settings icon
share icon
Câu hỏi

Chết thể xác (chết vật lý) liên quan đến chết thuộc linh như thế nào?

Trả lời


Kinh Thánh nói rất nhiều về sự chết và quan trọng hơn là điều gì xảy ra sau khi chết. Chết thể xác và chết thuộc linh đều là sự phân cách của một thứ với một thứ khác. Chết thể xác là sự phân cách linh hồn khỏi thân thể, và chết thuộc linh là sự phân cách linh hồn khỏi Đức Chúa Trời. Khi hiểu theo cách đó, thì hai khái niệm có quan hệ chặt chẽ với nhau, và cả chết thể xác và chết thuộc linh đều được phản ánh trong những đề cập đầu tiên về sự chết.

Trong lời tường thuật về sự sáng tạo (Sáng thế ký 1-2), chúng ta đã đọc cách mà Đức Chúa Trời đã tạo ra nhiều sinh vật khác nhau như thế nào. Những sinh vật này có sự sống, một yếu tố bên trong cung cấp sự chuyển động và năng lượng cho cơ thể vật lý của chúng. Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được điều gì đã tạo ra sự sống, nhưng Kinh Thánh nói rõ ràng Đức Chúa Trời ban sự sống cho muôn loài ( Sáng thế ký 1:11-28, 1 Ti-mô-thê 6:13). Sự sống mà Đức Chúa Trời ban cho loài người khác với sự sống mà Ngài ban cho loài vật. Trong Sáng thế ký 2:7, chúng ta được biết rằng Đức Chúa Trời “Lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sinh linh”. Trong khi loài vật có một sự sống thuần tuý về thể chất, thì con người có cả yếu tố thể chất và linh hồn.

Theo Sáng thế ký 2:17, Đức Chúa Trời truyền phán với A-đam rằng nếu ông ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, thì ông “chắc chắn sẽ chết”. Một số người hoài nghi và đã cố gắng sử dụng câu Kinh Thánh này để cho thấy sự mâu thuẫn trong Kinh Thánh, bởi vì A-đam và Ê-va không chết vào đúng ngày họ ăn trái cây đó. Tuy nhiên, có những cách sống khác nhau và có những kiểu chết khác nhau. Một người có thể sống về thể xác và chết về mặt thuộc linh (Ê-phê-sô 2:1, 5) và ngược lại (Ma-thi-ơ 22:32). Khi họ phạm tội (Sáng thế ký 3:7), A-đam và Ê-va ngay lập tức đã mất đi sự sống thuộc linh, họ đã “chết” đối với sự tin kính, họ đã bị đuổi khỏi vườn Ê-đen và chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời (sự chết đời đời). Việc đáng xấu hổ của họ đã gây ra một hành động tương quan - đó là, họ trốn chạy khỏi Đức Chúa Trời (Sáng thế ký 3:8) - Sự phân cách bên trong của họ với Đức Chúa Trời thể hiện qua sự phân cách bên ngoài với Ngài.

Ngoài chết thuộc linh ngay lập tức mà họ trải qua, họ cũng bắt đầu quá trình dẫn đến sự chết về thể xác mặc dù phải mất nhiều năm để cái chết có hiệu lực đầy đủ. Điều này có thể được hiểu rõ hơn với ví dụ về một bông hoa. Khi bạn nhìn thấy một bông hoa mọc trong vườn, bạn biết nó đang sống bởi vì nó được gắn kết với thân và rễ cây, và đang nhận được sự nuôi dưỡng từ mặt đất. Khi bạn tách bông hoa ra khỏi nguồn mạch sự sống, bông hoa vẫn có sự sống và có thể duy trì vẻ ngoài đó trong vài ngày tùy thuộc vào điều kiện lúc đó. Tuy nhiên, bất kể nó được chăm sóc như thế nào, nó cũng đang chết dần, quá trình đó không thể nào đảo ngược được. Điều này cũng tương tự với loài người.

Sự chết thể xác khi vào thế gian cùng với tội lỗi của A-đam (Rô-ma 5:12) đã ảnh hưởng đến mọi sinh vật sống. Thật khó để chúng ta hình dung về một thế giới không có sự chết, nhưng điều đó là sự giảng dạy của Kinh Thánh về điều kiện trước khi bị Sa Ngã. Tất cả sinh vật sống bắt đầu tiến trình dẫn đến sự chết khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian. Khi cái chết thể xác (chết vật lý) xảy ra, có một sự tách rời rõ ràng của sinh lực khỏi cơ thể. Khi sự tách biệt đó xảy ra, con người không thể làm gì để đảo ngược nó (ngay cả cộng đồng y tế cũng thừa nhận sự khác biệt giữa “chết lâm sàng” và “chết sinh học”). Tiền công của tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23), và sự chết đến trên mọi người vì tất cả đều đã phạm tội. Mọi người đều phải chịu chết về thể xác vì sự hiện diện của tội lỗi trên thế gian này (nguyên tội), cũng như tội lỗi của chính họ (kỷ tội). Từ góc độ của loài người, cái chết thể xác dường như là sự trừng phạt cuối cùng, nhưng Kinh Thánh dạy rằng có những ý nghĩa sâu xa hơn về sự chết cần được xem xét.

Sự sống mà Đức Chúa Trời đã thổi vào A-đam (Sáng thế ký 2:7) không chỉ là sự sống của động vật, mà đó là hơi thở của Đức Chúa Trời tạo ra một sinh vật có linh hồn. A-đam được tạo ra sống động về mặt tâm linh được gắn kết với Đức Chúa Trời theo một cách đặc biệt. Ông vui thỏa trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, nhưng khi ông phạm tội thì mối liên hệ đó đã bị gẫy đổ. Chết thuộc linh có những hệ lụy (ảnh hưởng) đến cả trước và sau khi chết thể xác. Mặc dù, A-đam vẫn còn sống về mặt thể xác (nhưng đã bắt đầu tiến trình dẫn đến sự chết), ông đã chết về mặt thuộc linh, bị phân cách khỏi mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Trong cuộc sống hiện tại trên đất này, hậu quả của chết thuộc linh là mất đi ân điển của Đức Chúa Trời cũng như sự hiểu biết và ước muốn dành cho Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rõ ràng rằng mọi người đều bắt đầu cuộc sống “chết vì những lầm lỗi và tội ác của mình” (Ê-phê-sô 2:1-5), nên dẫn đến một đời sống chú trọng vào những dục vọng tội lỗi của chúng ta. Chúa Giê-su dạy rằng phương thuốc chữa khỏi cái chết thuộc linh là sự tái sinh thuộc linh (Giăng 3:3-5) nhờ đức tin nơi Ngài. Sự tái sinh này là sự kết nối lại với nguồn sự sống mà Chúa Giê-su đã mô tả trong Giăng 15:1-6. Ngài là cây nho, và chúng ta là nhánh. “Ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống, ai có Con Đức Chúa Trời thì có sự sống (1Giăng 5:11-12).

Đối với những người từ chối chấp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chết thể xác và chết thuộc linh lên đến đỉnh điểm với “sự chết lần hai” (Khải Huyền 20:14). Sự chết đời đời này không phải là sự huỷ diệt như một số người đã dạy, nhưng là hình phạt với nhận thức rõ ràng đời đời cho những tội lỗi trong hồ lửa, được mô tả như là sự phân cách khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Chúa Giê-su cũng nói về sự phân cách đời đời khỏi Đức Chúa Trời trong Ma-thi-ơ 25:41 và mỗi cá nhân ý thức được sự thống khổ đời đời trong câu chuyện “Người giàu và La-xa-rơ” (Luca 16:19-31). Đức Chúa Trời không muốn bất cứ một ai phải chết mất nhưng Ngài muốn mọi người cần phải ăn năn (2 Phi-e-rơ 3:9) để họ không phải chết về mặt thuộc linh. Ăn năn có nghĩa là sự từ bỏ (quay lưng lại) những tội lỗi và xưng nhận tội lỗi với Đức Chúa Trời với sự đau buồn vì đã vi phạm sự thánh khiết của Ngài. Những người đã nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã chuyển từ sự chết sang sự sống (1 Giăng 3:14), và “sự chết thứ hai không có quyền gì trên những người ấy” (Khải Huyền 20:6).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chết thể xác (chết vật lý) liên quan đến chết thuộc linh như thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries