settings icon
share icon
Câu hỏi

Cầu nguyện bằng tiếng lạ là gì? Có phải cầu nguyện bằng tiếng lạ là một ngôn ngữ cầu nguyện giữa một Cơ Đốc Nhân và Chúa?

Trả lời


Một cách sơ lược, hãy cùng đọc những bài viết của chúng tôi về các ân tứ nói tiếng lạ. Có bốn phân đoạn quan trọng trong Kinh Thánh được coi là dẫn chứng cho cầu nguyện nói tiếng lạ: Rô-ma 8:26; I Cô-rinh-tô 14:4-17; Ê-phê-sô 6:18; và Giu-đe 1:20. Ê-phê-sô 6:18 và Giu-đe 1:20 đề cập đến “cầu nguyện trong Đức Thánh Linh”. Tuy nhiên, việc xem tiếng lạ là một ngôn ngữ cầu nguyện dường như không phải là cách giải thích phù hợp cho “cầu nguyện trong Đức Thánh Linh”.

Rô-ma 8:26 dạy chúng ta rằng “Cũng vậy, Ðức Thánh Linh giúp chúng ta trong khi chúng ta yếu đuối, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho đúng, nhưng chính Ðức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta bằng những tiếng rên rỉ không thể diễn tả bằng lời”. Có 2 điểm quan trọng dường như khẳng định rằng Rô-ma 8:26 không nói đến việc xem tiếng lạ là một ngôn ngữ cầu nguyện. Đầu tiên, Rô-ma 8:26 khẳng định Đức Thánh Linh “rên rỉ” chứ không phải là Cơ Đốc Nhân. Thứ hai, Rô-ma 8:26 khẳng định “những tiếng rên rỉ” không thể diễn tả bằng lời. Điều căn bản của việc nói tiếng lạ là phải phát ra tiếng nói.

Điều đó dẫn chúng ta đến I Cô-rinh-tô 14:4-17 và đặc biệt là câu 14: “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ thì tâm linh tôi cầu nguyện, nhưng tâm trí tôi chẳng được kết quả gì”. I Cô-rinh-tô 14:14 rõ ràng là đề cập đến “cầu nguyện bằng tiếng lạ”. Vậy điều này có nghĩa là gì? Đầu tiên, việc nghiên cứu ngữ cảnh là điều cực kỳ quan trọng. I Cô-rinh-tô chương 14 chủ yếu nói về sự so sánh/tương phản của việc ân tứ nói tiếng lạ và ân tứ nói tiên tri. Trong câu 2-5 Phao-lô rõ ràng xem lời tiên tri như là một ân tứ cần thiết và quan trọng hơn tiếng lạ. Đồng thời, Phao-lô cũng nêu lên giá trị của tiếng lạ và bày tỏ rằng ông vui vì ông nói tiếng lạ nhiều hơn bất cứ người nào khác (câu 18).

Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 2 mô tả sự kiện xảy ra đầu tiên của ân tứ tiếng lạ. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ đã nói tiếng lạ. Công Vụ đoạn 2 nói rõ rằng các môn đồ đã nói tiếng loài người (Công Vụ 2:6-8). Từ mà được dịch là “tiếng lạ” trong cả Công Vụ đoạn 2 và I Cô-rinh-tô đoạn 14 là từ “glossa”, nghĩa là “ngôn ngữ”. Đây chính là từ để chúng ta lấy dùng cho ngôn ngữ tiếng Anh hiện đại, đó là từ “glossary-từ điển thuật ngữ”. Nói tiếng lạ là khả năng để nói một thứ ngôn ngữ mà người nói không hề biết, nhằm truyền đạt Phúc Âm cho những ai nói thứ ngôn ngữ đó. Trong khu vực đa văn hóa thành phố Cô-rinh-tô, ân tứ tiếng lạ dường như rất đặc biệt nổi bật và có giá trị lớn. Tín hữu ở Cô-rinh-tô có thể truyền đạt Phúc Âm tốt hơn và đó chính là kết quả của ân tứ tiếng lạ. Tuy nhiên, Phao-lô nói hết sức rõ ràng ngay cả khi trong việc sử dụng tiếng lạ, nó cần được thông giải hoặc “dịch lại” (I Cô-rinh-tô 14:13, 27). Một tín hữu tại Cô-rinh-tô có thể nói tiếng lạ và công bố chân lý của Chúa cho những ai nói thứ ngôn ngữ đó, và rồi chính tín hữu đó hoặc tín hữu khác trong Hội Thánh sẽ thông giải những điều đã được nói ra, và từ đó toàn bộ hội chúng có thể hiểu được điều này.

Vậy, cầu nguyện bằng tiếng lạ là gì và nó khác như thế nào so với việc nói tiếng lạ? I Cô-rinh-tô 14:13-17 cho thấy việc cầu nguyện bằng tiếng lạ cũng cần được thông giải. Bởi vậy, cầu nguyện bằng tiếng lạ dường như là trình dâng lời cầu nguyện lên cho Chúa. Lời cầu nguyện này có thể giúp cho ai đó nói thứ ngôn ngữ đó, nhưng nó cũng cần được thông giải để toàn bộ thân thể được gây dựng.

Nhưng lời thông giải này không đồng tình với những người xem cầu nguyện bằng tiếng lạ là một ngôn ngữ cầu nguyện. Sự hiểu biết này có thể tóm tắt lại như sau: cầu nguyện bằng tiếng lạ là một ngôn ngữ cầu nguyện cá nhân giữa Cơ Đốc Nhân và Chúa (I Cô-rinh-tô 13:1) mà Cơ Đốc Nhân sử dụng để gây dựng chính bản thân của mình (I Cô-rinh-tô 14:4). Cách giải thích này không phù hợp với Thánh Kinh bởi những lý do sau: 1) Làm thế nào cầu nguyện bằng tiếng lạ lại được xem là một ngôn ngữ cầu nguyện riêng tư trong khi nó cần được thông giải (I Cô-rinh-tô 14:13-17)? 2) Làm thế nào cầu nguyện tiếng lạ lại được xem là tự gây dựng bản thân trong khi Kinh Thánh nói ân tứ thuộc linh này là để gây dựng hội thánh, không phải cho bản thân (I Cô-rinh-tô 12:7)? 3) Làm thế nào cầu nguyện bằng tiếng lạ lại được xem là một ngôn ngữ cầu nguyện riêng tư trong khi ân tứ tiếng lạ là dấu kỳ cho những người chưa tin Chúa (I Cô-rinh-tô 14:22)? 4) Kinh Thánh nói rõ ràng rằng không phải ai cũng sở hữu ân tứ tiếng lạ (I Cô-rinh-tô 12:11, 28-30). Làm thế nào tiếng lạ lại là một ân tứ tự gây dựng bản thân trong khi không phải Cơ Đốc Nhân nào cũng có thể sở hữu được ân tứ đó? Chẳng lẽ chúng ta đều không cần được gây dựng chăng?

Một số người khác hiểu cầu nguyện bằng tiếng lạ là một “ngôn ngữ mật mã” để ngăn chặn Satan và những con quỷ của nó hiểu được những lời cầu nguyện và từ đó chúng có thể giành được lợi thế trước chúng ta. Lời giải thích này cũng không phù hợp với Kinh Thánh bởi những lý do sau: 1) Tân Ước nhất quán trong việc mô tả tiếng lạ là ngôn ngữ loài người, và Satan cùng những con quỷ của nó hoàn toàn có thể hiểu được ngôn ngữ loài người 2) Kinh Thánh ghi lại vô số những người tin Chúa cầu nguyện bằng chính tiếng nói của họ với việc họ nói lớn tiếng mà không quan ngại việc Satan sẽ ngăn chặn. Thậm chí cho dù Satan và/hoặc những con quỷ của nó có thể nghe và hiểu những lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng chúng hoàn toàn không có đủ thẩm quyền để ngăn chặn việc Chúa đáp lời cầu nguyện theo ý muốn của Ngài. Chúng ta đều biết rằng Chúa lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta, và đây là sự thật bất di bất dịch và không bị ảnh hưởng cho dù Satan và các con quỷ của nó có nghe và hiểu những lời cầu nguyện của chúng ta hay không.

Vậy chúng ta nói làm sao về những Cơ Đốc Nhân đã từng có trải nghiệm trong việc cầu nguyện bằng tiếng lạ và tìm được sự tự gây dựng bản thân? Đầu tiên, chúng ta phải đặt đức tin và thực hành dựa trên Thánh Kinh, không phải trên trải nghiệm. Chúng ta phải xem những trải nghiệm này trong sự sáng của Kinh Thánh, chứ không phải giải thích Kinh Thánh trong sự sáng của những trải nghiệm của chúng ta. Thứ hai, rất nhiều tà phái và những tôn giáo khác trên thế giới đều thuật lại những sự kiện của việc nói tiếng lạ/cầu nguyện bằng tiếng lạ. Hiển nhiên Đức Thánh Linh không ban ân tứ này cho những người chưa tin. Vì thế, dường như có thể các con quỷ giả mạo ân tứ của việc nói tiếng lạ. Điều này khiến chúng ta nên đối chiếu cẩn thận hơn giữa những trải nghiệm của chúng ta với Thánh Kinh. Thứ ba, những nghiên cứu đã chỉ ra việc nói/cầu nguyện bằng tiếng lạ có thể trở thành một thói quen được học như thế nào. Thông qua việc nghe và quan sát người khác nói tiếng lạ, một người có thể học những tiến trình hoạt động, thậm chí một cách có tiềm thức. Điều này được coi là cách giải thích gần nhất cho phần lớn các trường hợp nói/cầu nguyện bằng tiếng lạ ở giữa các Cơ Đốc Nhân. Thứ tư, sự cảm nhận về “tự gây dựng bản thân” là lẽ tự nhiên. Cơ thể con người sản xuất ra adrenalin và endorphins khi có gì mới, cuốn hút, xúc động, và/hoặc mất kết nối với việc suy nghĩ theo lý trí.

Cầu nguyện bằng tiếng lạ chắn chắn là vấn đề tâm điểm mà Cơ Đốc Nhân có thể trân trọng và yêu quý tán thành hay không tán thành. Cầu nguyện bằng tiếng lạ không phải là điều quyết định đến sự cứu rỗi. Cầu nguyện bằng tiếng lạ không phải là điều để phân biệt Cơ Đốc Nhân trưởng thành hay chưa trưởng thành. Dù việc cầu nguyện bằng tiếng lạ có được coi là ngôn ngữ cầu nguyện cá nhân hay không thì nó không phải là nền tảng đức tin của một Cơ Đốc Nhân. Vì vậy, khi chúng ta tin vào sự giải thích theo Kinh Thánh về việc cầu nguyện bằng tiếng lạ sẽ dẫn chúng ta ra xa khỏi suy nghĩ đây là lời cầu nguyện riêng tư để gây dựng bản thân, tuy nhiên chúng ta cũng thừa nhận rằng nhiều người thực hành điều này chính là những anh chị em của chúng ta trong Chúa và họ xứng đáng với sự yêu thương và kính trọng.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Cầu nguyện bằng tiếng lạ là gì? Có phải cầu nguyện bằng tiếng lạ là một ngôn ngữ cầu nguyện giữa một Cơ Đốc Nhân và Chúa?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries