Câu hỏi
Hy sinh sống có nghĩa là gì?
Trả lời
Trong Rô-ma 12:1, Phao-lô nói: "Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em". Lời khuyên nhủ của sứ đồ Phao-lô cho những tín hữu ở thành Rome là dâng bản thân mình lên cho Đức Chúa Trời, không phải là một sự dâng sinh tế trên bàn thờ (vì Luật Môi-se đòi hỏi sự dâng sinh tế là động vật), mà là một "của lễ sống". Từ điển định nghĩa "của lễ" là bất cứ thứ gì được thánh hoá và dâng lên cho Đức Chúa Trời. Vậy là tín đồ, làm thế nào để chúng ta tận hiến và hiến dâng cho Đức Chúa Trời như một của lễ sống?
Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã chấp nhận sinh tế là các loài động vật. Nhưng đây chỉ là một điều báo hiệu về sự hy sinh của Chiên Con, Chúa Giê-xu Christ (Hê-bơ-rơ 10:1-4). Nhờ sự hy sinh cuối cùng, một lần cho tất cả của Ngài trên thập tự giá (Hê-bơ-rơ 10:10,14), các nghi thức dâng sinh tế trong Cựu Ước đã trở nên lỗi thời và không còn tác dụng nữa (Hê-bơ-rơ 9:11-12). Đối với những người ở trong Đấng Christ nhờ đức tin cứu rỗi, sự thờ phượng duy nhất được chấp nhận là hiến dâng hoàn toàn đời sống cho Chúa. Dưới sự điều khiển của Đức Chúa Trời, thân thể chưa được chuộc của tín đồ (Rô-ma 8:23) có thể và phải được giao phó cho Ngài như một "đồ dùng về sự công bình" (Rô-ma 6:12-13; 8:11-13). Theo quan điểm về sự hy sinh tột cùng của Chúa Giê-xu đối với chúng ta, điều này là "hợp lý".
Của lễ sống trông như thế nào trong ý nghĩa thực tế? Rô-ma 12:2 giúp chúng ta hiểu. Chúng ta là một của lễ sống cho Chúa bằng cách không tuân theo thế giới này. Thế giới được định nghĩa cho chúng ta trong 1 Giăng 2:15-16 là sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời. Tất cả những gì thế gian bày ra có thể được tóm gọn trong ba điều này. Sự mê tham của xác thịt bao gồm tất cả những gì hấp dẫn sự thèm muốn của chúng ta và liên quan đến những ham muốn quá mức đối với thực phẩm, đồ uống, tình dục, và bất cứ điều gì khác thỏa mãn nhu cầu thể chất. Sự tham muốn của mắt chủ yếu liên quan đến chủ nghĩa duy vật, thèm muốn bất cứ điều gì chúng ta thấy mà không có và ghen tị với những người có những gì chúng ta muốn. Sự kiêu ngạo của đời được định nghĩa là bất kỳ tham vọng nào khiến chúng ta tự cao, kiêu căng và đưa chúng ta lên ngôi của chính đời sống mình.
Làm thế nào các tín đồ KHÔNG làm theo đời này? Bằng cách "biến hoá bởi sự đổi mới của tâm thần mình". Chúng ta làm điều này chủ yếu nhờ vào quyền năng của Chúa để biến đổi chúng ta. Chúng ta cần nghe (Rô-ma 10:17), đọc (Khải huyền 1:3), nghiên cứu (Công vụ 17:11), ghi nhớ (Thi-thiên 119:9-11) và suy gẫm (Thi-thiên 1:2-3) Kinh Thánh. Lời Chúa được Chúa Thánh Linh truyền giảng trong lòng chúng ta, là sức mạnh duy nhất trên trái đất có thể biến đổi chúng ta từ thế gian sang tâm linh thực sự. Trên thực tế, đó là tất cả những gì chúng ta cần để được trở nên "trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành" (2 Ti-mô-thê 3:16). Kết quả là chúng ta sẽ có thể "thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào" (Rô-ma 12: 2). Ý muốn của Đức Chúa Trời cho mỗi một tín hữu là trở nên một của lễ sống cho Chúa Giê-xu Christ.
English
Hy sinh sống có nghĩa là gì?