Câu hỏi
Câu chuyện của Cựu Ước là gì?
Trả lời
Ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời đã ở đó. Theo ý tốt lành của Ngài, Đức Chúa Trời đã dựng nên thời gian và vũ trụ bằng quyền năng của Lời Ngài, biến không có gì thành có gì. Vào ngày sáng tạo thứ sáu, Đức Chúa Trời đã tạo nên một điều độc nhất đó là loài người — một người nam và một người nữ — được tạo ra giống như hình ảnh của Ngài (Sáng Thế Ký 1:26-27). Khi Đức Chúa Trời dựng nên hai con người đầu tiên là nam và nữ, Ngài đã thiết lập giao ước hôn nhân (Sáng thế ký 2:22-25).
Đức Chúa Trời đặt người đàn ông và vợ của mình trong Vườn Địa Đàng, một môi trường hoàn hảo, và cho họ trách nhiệm chăm sóc khu vườn. Đức Chúa Trời cho phép họ ăn bất cứ trái cây nào trong vườn nhưng có một cây họ bị cấm không được ăn là cây biết điều thiện và ác. Họ có một sự lựa chọn để tuân theo hoặc bất tuân, nhưng Đức Chúa Trời đã cảnh báo họ rằng sự chết sẽ xảy ra nếu họ không vâng lời (Sáng thế ký 2:15-17).
Trong khi đó, một thiên thần hùng mạnh tên Lucifer đã nổi dậy chống lại Đức Chúa Trời trên thiên đàng. Hắn ta và một phần ba đạo thiên binh bị đuổi ra khỏi thiên đàng. Lucifer đi vào khu vườn nơi người đàn ông và vợ anh ta đang ở đó. Ở đó, hắn mặc lấy hình dạng một con rắn và cám dỗ Ê-va, người phụ nữ đầu tiên, không vâng lời Chúa bằng cách ăn trái cấm. Hắn ta nói với cô ấy rằng cô ấy sẽ không chết và trái đó thực sự tốt cho cô ấy. Cô ấy đã tin những lời dối trá và ăn vài trái đó. Sau đó, cô ấy đã đưa trái cây đó cho chồng mình là A-đam, và anh ta cũng ăn nó. Ngay lập tức, cả hai người biết rằng họ đã làm sai. Họ cảm thấy xấu hổ, dễ bị tổn thương và lõa lồ. Khi Đức Chúa Trời tìm kiếm họ, họ đã trốn (Ê-sai 14:12-15; Sáng thế ký 3:1-10).
Tất nhiên, Đức Chúa Trời đã tìm thấy họ. Sự phán quyết đã được đưa ra. Đất bị nguyền rủa vì lợi ích của con người: nó sẽ không còn sản sinh ra kết quả một cách dễ dàng nữa; thay vào đó, con người phải làm việc cực nhọc để làm ra vụ mùa. Người phụ nữ bị nguyền rủa với cơn đau khi sinh con. Con rắn đã bị nguyền rủa phải bò trong bụi đất từ đó trở đi. Và rồi Đức Chúa Trời đã hứa: một ngày nào đó, Một người nào đó sẽ được sinh ra từ một người nữ, là người sẽ chiến đấu với Con rắn. Người này sẽ giày đạp đầu của Con rắn, mặc dù Người này sẽ bị thương lúc đó. Sau đó, Đức Chúa Trời đã giết một con vật và lấy da kết thành áo cho hai vợ chồng tội lỗi trước khi Ngài đuổi họ ra khỏi vườn Ê-đen (Sáng thế ký 3:15-19, 21).
Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác tiếp tục trong gia đình của cặp vợ chồng đầu tiên. Một trong những người con trai của họ, Ca-in, đã sát hại em trai của mình là A-bên, và bị rủa sả vì hành động của mình. Một đứa trẻ khác được sinh ra cho người phụ nữ đầu tiên. Tên của đứa trẻ là Sết (Sáng thế ký 4:8, 25).
Nhiều thế hệ sau đó, thế giới đầy dẫy sự gian ác. Bạo lực và sự xem thường Đức Chúa Trời đã lan tràn. Đức Chúa Trời quyết định tiêu diệt sự gian ác của con người và bắt đầu lại (Sáng Thế Ký 6:5-7). Một người tên là Nô-ê, một trong những hậu duệ của Sết, đã được mở rộng ân điển (ơn phước của Đức Chúa Trời đối với sự không xứng đáng, câu 8-9. Đức Chúa Trời đã tiết lộ cho Nô-ê rằng Ngài sẽ làm nên một trận Lũ lớn (Đại Hồng Thủy) để tiêu diệt trái đất, và Ngài đã ban cho Nô-ê những chỉ dẫn về việc xây dựng một chiếc tàu để sống sót trong cơn Lũ lụt đó (6:13-22). Nô-ê đã xây dựng con tàu, và khi thời gian đến, Đức Chúa Trời sai đem vào tàu mỗi loài động vật. Những con vật này, cùng với Nô-ê và gia đình của ông đã được tha. Trận Lũ lụt đã phá hủy mọi sinh vật sống khác trên trái đất (Sáng thế ký 6–8).
Sau trận Lũ lụt, Nô-ê và gia đình ông bắt đầu tái tạo lại trái đất. Khi con cháu của họ bắt đầu xây dựng đài kỷ niệm cho chính họ bất chấp Đức Chúa Trời, thì Ngài đã làm lộn xộn ngôn ngữ của họ. Những cư dân của trái đất bị phân chia theo nhóm ngôn ngữ của họ và trải rộng trên mặt đất (Sáng thế ký 11:1-8).
Đã đến lúc Đức Chúa Trời bắt đầu kế hoạch của Ngài để giới thiệu người giày đạp Con rắn vào thế giới. Bước đầu tiên là tạo nên một người biệt riêng cho chính Ngài. Ngài đã chọn một người đàn ông tên là Áp-ra-ham và vợ ông là Sa-ra để bắt đầu một dòng dõi mới của con người. Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham rời khỏi nhà và dẫn ông đến xứ Ca-na-an. Đức Chúa Trời đã hứa cho Áp-ra-hm vô số con cháu, là người sẽ sở hữu Ca-na-an như là của chính họ. Đức Chúa Trời cũng hứa ban phước cho hậu thế của Áp-ra-ham và thông qua hậu thế đó, để ban phước cho mọi dân tộc trên thế gian. Vấn đề là Áp-ra-ham và Sa-ra đã già, và Sa-ra không sinh đẻ được. Nhưng Áp-ra-ham tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đã kể đức tin của Áp-ra-ham là sự công bình (Sáng thế Ký 12:1-4; 15:6).
Vào thời điểm đó, Đức Chúa Trời ban phước cho Áp-ra-ham và Sa-ra một đứa con trai tên là Y-sác. Đức Chúa Trời lặp lại lời hứa của Ngài về nhiều hậu duệ và phước lành cho Y-sác. Y-sác có cặp song sinh tên là Ê-sau và Gia-cốp. Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp để thừa kế phước lành đã hứa và đổi tên Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên. Gia-cốp/Y-sơ-ra-ên có mười hai con trai, là những người đứng đầu mười hai chi phái của Y-sơ-ra-ên (Sáng thế ký 21:1-6; 25:19-26; 28:10-15; 35:23-26).
Do nạn đói nặng nề, Gia-cốp di chuyển cả gia đình từ Ca-na-an đến Ai Cập. Trước khi chết, Gia-cốp đã ban những phước lành được tiên đoán cho mỗi người con trai của mình. Đối với Giu-đa, ông đã hứa sẽ có một vị Vua trong số các hậu duệ của ông — Một người sẽ được tôn kính bởi mọi dân tộc trên thế giới. Gia đình của Gia-cốp đã gia tăng ở Ai Cập, và họ vẫn ở lại đó trong 400 năm kế tiếp. Sau đó, vua của Ai Cập, sợ rằng con cháu của Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên quá nhiều đến nỗi không quản lý được nên bắt họ làm nô lệ. Đức Chúa Trời đã dấy lên một vị tiên tri tên là Môi-se, từ chi phái Lê-vi, để đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập và trở lại vùng đất đã được hứa cho Áp-ra-ham (Sáng thế ký 46; 49; Xuất Ê-díp-tô ký 1:8-14; 3:7-10).
Cuộc di dân khỏi Ai Cập được đi kèm với nhiều phép lạ vĩ đại, bao gồm cả việc rẽ Biển Đỏ (Xuất Ê-díp-tô Ký 7-11; 14). Khi an toàn ra khỏi Ai Cập, con cháu của Y-sơ-ra-ên đã cắm trại tại núi Si-na-i, nơi Đức Chúa Trời ban Luật pháp cho Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 19). Luật pháp này được tóm tắt trong Mười Điều Răn (20:1-16), là nền tảng của giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Y-sơ-ra-ên: nếu họ giữ các điều răn của Ngài, họ sẽ được ban phước, nhưng nếu họ vi phạm các điều răn của Ngài, họ sẽ bị rủa sả. Y-sơ-ra-ên đồng ý tuân theo Luật pháp của Đức Chúa Trời (Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:1, 15).
Ngoài việc thiết lập quy tắc đạo đức, Luật pháp còn định nghĩa vai trò của thầy tế lễ và quy định việc dâng của tế lễ để chuộc lỗi. Sự chuộc tội chỉ có thể được thực hiện bằng cách đổ huyết của một con sinh tế không tì vít. Luật pháp cũng nêu chi tiết cách xây dựng đền tạm, hoặc lều tạm mà trong đó sự hiện diện của Đức Chúa Trời sẽ ngự và là nơi Ngài sẽ gặp gỡ dân sự của Ngài (Lê-vi ký 1; Xuất Ê-díp-tô ký 25:8-9).
Sau khi nhận được Luật pháp, Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến biên giới của vùng Đất Hứa. Nhưng dân chúng vì lo sợ những cư dân hiếu chiến của Ca-na-an và nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời nên đã từ chối đi vào. Như một sự trừng phạt, Đức Chúa Trời đã làm cho họ trở lại đồng vắng, nơi họ bị buộc phải đi lang thang trong 40 năm. Trong ân điển của Ngài, Đức Chúa Trời đã cung cấp thức ăn và nước một cách kỳ diệu cho toàn bộ dân chúng (Dân số ký 14:1-4, 34-35; Xuất Ê-díp-tô ký 16:35).
Vào cuối 40 năm, Môi-se qua đời (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:5-7). Một trong những lời tiên tri cuối cùng của ông liên quan đến sự đến của một Vị Tiên Tri khác, là người sẽ giống như Môi-se và là người mà dân chúng phải lắng nghe (Phục truyền luật lệ ký 18:15-19). Người kế vị của Môi-se là Giô-suê, đã được Đức Chúa Trời sử dụng để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-en vào vùng Đất Hứa (34:9; Giô-suê 1:1-6). Họ đã đi theo lời hứa của Đức Chúa Trời rằng không kẻ thù nào của họ có thể chống lại họ. Chúa cho thấy quyền năng của Ngài tại thành Giê-ri-cô, thành phố đầu tiên họ chạm trán, bằng cách làm cho các bức tường của thành phố sụp đổ hoàn toàn. Trong ân sủng và lòng thương xót của Ngài, Đức Chúa Trời đã tha thứ cho một kỵ nữ có đức tin tên là Ra-háp thoát khỏi sự hủy diệt của thành Giê-ri-cô (Giô-suê 6).
Trong những năm tiếp theo, Giô-suê và dân Do Thái đã thành công trong việc đuổi khỏi hầu hết các dân Ca-na-an, và vùng đất này được chia cho mười hai chi phái. Tuy nhiên, cuộc chinh phục đất đai vẫn chưa hoàn thành. Vì sự thiếu đức tin và không vâng lời nên họ đã thất bại trong việc hoàn thành công việc, và nhiều nhóm dân Ca-na-an vẫn còn ở lại. Những ảnh hưởng ngoại giáo này có ảnh hưởng đến người Do Thái, những người bắt đầu chấp nhận việc thờ thần tượng, trực tiếp vi phạm Luật pháp của Đức Chúa Trời (Giô-suê 15:63; 16:10; 18:1-3).
Sau khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên trải qua một thời kỳ hỗn loạn. Dân tộc sa vào sự thờ thần tượng, và Đức Chúa Trời đem đến sự phán xét dưới hình thức làm nô lệ cho kẻ thù. Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ ăn năn và kêu cầu Chúa giúp đỡ. Sau đó, Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một quan xét để tiêu diệt các thần tượng, tập hợp dân chúng, và đánh bại kẻ thù. Hòa bình sẽ kéo dài một lúc, nhưng sau khi vị quan xét này qua đời, dân sự lại tiếp tục trở lại sự thờ thần tượng, và chu trình sẽ lặp lại (Các quan xét 17:6).
Vị quan xét cuối cùng là Sa-mu-ên, cũng là một vị tiên tri. Trong thời gian của mình, dân Y-sơ-ra-ên đã yêu cầu một vị vua cai trị họ, để giống như các quốc gia khác. Đức Chúa Trời chấp nhận yêu cầu của họ, và Sa-mu-ên xức dầu cho Sau-lơ là vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Sau-lơ là một sự thất vọng. Ông đã không vâng lời Đức Chúa Trời và bị loại bỏ khỏi quyền lực. Đức Chúa Trời đã chọn Đa-vít, thuộc chi phái Giu-đa, để làm vua nối tiếp Sau-lơ. Đức Chúa Trời đã hứa với Đa-vít rằng ông sẽ có một hậu duệ, là người sẽ ngự trị trên ngai mãi mãi (I Sa-mu-ên 8:5; 15:1, 26; I Sử ký 17:11-14).
Con trai của Đa-vít là Sa-lô-môn trị vì ở Giê-ru-sa-lem sau khi Đa-vít qua đời. Trong suốt thời trị vì của con trai của Sa-lô-môn, cuộc nội chiến đã nổ ra, và vương quốc đã bị chia cắt thành vương quốc phía bắc được gọi là Y-sơ-ra-ên, và vương quốc phía nam được gọi là Giu-đa. Triều đại của Đa-vít cai trị trong Giu-đa (I Các Vua 11:29-32; 12:16-20).
Vương quốc Y-sơ-ra-ên có một loạt các vị vua độc ác liên tục. Không ai trong số họ tìm kiếm Chúa hoặc cố gắng lãnh đạo dân tộc theo Luật của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã sai các vị tiên tri đến để cảnh báo họ, bao gồm cả phép lạ của Ê-li và Ê-li-sê, nhưng các vị vua vẫn cố chấp trong sự gian ác của họ. Cuối cùng, Đức Chúa Trời mang quốc gia A-si-ri vào Y-sơ-ra-ên trong sự phán xét. Người A-si-ri đã trục xuất hầu hết người Do Thái, và đó là sự kết thúc của vương quốc phía bắc (II Các Vua 17:1-41).
Vương quốc Giu-đa cũng có các vị vua độc ác, nhưng dây xích đã bị phá vỡ bởi một vị vua thường xuyên tin kính, người đã thực sự yêu mến Chúa và tìm cách cai trị theo Luật pháp. Đức Chúa Trời trung tín với lời hứa của Ngài và ban phước cho dân chúng khi họ tuân theo các mạng lệnh của Ngài. Quốc gia này được bảo tồn trong cuộc xâm lược của người A-si-ri (2 Vua 18:13-19:37) và chịu đựng nhiều mối đe dọa khác. Trong thời gian này, tiên tri Ê-sai rao giảng chống lại tội lỗi của Giu-đa và thấy trước cuộc xâm lược của người Ba-by-lôn (2 Vua 20:12-19). Ê-sai cũng tiên đoán sự đến của Đầy tớ của Chúa — Ngài sẽ chịu đau khổ vì tội lỗi của dân sự Ngài (Ê-sai 53) và được tôn vinh và ngồi trên ngai của Đa-vít. Tiên tri Mi-chê dự đoán rằng Đấng Hứa sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:1-2).
Cuối cùng, quốc gia của Giu-đa cũng rơi vào sự thờ hình tượng ghê tởm. Đức Chúa Trời đã mang quốc gia Ba-by-lôn chống lại Giu-đa trong sự phán xét. Nhà tiên tri Giê-rê-mi đã trải qua sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và dự đoán rằng những người Do Thái bị bắt giữ ở Ba-by-lôn sẽ trở về Đất Hứa sau 70 năm (Giê-rê-mi 25:8-12; 29:10). Giê-rê-mi cũng đã tiên tri một giao ước trong tương lai (31:31-34), trong đó Luật pháp không được viết trên các bảng đá mà là trong lòng của dân sự Đức Chúa Trời (31:33). Giao ước mới này sẽ dẫn đến sự tha thứ của Đức Chúa Trời cho tội lỗi (31:34; so sánh Lu-ca 22:20; Hê-bơ-ro 8:8,13; 9:15; 12:24).
Việc bị giam cầm ở Ba-by-lôn kéo dài trong 70 năm (Giê-rê-mi 29:10). Các tiên tri Đa-ni-ên và Ê-xê-chi-ên đã phục vụ trong suốt thời gian đó. Đa-ni-ên dự đoán sự trỗi dậy và sụp đổ của nhiều quốc gia. Ông cũng dự đoán sự xuất hiện của Đấng Mết-si-a, hoặc Đấng được chọn, người sẽ bị giết vì lợi ích của người khác (Đa-ni-ên 2:36-45; 9:26).
Sau khi Ba-by-lôn rơi vào tay người Ba Tư, người Do Thái được thả để trở về Giu-đa (2 Sử Ký 36:23; Ê-xơ-ra 1:1-8). Nhiều người Do Thái trở về nhà để xây dựng lại Giê-ru-sa-lem và đền thờ (2:64). Nê-hê-mi và Ê-xơ-ra dẫn đầu những nỗ lực đó, với sự khuyến khích từ các tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri. Một trong những lời tiên tri của Xa-cha-ri bao gồm sự mô tả về một vị Vua tương lai sẽ đến Giê-ru-sa-lem một cách khiêm nhường, cưỡi trên một con lừa (Xa-cha-ri 9:9).
Tuy nhiên, không phải tất cả người Do Thái đã trở về Giu-đa. Nhiều người đã chọn ở lại Ba Tư, nơi Đức Chúa Trời vẫn dõi theo họ. Một người Do Thái tên là Ê-xơ-tê đã lên ngôi Nữ hoàng Ba Tư và là công cụ cứu sống tất cả người Do Thái trong vương quốc (Ê-xơ-tê 4:12-14; 8:1-2).
Ma-la-chi đã viết cuốn sách cuối cùng của Cựu Ước. Ông đã tiên tri rằng Chúa sẽ đến đền thờ của Ngài, nhưng, trước khi Ngài đến, một sứ giả khác sẽ chuẩn bị con đường cho Chúa. Sứ giả này sẽ giống như tiên tri Ê-li trước đây. Sau lời tiên tri của Ma-la-chi thì 400 năm nữa trước khi Đức Chúa Trời nói trực tiếp với con người (Ma-la-chi 3:1; 4:5; Ma-thi-ơ 3:1-3; 11:1-12).
Cựu Ước là câu chuyện về kế hoạch của Đức Chúa Trời để mang lại sự cứu chuộc cho con người. Vào lúc kết thúc Cựu Ước, Đức Chúa Trời có một Dân tộc được chọn duy nhất, người hiểu rõ tầm quan trọng của sự hy sinh huyết, là người tin những lời hứa đã hứa cho Áp-ra-ham và Đa-vít, và là người đang chờ Đấng Cứu Chuộc. Tóm lại, họ đã sẵn sàng để nhận Người giày đạp Con rắn của Sáng thế ký, vị Tiên tri như Môi-se, Người đầy tớ chịu khổ của Ê-sai, Con trai của Đa-vít, Đấng Mê-si-a của Đa-ni-ên, và vị Vua khiêm nhường của Xa-cha-ri — tất cả đều được tìm thấy trong một người đó là Chúa Giê-xu Christ.
English
Câu chuyện của Cựu Ước là gì?