settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về ăn/uống huyết?

Trả lời


Trong Công vụ 10, sứ đồ Phi-e-rơ bắt đầu nhận ra Cơ Đốc giáo mới này khác biệt như thế nào so với Do Thái giáo. Trong lúc cầu nguyện trên mái nhà, chờ đợi bữa trưa, Phi-e-rơ được ban cho một khải tượng. “Có vật gì giống như tấm khăn lớn buộc bốn góc sa xuống đất” chứa đựng nhiều loại động vật. Có tiếng khích lệ ông ăn. Phi-e-rơ khựng lại vì nhận ra rằng một số động vật trong tấm khăn đó bị cấm ăn theo luật Do Thái. Tấm khăn đó đã sa xuống ba lần, và ba lần Phi-e-rơ đều từ chối.

Khải tượng đó có hai mục đích. Mục đích rõ ràng nhất là dưới Giao Ước Mới, những quy tắc lễ nghi về sự giới hạn trong chế độ ăn uống đã được bỏ đi. Những Cơ Đốc nhân được biệt riêng và được nhận biết bởi lòng yêu thương của họ (Giăng 13:35), chứ không phải bằng bữa ăn trưa của họ. Lý do thứ hai có ý nghĩa sâu hơn là sự cứu rỗi của Đấng Christ đã mở ra cho Dân ngoại, giống như với người Do Thái (Công vụ 11:18). Ngay sau khải tượng, Phi-e-rơ đã được viếng thăm bởi một vài sứ giả đến từ một viên đội trưởng (Dân ngoại), tên là Cọt-nây đã sẵn sàng tiếp nhận Chúa một cách cá nhân (Công vụ 10:1-8.)

Những Cơ Đốc nhân ăn thịt biết và thích thú với sứ điệp của khải tượng của Phi-e-rơ. Nhưng khải tượng này không đề cập trực tiếp đến chủ đề ăn huyết, trừ phi điều đó được bao gồm trong sự hủy bỏ luật chế biến thức ăn theo luật Do Thái.

Sự cấm đầu tiên của Kinh Thánh chống lại việc ăn huyết xuất hiện trong Sáng thế ký 9:2-4, nơi mà Đức Chúa Trời bảo Nô-ê, “Bất cứ loài vật nào di chuyển và có sự sống đều dùng làm thức ăn cho các con. Ta ban cho các con mọi vật ấy như Ta đã ban rau cỏ xanh cho các con. Nhưng các con không được ăn thịt còn máu, tức là còn sự sống”. Lệnh cấm này rất có thể là lệnh cấm ăn máu sống (tức là thịt chưa được nấu chín). Vì lần đầu tiên động vật là một nguồn thực phẩm được cho phép nên Đức Chúa Trời muốn làm chắc rằng Nô-ê không ăn sống chúng. Một bản dịch Kinh thánh Do Thái nhận xét câu Kinh thánh này: “Nhưng thịt bị xé từ một con thú sống tại thời điểm sự sống vẫn còn ở trong nó, hoặc bị xé từ một con thú trong khi nó bị giết, trước khi tất cả hơi thở của nó tắt đi thì các ngươi không nên ăn”.

Sau đó, sự cấm trong Sáng thế ký 9:4 được nhắc lại trong Luật pháp của Môi-se. Lê-vi ký 17:14 giải thích lý do đằng sau mạng lệnh đó: “Vì sinh mạng của mọi loài xác thịt đều nằm ở trong huyết của nó”.

Rất quan trọng để hiểu rằng những tín đồ Tân Ước nơi Chúa Giê-xu có sự tự do khỏi Luật pháp của Môi-se, và chúng ta phải “đứng vững vàng” trong sự tự do đó (Ga-la-ti 5:1). Chúng ta không ở dưới Luật pháp, nhưng ở dưới ân điển. “Vì thế, đừng để ai xét đoán anh em về đồ ăn, thức uống…” (Cô-lô-se 2:16). Vậy, ăn thịt bò tái, dồi tiết heo, tiết canh có thể không ngon đối với mọi tín đồ, nhưng có thể được phép ăn.

Có một đoạn Kinh Thánh khác để xem xét. Trong Công vụ 15, một câu hỏi dấy lên trong Hội Thánh ban đầu liên quan đến điều gì là cần thiết để được cứu. Cụ thể, Dân ngoại có cần phải chịu phép cắt bì để được cứu không? (Công vụ 15:1). Vấn đề này đã được nêu lên trong Hội Thánh xứ An-ti-ốt Sy-ri-a, nơi có sự pha trộn giữa người Do Thái và Dân ngoại quay về với Chúa. Để nói đến vấn đề quan trọng này, những người lãnh đạo của Hội Thánh đã nhóm lại ở thành Giê-ru-sa-lem cho hội đồng giáo hội đầu tiền. Họ đã kết luận rằng, Dân ngoại không cần phải theo Luật pháp của Môi-se; phép cắt bì không phải là một phần của sự cứu rỗi (câu 19).

Tuy nhiên, trong câu 29, những người lãnh đạo đã viết một bức thư với những hướng dẫn sau cho Dân ngoại trong thành An-ti-ốt: “Phải kiêng của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngạt, và chớ gian dâm. Anh em giữ mọi điều ấy là tốt”. Đến điểm này, trước tiên chúng ta phải giữ bối cảnh trong tâm trí mình. Tất cả bốn mạng lệnh từ Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ốt đều giải quyết những sự thực hành ngoại giáo liên quan đến sự thờ thần tượng. Hầu hết, nếu không phải tất cả, những Dân ngoại quay về với Chúa ở thành An-ti-ốt đều được cứu ra khỏi ngoại giáo. Những người lãnh đạo Hội Thánh đang khích lệ những tín đồ Dân ngoại mới thay đổi hoàn toàn lối sống cũ của họ và đừng gây cớ vấp phạm cho anh em Do Thái của họ trong Hội Thánh. Sự hướng dẫn này không có ý định đảm bảo sự cứu rỗi nhưng để thúc đẩy sự bình an trong Hội Thánh ban đầu.

Sau đó, Phao-lô giải quyết vấn đề đó lại. Không có vấn đề gì đối với việc ăn của cúng thần tượng, Phao-lô nói. “Không có vật gì tự nó là ô-uế” (Rô-ma 14:14). Nhưng nếu thức ăn gây cớ vấp phạm cho lương tâm của anh em trong Đấng Christ, Phao-lô nói “tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để khỏi gây cớ vấp phạm cho anh em thôi” (I Cô-rinh-tô 8:13). Đây cũng là mối bận tâm của những người lãnh đạo Do Thái trong Công vụ 15: nếu những tín đồ Dân ngoại ăn thịt có huyết thì những tín đồ Do Thái có thể sẽ bị cám dỗ khiến cho lương tâm của họ bị vấp phạm và cũng gia nhập vào bữa tiệc đó. Lương tâm của một người là điều thiêng liêng và chúng ta không dám hành động chống lại nó (xem I Cô-rinh-tôi 8:7-12 và Rô-ma 14:5).

Tóm lại, ăn thịt bò chín hay tái là vấn đề của lương tâm và sở thích. Những gì vào miệng không làm chúng ta ô uế (xem Ma-thi-ơ 15:17-18; Mác 7:15-23; 1 Ti-mô-thê 4:4). Ăn dồi tiết heo, tiết canh, huyết, hột vịt lộn có thể không hấp dẫn đối với mọi người, nhưng nó không phải là tội lỗi. Chúng ta sống dưới ân điển (Rô-ma 6:14; Ê-phê-sô 2:8-9). Chúng ta có tự do trong Đấng Christ (Ga-la-ti 5:1). Những người khác có thể có sự thuyết phục khác về đồ ăn thức uống và trong tình huống đó chúng ta tình nguyện giới hạn sự tự do của chúng ta để phục vụ họ và Đức Chúa Trời một cách tốt hơn. “Vậy, chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại sự hoà thuận và xây dựng cho nhau” (Rô-ma 14:19).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về ăn/uống huyết?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries