settings icon
share icon
Câu hỏi

Cơ Đốc nhân nên phản ứng như thế nào khi bị bắt nạt?

Trả lời


Kinh Thánh không nói cụ thể về những kẻ bắt nạt hay nạn bắt nạt, nhưng có nhiều nguyên tắc Kinh Thánh áp dụng cho vấn đề này. Đầu tiên, điều quan trọng là phải hiểu bắt nạt là gì? Một định nghĩa đơn giản sẽ là "sử dụng năng lực hoặc sức mạnh vượt trội để đe dọa mọi người." Những kẻ bắt nạt là những kẻ săn tìm những người mà chúng cho là yếu hơn và đe dọa họ bằng những sự làm hại, hoặc thực sự làm hại họ, để có được điều họ muốn bất chấp sự chống đối. Rõ ràng, bắt nạt là không tin kính. Cơ Đốc nhân được kêu gọi yêu thương người khác và quan tâm đến những người yếu đuối hơn, không đe dọa hay thao túng con người (Gia-cơ 1:27; 1 Giăng 3:17-18; Ga La Ti 6:9–10). Rõ ràng là Cơ Đốc nhân không nên là những kẻ bắt nạt, Cơ Đốc nhân nên phản ứng như thế nào với sự bắt nạt?

Nói chung, có hai tình huống trong đó một Cơ đốc nhân có thể cần phải đáp trả với nạn bắt nạt: khi anh ta là nạn nhân của nạn bắt nạt và khi anh ta là nhân chứng của nạn bắt nạt. Khi bị bắt nạt, một phản ứng đúng đắn có thể là đưa má còn lại ra, hoặc đó có thể là tự vệ. Khi Chúa Giê-su nói về việc "đưa má bên kia ra" trong Ma-thi-ơ 5:38–42, Ngài đã dạy chúng ta phải kiềm chế không trả đũa những sự coi thường cá nhân. Ý tưởng là không trả đủa một sự xúc phạm bằng một sự xúc phạm. Khi ai đó lăng mạ chúng ta bằng lời nói, chúng ta không đáp lại sự sỉ nhục của anh ta bằng những lời lăng mạ của chính chúng ta. Khi ai đó cố gắng khẳng định vị trí quyền lực của mình để đe dọa chúng ta hoặc buộc chúng ta vào một hành vi nhất định nào đó, chúng ta có thể chống lại sự thao túng của người đó mà không trở nên quỷ quyệt giống người đó. Nói tóm lại, bắt nạt một kẻ bắt nạt không đúng với Kinh Thánh và, rõ ràng là nó không hữu ích. Tuy nhiên, tố cáo kẻ bắt nạt cho các cơ quan có thẩm quyền thích hợp là điều nên làm. Không sai khi một đứa trẻ ở trường cảnh báo với giáo viên của mình về những kẻ bắt nạt. Không sai khi một người báo cáo một kẻ lừa đảo cho cảnh sát. Những hành động như vậy có thể giúp ngăn chặn kẻ bắt nạt làm hại người khác. Ngay cả khi chúng ta không trả đũa ở cấp độ cá nhân, chúng ta vẫn có thể sử dụng các hệ thống công lý xã hội.

Trong các trường hợp khác, đặc biệt nếu bắt nạt về thể chất, tự vệ có thể là điều phù hợp. Kinh Thánh không ủng hộ chủ nghĩa hòa bình hoàn toàn. Những chỉ dẫn của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên trong Xuất Ê-díp-tô Ký 22 và sự hướng dẫn của Chúa Giê-su cho các môn đồ của Ngài để có được một thanh gươm trong Lu-ca 22 cho thấy điều này. Cơ Đốc nhân phải yêu thương và tha thứ, nhưng không được cho phép điều ác lấn lướt.

Khi một Cơ Đốc nhân quan sát thấy nạn bắt nạt, có thể đến để can thiệp và giúp ngăn chặn cuộc tấn công chống lại nạn nhân. Mỗi tình huống sẽ khác nhau, và nhiều trường hợp việc can thiệp vào sẽ làm tăng thêm vấn đề, nhưng thường thì chỉ cần một người đứng lên thay mặt cho một bên yếu hơn để dừng sự bắt nạt và ngăn chặn nó trong tương lai. Chắc chắn, một Cơ đốc nhân có thể nói chuyện với một nạn nhân bị bắt nạt sau vụ việc và giúp đỡ nạn nhân với bất kỳ nhu cầu nào, bao gồm cả sự hỗ trợ trong việc báo cáo vụ việc.

Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là cần thiết trong mọi trường hợp đối mặt với nạn bắt nạt. Những người tin theo Đấng Christ có Đức Thánh Linh sống bên trong họ. Ngài giúp chúng ta hiểu Lời Đức Chúa Trời và có thể hướng dẫn chúng ta và trang bị cho chúng ta để vâng lời Đức Chúa Trời trong bất kỳ tình huống nào chúng ta tham dự vào.

Chúng ta cũng cần phải xem xét những suy nghĩ và thái độ của mình đối với những kẻ bắt nạt. Thật dễ dàng để “ma quỷ hóa” những kẻ bắt nạt và coi họ là những người đáng ghét. Tuy nhiên, đây không phải là một thái độ tin kính. Mỗi con người được sinh ra là một tội nhân, và tất cả chúng ta đều cần sự cứu rỗi trong Chúa Giê-su (Rô-ma 3:23; 6:23). Ít nhất, chúng ta nên cầu nguyện rằng kẻ bắt nạt sẽ có một sự thay đổi trong lòng và biết sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời (1 Ti-mô-thê 2:1-4). Tuy nhiên, nhiều lần, những kẻ bắt nạt hành động theo cách họ làm xuất phát từ tổn thương của chính họ. Có lẽ họ đã bị bắt nạt trong quá khứ. Có lẽ họ cảm thấy bất an, và cách duy nhất họ có thể cảm thấy được chấp nhận với chính mình là coi thường người khác. Chúng ta có thể đồng cảm với sự tổn thương của họ và bày tỏ lòng trắc ẩn, tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời cho họ đồng thời duy trì ranh giới vững chắc để giải quyết hành vi sai trái của họ. Cho dù bắt nạt được thúc đẩy bởi sự tổn thương trong quá khứ hay chỉ đơn giản là bản chất tội lỗi, Đức Chúa Trời là Đấng có thể mang lại sự chữa lành, phục hồi và thay đổi. Luôn luôn là thích hợp để cầu nguyện cho cả những kẻ bắt nạt và nạn nhân của chúng. Tương tự như vậy, khi chúng ta là nạn nhân của nạn bắt nạt, chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời với nỗi đau của mình và tìm kiếm sự trấn an và chữa lành của Ngài.

Roma 12:17-21 cho biết, “Đừng lấy ác báo ác. Hãy thực hành điều thiện trước mặt mọi người. Phải cố sức sống hòa bình với mọi người. Anh chị em yêu dấu, đừng báo thù. Hãy để cho Đức Chúa Trời báo ứng. Vì Thánh Kinh đã chép: “Báo ứng là việc của Ta; Ta sẽ thưởng phạt.” Chúa Hằng Hữu phán vậy. Nhưng: “Nếu kẻ thù con có đói, nên mời ăn. Nếu họ có khát, hãy cho uống. Làm như thế chẳng khác gì con lấy than hồng chất lên đầu họ.” Đừng để điều ác thắng mình, nhưng phải lấy điều thiện thắng điều ác.”

Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta lòng thương xót đáng kinh ngạc. Chúng ta nên bày tỏ cho người khác thấy điều này trong cách chúng ta cư xử — bằng cách không bắt nạt, bằng cách đứng lên bảo vệ kẻ yếu, bằng cách sẵn sàng tha thứ, bằng cách ngăn chặn bắt nạt hết sức có thể thông qua các kênh xã hội thích hợp, và bằng cách cầu nguyện cho những người bắt nạt và những người bị bắt nạt. Tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời đủ để chữa lành mọi vết thương.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Cơ Đốc nhân nên phản ứng như thế nào khi bị bắt nạt?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries