng ta không xấu hổ khi được gọi là môn đồ của Ngài.
Tất nhiên, lời nói mà không có sự thay đổi trong lòng thì chỉ là lời nói. Một lời tuyên xưng đức tin đơn thuần, không có đức tin tương ứng thật sự, thì không có sức mạnh để cứu rỗi hay thay đổi chúng ta. Trên thực tế, Chúa Giê-su đã cảnh báo rằng nhiều người nghĩ rằng họ được cứu rỗi vì một lời tuyên xưng sẽ có ngày nhận ra rằng họ chưa bao giờ thuộc về Ngài: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên-tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian-ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:21–23). Vì vậy, chỉ đơn giản tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giê-su, ngay cả khi lời tuyên xưng đó đi kèm với những việc làm lành, thì cũng không đảm bảo sự cứu rỗi. Phải có sự ăn năn tội (Mác 6:12). Chúng ta phải được tái sinh (Giăng 3:3). Chúng ta phải theo Chúa Giê-su làm Chúa của cuộc đời mình, bằng đức tin.
Tuyên xưng đức tin là khởi đầu cho một cuộc đời môn đồ bước đi theo Chúa Giê-su (Luca 9:23). Có nhiều cách để tuyên xưng đức tin, cũng như có nhiều cách để chối bỏ Chúa Giê-su. Ngài phán, “Ta nói cùng các ngươi, ai sẽ xưng ta trước mặt thiên-hạ, thì Con người cũng sẽ xưng họ trước mặt thiên-sứ của Đức Chúa Trời” (Luca 12:8). Một trong những tuyên xưng công khai như vậy là phép báp têm, đây là bước đầu tiên của sự vâng phục khi bước theo Chúa Giê-su là Chúa (Công vụ 2:38). Nhưng phép báp têm cũng không đảm bảo sự cứu rỗi. Hàng ngàn người đã được dìm mình, rảy nước hoặc chấm nước, nhưng nghi lễ đó không thể cứu rỗi. “Thần-linh làm cho sống, xác-thịt chẳng ích chi” (Giăng 6:63). Phép báp têm cần phải tượng trưng cho sự sống mới mà chúng ta có trong Đấng Christ, sự biến đổi thật sự có từ trong tấm lòng. Nếu không có sự sống mới và sự biến đổi tấm lòng đó, phép báp têm và các lời tuyên xưng đức tin khác chỉ đơn thuần là các nghi lễ tôn giáo, tự chúng không có sức mạnh.
Sự cứu rỗi xảy ra khi Đức Thánh Linh ngự vào một tấm lòng ăn năn và bắt đầu công việc thánh hóa của Ngài để khiến chúng ta giống Chúa Giê-su hơn (Rô-ma 8:29). Khi Chúa Giê-su giải thích hành động này với Ni-cô-đem trong Giăng chương 3, Ngài đã so sánh sự chuyển động của Đức Thánh Linh với gió. Chúng ta không thể nhìn thấy gió, nhưng chúng ta thấy nơi nó đã đến vì nó thay đổi mọi thứ nó chạm vào. Cỏ lay động, lá rung chuyển, da thịt mát lạnh nên không ai nghi ngờ gió đã đến. Đức Thánh Linh cũng vậy. Khi Ngài ngự vào một tấm lòng tin cậy, Ngài bắt đầu thay đổi người tín hữu. Chúng ta không thể nhìn thấy Ngài, nhưng chúng ta nhận biết Ngài đã ở đâu vì các giá trị thay đổi, quan điểm thay đổi và sự khát khao bắt đầu phù hợp với Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta tuyên xưng Chúa Giê-su trong mọi việc chúng ta làm và tìm cách tôn vinh Ngài (1 Cô-rinh-tô 10:31). Cách chúng ta sống là một lời tuyên xưng đức tin chắc chắn hơn là chỉ nói suông. Lời nói rất quan trọng và một người tin vào Đấng Christ sẽ không xấu hổ khi nhận ra điều đó. Có những lúc Chúa Giê-su thúc đẩy việc tuyên xưng đức tin bằng lời nói (ví dụ, Ma-thi-ơ 16:15), nhưng Ngài cũng thúc đẩy nhiều hơn là lời nói: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo Ta, thì thật là môn đồ Ta” (Giăng 8:31).
English
Tuyên xưng đức tin là gì?